'Tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường' ở Huế với Hệ giá trị gia đình Việt

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
30/11/2022 08:14 GMT+7

Gia đình là môi trường giáo dục thuận lợi, nơi hình thành, hoàn chỉnh đạo đức, nhân cách con người, tốt hay xấu cũng bắt đầu từ đó và “Tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường” càng góp phần phát huy Hệ giá trị gia đình Việt.

Cả ngày 29.11 tại ba điểm cầu: Hà Nội, Huế và TP.HCM đã sôi nổi diễn ra hội thảo quốc gia Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới do Hội đồng Lý luận T.Ư, Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ VH-TT-DL, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phối hợp tổ chức.

Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội thảo quốc gia Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới

Tuyengiao.vn

GS.TS. Hồ Sĩ Quý (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) mang đến hội thảo nhiều bức xúc: “Câu hỏi đặt ra là, tại sao con người lại tuân thủ những 'lệch chuẩn' không đúng đắn, xấu, thậm chí là bất lương… đang ngầm tồn tại trong đời sống xã hội. Vấn đề là ở chỗ, chính các ‘lệch chuẩn’ nếu tồn tại quá lâu, nếu được phần lớn cộng đồng xã hội chấp thuận, thì trong thực tế, chúng lại tự ngầm định cho mình những giá trị về chân, thiện, mỹ. Nghĩa là, việc thực hiện những hoạt động, hành vi lệch chuẩn theo lề thói của quan niệm thông thường, nếu không được ngăn chặn kịp thời thì sẽ đến lúc có thể được coi là đúng, là tốt, là đẹp”.

Tu thân - tề gia - trị quốc theo đúng chuẩn mực đạo đức

Tại TP.HCM nhiều mô hình mới, cách làm hay được nhân rộng. Các thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư. Hệ thống thư viện, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa phát triển khá đồng bộ trên địa bàn. Việc thực hiện đồng bộ giữa xây dựng nếp sống văn minh - mỹ quan đô thị, chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, góp phần hoàn thiện hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực, gắn với giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời xây dựng, hình thành chuẩn mực văn hóa, con người thành phố mang tên Bác: “Năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình”, gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện cho người dân, nhất là thanh thiếu nhi thành phố phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, tuân thủ pháp luật, sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần hình thành bản sắc riêng của con người TP.HCM.

Quang cảnh phiên thảo luận thứ nhất tại Hà Nội

T.L

Các đại biểu tại điểm cầu TP.HCM tham gia phát biểu tại Hội thảo quốc gia Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới do Hội đồng Lý luận T.Ư, Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ VH-TT-DL, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phối hợp tổ chức

quỳnh trân

Phó bí thư thường trực Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ mang đến câu chuyện gia giáo truyền thống Huế mang đậm dấu ấn của tư tưởng Nho giáo từ câu răn dạy: “Một người làm quan cả họ được nhờ, một người làm dơ cả họ chịu tiếng”, người lớn phải không ngừng phấn đấu để trở thành tấm gương mẫu mực cho con cái noi theo và ngược lại, con cái cũng phải hết sức nỗ lực để không phụ công ơn cha mẹ, và đặc biệt là gìn giữ gia phong. Quan hệ trực tiếp đến gia phong chính là vị thế của người cha (ông) và vai trò của người mẹ (bà) trong gia đình với quyền hạn và trách nhiệm tối ưu về phương cách giáo dục con cái.

Được biết, trong mô hình đại gia đình truyền thống Huế, người đàn ông sẽ đảm đương công tác xã hội - ngoại giao và trao hẳn vai trò “tề gia” cho người phụ nữ. Người đàn ông ngoài việc đảm đương công tác xã hội - ngoại giao, còn đảm đương chức năng hương hỏa một cách thuần túy, phải tu thân - tề gia - trị quốc theo đúng chuẩn mực đạo đức Nho giáo để làm rạng danh gia tộc, hoàn toàn yên tâm về một hậu phương êm ấm trong tay bà nội, bà mẹ và bà vợ.

Nét đẹp văn hóa của một gia đình Huế

thuathienhue.gov.vn

Rồi quan niệm “thương cho roi cho vọt”. Chính sự giáo dục thế hệ trẻ “đi thưa về trình” ở Huế khá khắt khe. Sự nghiêm khắc đến khắt khe này thực sự có tác dụng giáo dục con người ngay trong gia đình sống có thứ bậc, có trách nhiệm, không tùy tiện. Với cộng đồng dân cư Huế, sự sum vầy, tình cảm gắn bó còn thể hiện trong “tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường” (3, 4 thế hệ ở cùng một nhà). Đối với những gia đình không ở cùng một nhà nhưng thường con trai khi lấy vợ lại quây quần trong một mảnh đất của ông cha để làm nhà ở. Người dân cố đô thường đề cao, ngợi khen lòng hiếu thảo, biết lễ nghi, phép tắc trong mối quan hệ dòng tộc, làng xóm, quê cha đất tổ...

“Gia đình là môi trường giáo dục thuận lợi nhất, là nơi hình thành và hoàn chỉnh đạo đức, nhân cách của con người, tốt hay xấu gì cũng bắt đầu từ đó. Cuộc sống gia đình sẽ tạo ra và bồi đắp những mầm sống ấy. Nền giáo dục của gia đình xứ Huế ở bất cứ tầng lớp nào cũng nhằm mục tiêu đào tạo nên những con người mang các đặc điểm riêng có của mình, hay nói một cách khác, đó chính là tính cách Huế, như: hiếu học, tôn sư trọng đạo, tình yêu xóm giềng, quê hương, đất nước; giao tiếp ứng xử tế nhị, thanh nhã trong cử chỉ lẫn ngôn ngữ... vì thế gia đình Huế rất chú trọng trong việc giáo dục. Người phụ nữ là tấm gương “tứ đức” (công - dung - ngôn - hạnh), đảm đang, lo việc nội trị cho chồng yên tâm ngoại giao, cũng là người thầy của con trẻ trong những bài học đạo đức, luân lý, nữ công gia chánh”, tham luận của Phó bí thư thường trực Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ tại đầu cầu Huế chia sẻ thêm.

Một gia đình hạnh phúc trong quan niệm của người Huế không thể thiếu không khí sum vầy và những bữa ăn ngon, đó cũng là nếp nhà. Không ít phụ nữ đã có cách dạy con “thô cũng đặng, mà thanh cũng hay” (ở nhà thì xốc vác, đảm đang ra ngoài thì áo nón chỉnh tề, đi đứng ý tứ, nói năng lễ độ, họp bạn thì ít nhiều cũng góp tiếng ngâm thơ, đàn hát)…, đã khiến cho cuộc sống nếu có mệt mỏi bỗng trở nên nhẹ nhõm và ý nghĩa hơn.

Một gia đình "tứ đại đồng đường' ở Hà Tĩnh

báo hà tĩnh

Rất sát sườn, những bàn luận về các Hệ giá trị văn hóa, gia đình, chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới diễn ra tại ba đầu cầu: Hà Nội, Huế, TP.HCM sôi nổi như không đến hồi kết, bởi các hệ giá trị Việt Nam nói chung, hệ giá trị con người nói riêng, là một trong những nguồn lực nhân văn vĩ đại của quốc gia – dân tộc, là nguồn lực nội sinh đặc biệt được khẳng định và tiếp tục khơi dậy, như là những viên ngọc cứ mỗi ngày được mài dũa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.