Nhận lời mời của Hội Nhà văn TP.HCM, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có mặt tại TP.HCM để tham dự Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM sáng 5.2 trong khuôn viên Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM (Q.3). Các lãnh đạo TP.HCM cũng đã đến chúc mừng và đánh trống khai mạc.
Tham dự khai mạc Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM năm nay có ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở VH - TT TP.HCM, KTS Nguyễn Trường Lưu - Chủ tịch Liên hiệp Các Hội VH-NT TP.HCM.
Phát biểu tại lễ khai mạc, nhà văn Bích Ngân, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM nhấn mạnh: "Ngày Thơ Việt Nam là một lễ hội thi ca, để những người làm thơ và những người yêu thơ được gặp gỡ, được tao ngộ, được kết nối với nhau trong không gian sáng tạo và trong không khí nghĩa tình. Từ lễ hội thi ca, những trái tim tha thiết yêu người và yêu đời, có thể được tìm thấy tri âm và còn có thể tìm được chính mình.
Từ lễ hội thi ca, những câu thơ vui buồn rời khỏi trang báo, trang sách để tâm tư của mỗi nhà thơ đến trực tiếp với công chúng rộng rãi, mở rộng hơn biên độ giàu có của ngôn ngữ Việt Nam và làm sâu sắc hơn thông điệp về sức sống cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Từ lễ hội thi ca, những câu thơ chân thành không chỉ thiết lập sự đồng cảm giữa những số phận riêng tư, mà còn vun đắp ý thức đồng bào cùng chung nòi giống Tiên Rồng...".
Thi ca không có biên giới mà thơ luôn đồng hành với mọi người
Cũng theo Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Bích Ngân: "Lịch sử thăng trầm của người Việt Nam chưa bao giờ vắng bóng thi ca. Những câu thơ trên yên ngựa, những câu thơ trên chiến hào, những câu thơ xua đuổi ngoại xâm, những câu thơ giữ gìn bờ cõi, những câu thơ đánh dấu biên cương, những câu thơ khai hoang lập ấp... đã hun đúc ý chí Việt Nam qua những thế kỷ gập ghềnh chông gai và thử thách nghiệt ngã. Những câu thơ hào khí cha ông đã để lại di sản quý báu cho cháu con. Và bây giờ, những câu thơ hiện đại cùng người Việt Nam bước ra thế giới với sự tự tin, tự trọng và tự cường. Thi ca, khởi điểm từ buồn vui của mỗi con người, nhưng thi ca không đứng ngoài sự được - mất của từng số phận và của cả cộng đồng. Khát vọng phương Nam là khát vọng thăng hoa trên đôi cánh thi ca, để hướng tới chân trời sáng tạo rộng mở và bất tận. Khát vọng phương Nam cũng là khát vọng cống hiến, khát vọng văn minh, khát vọng chân lý, khát vọng nhân ái và khát vọng cái đẹp luôn được nảy nở, sinh sôi".
Được biết, sở dĩ Ngày Thơ Việt Nam năm 2023 tại TP.HCM chọn chủ đề Khát vọng phương Nam, Hội Nhà văn TP.HCM mong muốn tiếp tục đồng hành với cán bộ, chiến sĩ và người dân TP.HCM trên con đường xây dựng một đô thị tầm cỡ quốc tế, mà hạnh phúc của mỗi con người vừa là trung tâm và cũng là động lực của sự phát triển.
Thay mặt lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều mong muốn thi ca sẽ góp phần lấp đầy nhưng khoảng trống trong tâm hồn vẫn còn trống trải ở đâu đó.
Ông Nguyễn Quang Thiều xúc động: "Thi ca không làm ra lúa vàng, gạo trắng... nhưng chính thi ca làm ra những giấc mơ cho con người. Một dân tộc làm ra phẩm giá con người thì các giá trị khác mới có giá trị và trở nên ý nghĩa. Ngày Hội Thơ Việt Nam tại TP.HCM năm nay có rất nhiều đặc biệt, trước tiên là sự kiện văn hóa lớn diễn ra sau đại dịch Covid -19. Đặc biệt hơn nữa là sự quan tâm, có mặt gần như đông đủ của các lãnh đạo của TP.HCM cùng những người yêu thơ phương Nam. Sự có mặt của nhà thơ Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo...cũng là điều đặc biệt. Thi ca không có biên giới giữa con người với con người, không gian này với không gian khác mà thơ luôn đồng hành với mọi người...".
Sau chương trình khai mạc Ngày thơ Việt Nam, Hội Nhà văn TP.HCM cũng đã tiến hành, phát giải cuộc thi bút ký Những hy sinh thầm lặng.
Họa sĩ Lê Sa Long cũng đến tham dự từ sớm và ông ngồi miệt mài vẽ chân dung tặng các nhà thơ nhân ngày vui.
Ngày Thơ Việt Nam tại TP.HCM mở đầu với chủ đề Khát vọng vươn tới tương lai là đại diện nhà thơ "thế hệ vàng" sau năm 1975 - đó là nhà thơ Lê Tú Lệ. Tiếp đó là buổi giao lưu và nghe thơ của các nhà thơ nổi tiếng tiếp đang nối các bậc tiền bối: Nguyễn Phong Việt, Bùi Phan Thảo, Minh Đan, Phạm Phương Lan, Phạm Trung Tín...
Nhà thơ Trần Mai Hường có một tiết mục gây xúc động khi thể hiện bài thơ Tưởng niệm của bác sĩ Tự Hàn viết tưởng niệm người đồng đội của anh - bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn.
Khán giả còn được nghe bài thơ Đánh thức tiềm lực viết từ năm 1980 đến 1982 với những suy tư về tiềm lực và tương lai của đất nước, cùng dòng tư duy vẫn còn tươi mới cho đến tận bây giờ, qua chính giọng đọc của tác giả - nhà thơ Nguyễn Duy, đã khiến cho Ngày Thơ Việt Nam tại TP.HCM càng thêm cao trào và hấp dẫn.
Bình luận (0)