Nhà thơ P.N.Thường Đoan 'người tính, không bằng trời tính' với nhiều sự cố không vui

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
30/11/2022 11:14 GMT+7

Nhà thơ P.N.Thường Đoan tự đặt ra quy định… ba năm phát hành một tác phẩm. Nhưng sau khi ra mắt Buổi sáng có nhiều chuyện kể (2010) thì im re. Lý do? Chị buồn thiu: “Nhà nhiều người bịnh, tiền in thơ trút hết vô bệnh viện rồi”.

Nhà thơ P.N.Thường Đoan sinh ra ở Vĩnh Long, nơi có dòng sông hai buổi lớn, ròng, nơi có cánh đồng lúa chín oằn vàng tận chân trời và lũ cò trắng in nghiêng trong buổi chiều nhiều mây nên thơ P.N.Thường Đoan mang nhiều hình ảnh của quê hương.

Vì chiến tranh, 1 tháng tuổi “chạy giặc” cùng gia đình về trú ở Mỹ Tho (Tiền Giang), rồi lại tiếp tục “chạy" lên tận Buôn Ma Thuột, và 10 tuổi lại “chạy” về Mỹ Tho. Còng lưng... chạy riết nên đôi khi ngồi buồn hay nghe chị nói vui: "Tôi biết tại sao mình 'có máu đi bụi' rồi, bởi từ 1 tháng tuổi mình đã 'giang hồ hành hiệp' mà”.

Nhà thơ P.N.Thường Đoan sinh ra ở Vĩnh Long, nơi có dòng sông hai buổi lớn, ròng, nơi có cánh đồng lúa chín oằn vàng tận chân trời và lũ cò trắng in nghiêng trong buổi chiều nhiều mây

nvcc

Chị còn viết dành thơ hay cho mẹ mình, cho quê hương, cho con, nhưng đa số là cho tình yêu. Nhiều người còn thắc mắc có phải tình yêu chính là nguyên liệu để tác giả có được những bài thơ làm liêu xiêu người đọc?

Khi ra mắt tập thơ Đếm cát, nhà báo Thanh Chung nhận xét: “Thơ của P.N.Thường Đoan mang đậm chất trữ tình với những cảm xúc hồn hậu, sâu lắng, nhiều bài thơ hay thể hiện cảm xúc sâu nặng, da diết về mẹ và tình yêu, có sự hòa quyện giữa nỗi cô đơn, niềm khát khao hạnh phúc và khát vọng sống của một người phụ nữ đa đoan… Ở những va chạm, những thị phi trong cuộc sống, bạn bè thấy chị vẫn cứng cỏi vượt qua bằng một sự im lặng rất lạnh, đầy bản lĩnh mạnh mẽ như thế, nhưng khi đứng trước tình yêu tan vỡ, không tránh khỏi quắt quay đau xót để rồi bung ra rất nhiều bài thơ tình làm đau người đọc".

Nhà thơ P.N.Thường Đoan thổ lộ thêm: "Tình yêu trong thơ là đề tài chung và vĩnh cửu. Những cay đắng, những xót xa, cả những vu vơ cũng đều là những tứ thơ đẹp. Mỗi người một khuynh hướng diễn đạt. Không thể bắt mọi người đi chung với nhau theo một hướng nào đó. Vì thơ là tiếng nói máu thịt của riêng một con tim nên nó có quyền được độc lập".

Nhưng ở tập thơ thứ 6 với tên gọi Đất nước tôi màu xanh (do Huyền Đức và NXB Đà Nẵng vừa ấn hành), nhà thơ P.N.Thường Đoan làm người yêu thơ ngạc nhiên. Bởi nếu tính từ năm 2009, khi phát hành tập thơ Buổi sáng có nhiều chuyện kể (2009) thì sau 12 năm thì tác giả mới ra tập thơ tiếp theo.

"Mỗi người sáng tác có một quy định riêng. Với tôi, ngay từ ban đầu đã ấn định cho mình mốc thời gian để giới thiệu tác phẩm mới là 3 năm. Tuy nhiên, có những điều 'người tính, không bằng trời tính', lẽ ra tập thơ tiếp theo sau Buổi sáng có nhiều chuyện kể (2009) được ra mắt năm 2013, nhưng vào năm này, gia đình tôi gặp sự cố không vui, nên việc in ấn tác phẩm mới đành xếp lại", nhà thơ P.N.Thường Đoan giải thích.

Tập thơ thứ 6 của nhà thơ P.N.Thường Đoan có tên gọi Đất nước tôi màu xanh (do Huyền Đức và NXB Đà Nẵng vừa ấn hành)

HUYỀN ĐỨC

Khi tham gia trại sáng tác văn học đề tài 50 năm Mậu Thân do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức, điểm đến là Mã Đà - chiếc nôi của Chiến khu D - thuộc huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), một trong những căn cứ cách mạng quan trọng bậc nhất của miền Đông Nam bộ trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thì nhà thơ Thường Đoan mới biết đến suối Nứa, suối Linh. Thế nào là mộ gió và ngàn loại rau rừng: Mật nhân, Lành ngạnh, Lá bướm, Tàu bay, Bìm bịp…

“Tôi thấy những ngôi mộ có hình ảnh, là những cô gái, chàng trai có nơi sinh là bên kia vĩ tuyến 17, rất trẻ, họ mãi mãi dừng lại, giữ lấy thanh xuân của mình giữa rừng già bạt ngàn lá non xanh mượt. Con trai thì làm rể của rừng, con gái thành dâu của rừng, nhận rừng làm quê hương thứ hai, quấn quýt, gắn bó không rời nữa. Nghĩa trang Mã Đà buồn, cũng như nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo buồn, những ngôi mộ gió đều giống nhau. Ở rừng Mã Đà rất nhiều đom đóm, rất nhiều ve, tôi tự hỏi mình, có phải là họ đấy chăng? Đom đóm xanh lập lòe soi đường tìm ngõ về? Tiếng ve kia có phải lời than khóc? Mất mát là đau khổ. Không ai muốn điều này xảy ra với mình", nhà thơ rưng rưng.

Nhà thơ P.N.Thường Đoan kể tiếp: "Tôi đi dự trại viết ở An Giang, do tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức, tôi ghé Tri Tôn, Ba Chúc, nghe vụ thảm sát người Việt của Khmer đỏ mà đau. Tôi theo tour Về nguồn, biết thêm những ngôi nhà không có giàn hoa ở Sài Gòn trước năm 1975 chứa đầy súng và đạn cho cuộc tiến công Mậu Thân, những nhân chứng mắt đã mờ, tai đã lãng, nhưng họ vẫn không quên gương mặt người đã hẹn sẽ trở về...”.

Và rồi, từ những cung bậc xúc cảm ấy ùa về mà tập thơ Đất nước tôi màu xanh ra đời. Có tất cả 49 bài thơ, chia làm hai phần. 12 bài thơ ở phần Khi thành phố giãn cách, đó là những cảm nhận về nỗi đau, mất mát, về cái chết, phận người nhỏ bé... trong cơn đại dịch Covid-19. Có những bài rất ám ảnh như Tử ca là sự chia sẻ về nỗi đau đại dịch Covid-19.

Tác giả tâm sự rằng: "Đại dịch Covid-19 mãi mãi ám ảnh chúng ta. Đến thời điểm này, con số người chết cũng chỉ là được 'ước tính', không ai có thể xác định chính xác, cụ thể bao nhiêu. Trong khoảng thời gian TP.HCM bùng dịch vì tính cách công việc, tôi đã chứng kiến tận mắt những trường hợp đi cách ly vì nhiễm Covid-19 (F0, F1, F2, F3, F4), và những đoàn xe tang chờ ngoài lò thiêu Bình Hưng Hòa. Không gì đau hơn và tang thương hơn. Những chuyến xe không đồng, từng đoàn người thiện nguyện với người đau, xác chết là nỗi ám ảnh ghê rợn không nguôi. Mỗi ngày ngóng tin xã hội, tin bè bạn, tin người thân, ai tồn tại và ai ra đi, không thở được”.

Còn phần thứ hai của tập thơ có tên gọi Ngoảnh lại đằng sau để nhớ là bóng dáng của chiến tranh, của quá khứ trong hình hài đất nước hôm nay. Mỗi chuyến đi đến 1 địa danh lịch sử trở thành cảm xúc để tác giả viết thành thơ.

Với tập Đất nước tôi màu xanh, giọng thơ nữ của chị lại được dịp rung lên da diết cùng Tổ quốc: Đất nước tôi màu xanh/trong bình minh đầy nắng/Đất nước tôi hình cong/ôm tôi khi chào đời

nvcc

Được biết, từ năm 1992 đến nay (2022), nhà thơ P.N.Thường Đoan đã phát hành được 5 tập thơ: Lục bát cho khát vọng; Người đàn bà làm thơ và trăng; Đếm cát; Rũ người; Buổi sáng có nhiều chuyện kể và với Đất nước tôi màu xanh, giọng thơ nữ của chị lại được dịp rung lên da diết cùng Tổ quốc: Đất nước tôi màu xanh/trong bình minh đầy nắng/Đất nước tôi hình cong/ôm tôi khi chào đời. Một ngày biển Đông không bình yên/triệu triệu trái tim cùng thắp ngọn lửa/một ngày biển Đông không màu xanh/ngàn ngàn bước chân đồng khởi. Sáng nay mây đen trên bầu trời/sáng nay những bông phong ba/rụng/trong ngậm ngùi/sóng kêu/rợn đau. Mặt trời đã mọc cùng nụ cười tử sinh/trăng rằm rạng ngời trên đầu bão giông/trăm anh em Rồng Tiên/trên đỉnh sóng cao/sau vòng hương thơm/thề lời quyết tử/vì quê hương Việt Nam. Tổ quốc ơi/đất nước màu xanh hình cong/ôm tôi/từ khi mẹ cho giọt sữa đầu đời”.

“Tôi đón nhận những tin dữ, như người bạn ở Hà Nội đang sốt cao mà trong nhà không có ai ở chung ngoài một con chó và một con chim. Như vợ chồng người bạn văn cùng chết, như ba mẹ người đồng nghiệp làm báo cùng chết, như một bạn văn già nổi tiếng chết, như hai người bạn là nghệ sĩ nhiếp ảnh chết, chết nhiều quá…

Bài Tử ca được tôi viết sau đêm TP.HCM tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 vào lúc 20 giờ ngày 19.11.2021 tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM). Đứng trong đêm lạnh buốt, tiếng nhạc và tiếng kèn, tiếng khóc, những bóng lá lay lắt, cứ như có bước ai đang nhẹ về làm ám ảnh tôi không thể nào quên được”, nhà thơ P.N.Thường Đoan xúc động nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.