Cảm xúc của anh như thế nào sau từng nấy năm mới lại đón tết ở quê nhà?
- Nhà thơ Trương Anh Tú: Tôi có nhiều dịp về Việt Nam, nhưng đúng 32 năm mới trở về vào đúng dịp tết. Trên đường từ sân bay Nội Bài về nhà, đi qua đường Bưởi, Lạc Long Quân, Hoàng Hoa Thám..., nhìn người người cầm cành đào mà tôi như thấy mọi người đang “cầm” mùa xuân trên tay.
Trở về dịp này, với một người sống xa Tổ quốc như tôi, không chỉ là trở về với quê hương, về với ngôi nhà của cha mẹ, mà còn như được gặp lại chính mình, gặp lại tuổi thơ của mình cùng không khí ngày tết xưa khi ở Hà Nội. Nhìn thấy mọi người tíu tít, bận rộn, lòng mình cũng phơi phới theo.
Không chỉ vậy, tôi gặp lại cả những bâng khuâng nữa. Tôi vốn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, ở dải đất thuộc “làng trong phố” như Ngọc Hà, Đại Yên, Vĩnh Phúc. Ngày xưa, khi bé, mỗi khi tết đến lại thấy hoa đào bừng nở, lại thấy bạt ngàn hoa violet, hoa cánh bướm và nhiều loại hoa khác trên cánh đồng. Nhưng bây giờ còn đâu những làng hoa trong lòng Hà Nội như thế nữa.
|
Ở Đức, anh ăn tết như thế nào?
Tôi cũng như nhiều bà con người Việt ở Đức vẫn tham gia những buổi đón tết của cộng đồng, được Đại sứ quán Việt Nam hay các hội đoàn của bà con người Việt tổ chức. Trong những buổi lễ đó, thường có những nghệ sĩ trong nước sang và cả các nhóm văn nghệ của các nhóm hội, của bà con biểu diễn. Người Việt ở Đức ăn tết cũng có đào, mai, có áo dài, bánh chưng… Mọi người cùng nhau tổ chức đón tết cổ truyền để cùng nhớ về ngày tết, để những thế hệ thứ 2, thứ 3 sinh ra ở Đức được tìm hiểu về văn hóa, về phong tục ngày tết từ quê hương Việt Nam.
Nhưng tết về cũng là lúc cảm xúc nhớ quê hương rõ rệt hơn. Có khi tôi thắp nhang để được cảm thấy mùi hương không khí tết ở Việt Nam. Tôi gọi điện cho gia đình để chúc tết, để được nói chuyện và nhìn thấy mọi người, nhưng cũng chỉ phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ, vì tết là quê hương, là đoàn tụ gia đình.
Trong hơn 30 năm đón tết nơi xứ người, có lần đón tết nào là kỷ niệm xúc động với anh?
Có lẽ không năm nào đón tết mà không nhớ tết. Nhưng có một kỷ niệm, không phải trong những ngày tết mà là những ngày khác trong năm 2014, khi Trung Quốc dùng giàn khoan xâm lấn lãnh hải Việt Nam. Tôi cùng nhiều người Việt ở Đức và những người nước ngoài yêu chuộng hòa bình xuống đường phản đối hành động của Trung Quốc. Tôi nhìn thấy những ánh mắt, nghe thấy tiếng lòng của những con dân đất Việt hướng về Tổ quốc.
Tôi cảm nhận rõ ràng tình yêu Tổ quốc thiêng liêng, sự gắn kết của người Việt với quê hương, đất mẹ. Và tôi đã viết ca khúc Trái tim Việt Nam - ca khúc sau đó đã được vang lên trong dịp Quốc khánh 2.9 và nhiều chương trình khác của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi cùng tốp ca trình bày không thể quên sự chia sẻ, cổ vũ và sự xúc động của người nghe khi chúng tôi cùng hát: Hãy nghe mùa xuân nói - từ trái tim bao người/Hãy nghe mùa xuân nói - từ trời xanh em ơi/Hãy nghe Hoàng Sa nói - từ ngàn năm giống nòi/Hãy nghe Trường Sa nói - từ trái tim Việt Nam!
Đọc thơ của Trương Anh Tú, người ta thấy tình yêu, sự trong trẻo, thuần khiết và tinh thần lạc quan tràn ngập. Khi viết, anh có chủ định đưa ra những thông điệp qua những tác phẩm của mình?
Tôi bắt đầu sáng tác cách đây khá lâu, có những tác phẩm đầu tay được công bố trên báo chí từ những năm 1990, như một nhu cầu tự thân. Thơ ca và âm nhạc với tôi chính là tiếng lòng, là cảm xúc, là tâm hồn.
Trong bài thơ Những mùa hoa anh nói, tôi viết: “Đẹp sao những loài hoa/Đã một lần thật sống/Để đi hết bầu trời/Của tận cùng sự sống!”. Một bông hoa nở ra không biết, không ý thức được vẻ đẹp của hoa. Nhưng hoa cứ nở, cứ sống, cứ vươn lên với bầu trời, thấm từng hạt sương mai, miệt mài chắt chiu bao mùa trong đất, để bung nở, tỏa sắc. Con người cũng vậy, luôn có những ước vọng, ước vọng bằng lao động và sáng tạo, bằng sự chân thành và niềm tin để có những mùa hoa.
Viết về thiên nhiên cũng là “khám phá” những “triết lý”, những vẻ đẹp của thiên nhiên. Mở lòng ra với đời ta sẽ được đón nhận những điều tuyệt vời của cuộc sống. Nói rộng ra, một gia đình, một xã hội, một quốc gia nếu biết “đi hết bầu trời” thì sẽ thu nhận được những điều tốt đẹp của cuộc sống, của tiến bộ và phát triển. Tôi đã viết bài thơ Cơn bão khi miền Trung gặp cảnh tang thương vì bão lũ. Tôi viết với sự đau đớn bởi những mất mát, và cũng từ sự phẫn nộ trước cái ác, trước lòng tham, sự u mê của con người với thiên nhiên.
Tôi nghĩ rằng, tôi cũng như đa phần những người Việt xa quê luôn hướng về quê hương với tất cả tình yêu và cả những trăn trở.
Những mùa hoa anh nói là tác phẩm gần nhất của anh. Vậy sau những mùa hoa, anh có còn tiếp tục với những mùa khác?
Có chứ! (cười) Tôi vẫn tiếp tục viết theo những mạch nguồn cảm xúc và tâm hồn. Văn chương - nghệ thuật như chiếc cầu nối, để con người biết chia sẻ, biết sống bao dung, độ lượng hơn, để chúng ta soi chiếu, chiêm nghiệm, khám phá những vẻ đẹp cuộc sống. Tôi rất vui khi những tác phẩm của mình được độc giả trong nước đón nhận, được các tờ báo mời cộng tác, mong đợi.
Và còn những mong mỏi cho một năm mới đến của một nhà thơ Việt Nam đang sinh sống xa quê nhà như anh?
Nghĩ về Tổ quốc như nghĩ về ngôi nhà của mẹ. Sống ở nước ngoài, có độ lùi về không gian để nhìn về Tổ quốc, tôi càng có những nỗi niềm trăn trở về quê hương, đất nước. Nhưng dù ở đâu tôi cũng cảm thấy Tổ quốc luôn ở trong tim. Đi đâu trên mặt đất này khi ngoảnh lại tôi luôn thấy sau lưng mình là sông Hồng, là sông Hương, là Cửu Long giang, là quê nhà.
Tôi mong đất nước mình sẽ tiếp tục “quốc tế hóa” trên nhiều lĩnh vực, để ngày càng hội nhập, phát triển với thế giới, để những người con đất Việt dù ở đâu cũng tìm thấy bên mình là Tổ quốc.
Bình luận (0)