Nhà thơ Trương Nam Hương: 'Đọc Đới Xuân Việt, hiểu thêm dòng họ trâm anh thế phiệt'

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
25/05/2024 13:21 GMT+7

"Đọc 'Về nơi nguồn cội' của nhà văn Đới Xuân Việt, độc giả có dịp 'chiêm ngưỡng' một dòng họ trâm anh thế phiệt. Ông ngoại tác giả là hậu duệ vua Minh Mạng và là tấm gương sáng về học tập, tu dưỡng để đạt kết quả đáng mơ ước trên con đường công danh sự nghiệp", nhà thơ Trương Nam Hương nhấn mạnh.

Sáng 25.5 tại Đường sách TP.HCM, NXB Tổng hợp TP.HCM và tác giả Đới Xuân Việt đã có  buổi giao lưu, ra mắt tác phẩm Về nơi nguồn cội với sự dẫn chuyện hóm hỉnh của nhà báo – nhà thơ Lê Minh Quốc, cùng hai vị khách mời: nhà văn Kao Sơn và nhà văn Bùi Quang Lâm

Sách dày 208 trang với các nội dung tiêu biểu: Mẹ tôi về làm dâu họ Đái huyện Quảng Xương; Tuổi thơ; Trang ấp của ông ngoại; Trở lại Huế; Ra Hà Nội; Về sống ở trường Chu Văn An; Bố tôi; Đam mê và liều lĩnh; Mẹ tôi một đời gồng gánh… 

Nhà thơ Trương Nam Hương: 'Đọc Đới Xuân Việt, hiểu thêm dòng họ trâm anh thế phiệt'- Ảnh 1.

Bà Ông Thị Ngọc Linh - Phó Tổng Biên tập NXB Tổng hợp TP.HCM (phải) tặng hoa cho đạo diễn - nhà văn Đới Xuân Việt

Nhà thơ Trương Nam Hương: 'Đọc Đới Xuân Việt, hiểu thêm dòng họ trâm anh thế phiệt'- Ảnh 2.

Nhà thơ Lê Minh Quốc vào vai người dẫn chuyện hoạt náo và hóm hỉnh tại buổi giao lưu

Nhà thơ Trương Nam Hương: 'Đọc Đới Xuân Việt, hiểu thêm dòng họ trâm anh thế phiệt'- Ảnh 3.

Buổi giao lưu với nhà văn diễn ra tại Đường sách TP.HCM sáng 25.5

QUỲNH TRÂN

Thay mặt Hội Nhà văn TP.HCM, nhà thơ Trương Nam Hương đã tặng hoa chúc mừng nhà văn Đới Xuân Việt với đứa con tinh thần mới. Anh cũng không giấu được cảm xúc khi đọc tác phẩm. "Tôi đặc biệt ấn tượng với những hồi ức của tác giả về những bậc tiên tổ trong dòng họ. Ông nội tác giả, một thầy đồ Nho hay chữ, một lang y bốc thuốc chữa bệnh cứu người có tiếng ở vùng Quảng Xương - Thanh Hóa. Cụ có lòng yêu thương con cháu đặc biệt. Cụ dạy bảo con cháu rất cẩn thận, tỉ mỉ từ nếp ăn, nếp ở đến công việc nhà nông, giáo dục con cháu sống có đức độ, sống tốt, sống có trên, có dưới", nhà thơ Trương Nam Hương tâm sự.

"Hạnh phúc nhất là được quay về với gia đình mình. Nơi ấy là nguồn cội..."

Được biết Về nơi nguồn cội là một thiên ký sự, một truyện dài về một dòng họ đã trải qua hơn một thế kỷ từ khi đất nước còn chìm đắm trong đêm dài nô lệ cho đến khi đất nước hoàn toàn được độc lập. Qua đó, cuốn sách đã ghi nhận những đóng góp của các vị đức cao vọng trọng trong dòng tộc cho xã hội và cho dòng họ, cũng chính là lý do tác giả Đới Xuân Việt đặt bút viết thiên ký sự này.

Cuốn sách còn là sự tôn vinh các bậc tiền nhân của tác giả đã có công xây dựng dòng họ, đóng góp tích cực cho sự phát triển của cộng đồng, của xã hội và để lại các tấm gương sáng cho con cháu noi theo, vừa là nguồn động lực tiếp sức cho các thế hệ sau phấn đấu và vươn lên.

Nhà thơ Trương Nam Hương: 'Đọc Đới Xuân Việt, hiểu thêm dòng họ trâm anh thế phiệt'- Ảnh 4.

Tác phẩm Về nơi nguồn cội của đạo diễn - nhà văn Đới Xuân Việt

Nhà thơ Trương Nam Hương: 'Đọc Đới Xuân Việt, hiểu thêm dòng họ trâm anh thế phiệt'- Ảnh 5.

Thay mặt Hội Nhà văn TP.HCM, nhà thơ Trương Nam Hương (phải) đã tặng hoa chúc mừng nhà văn Đới Xuân Việt với đứa con tinh thần mới

QUỲNH TRÂN

Cũng theo nhà thơ Trương Nam Hương: "Ông ngoại tác giả  dù là một thượng thư, tổng đốc tỉnh Thanh Hóa, một tỉnh có diện tích lớn vào bậc nhất Việt Nam. Ngoài việc làm tròn bổn phận của một quan đầu tỉnh, cụ còn có công khai khẩn đất hoang, lập làng, lập ấp, xây dựng hệ thống cống dẫn thủy nhập điền góp phần biến một vùng đất hoang hóa, sình lầy rộng lớn thành đồng ruộng. Là một vị quan to nhưng cụ không nề hà việc nhà nông chân lấm tay bùn. Cụ vẫn xắn quần đi cày bừa, nhổ mạ, làm quần quật ngoài đồng không kể nắng mưa, lao động cần cù chăm chỉ như một nông dân thực thụ. Ngoài bảy mươi tuổi, cụ vẫn chống ba-toong ra đồng kiểm tra lúa má, nước nôi. Cụ có một tình yêu đặc biệt đối với đất đai và cây lúa".

Nói về các vị tiên tổ của dòng họ, nhà văn Đới Xuân Việt tâm sự: "Tôi luôn nghĩ đến công lao trời biển của các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, mở rộng bờ cõi, tạo dựng nên nước Việt Nam hào hùng và tươi đẹp như ngày hôm nay. Do vậy, tôn trọng công lao của của các bậc tiền nhân là phẩm giá của lớp người kế thừa lịch sử nên tôi quyết định viết tác phẩm này".

Nhà thơ Lê Minh Quốc khẳng định: "Văn hóa Việt luôn bắt đầu từ nếp nhà. Từng có nhiều nhà văn khai thác những nét đẹp về cội nguồn, thông qua câu chuyện về dòng họ ở một số thể loại hồi ký, tự truyện...nhưng có lẽ với truyện ký Về nơi nguồn cội, tôi nghĩ rằng nhà văn Đới Xuân Việt đã chạm được đến trái tim người đọc. Ông còn tạo cảm hứng cho nhiều cây bút sẽ tiếp tục khai thác đề tài này trong tương lai".

Nhà thơ Trương Nam Hương: 'Đọc Đới Xuân Việt, hiểu thêm dòng họ trâm anh thế phiệt'- Ảnh 6.

Nhà văn Đới Xuân Việt tâm sự: "Tôi luôn nghĩ đến công lao trời biển của các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, mở rộng bờ cõi, tạo dựng nên nước Việt Nam hào hùng và tươi đẹp như ngày hôm nay"

Nhà thơ Trương Nam Hương: 'Đọc Đới Xuân Việt, hiểu thêm dòng họ trâm anh thế phiệt'- Ảnh 7.

Nhà văn miệt mài ký tặng sách mới

Nhà thơ Trương Nam Hương: 'Đọc Đới Xuân Việt, hiểu thêm dòng họ trâm anh thế phiệt'- Ảnh 8.

Bạn văn chương, đồng nghiệp và độc giả đến chia vui cùng nhà văn Đới Xuân Việt

QUỲNH TRÂN

Trao đổi thêm với PV Thanh Niên về cuốn sách, nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng ông rất xúc động về hình ảnh người mẹ của tác giả luôn tảo tần, chịu thương chịu khó xuất hiện trong tác phẩm. "Người mẹ ấy tiêu biểu cho hàng triệu bà mẹ Việt Nam sống lo cho con, hết mực với chồng. Từ ngoài Bắc bà phải lưu lạc vào Huế, rồi một lần nữa quay ngược về Bắc dù đối diện với thực tế khó khăn hơn, nhiều biến động hơn nhưng người mẹ ấy vẫn không nề hà. Vâng, bởi còn hạnh phúc nào hơn khi bà được quay về với gia đình mình, chồng mình, con mình. Nơi ấy là nguồn cội...", tác giả Ba mẹ từng ngày thở theo con trải lòng.  

Về nơi nguồn cội có nhiều đoạn đời, phần đời gắn với nhiều sự kiện lớn của đất nước. Tác giả còn kể những câu chuyện đau lòng, cười ra nước mắt về những con người, những số phận đã chịu nhiều thiệt thòi, mất mát đã đứng dậy ra sao, đã phấn đấu ra sao cho một cuộc sống bình yên và tốt đẹp hơn. Những đau khổ, đắng cay của cuộc đời đã không đẩy họ đến những hành động tiêu cực mà giúp họ phấn đấu hướng đến những điều tốt đẹp, tiếp tục có những đóng góp tích cực cho xã hội, cho đất nước.

Truyện ký còn dành những trang viết về ông Cai Tổng trong chính quyền của thực dân Pháp, một đại địa chủ giác ngộ cách mạng ngay từ khi Đảng mới thành lập. Ngôi nhà của ông là nơi thành lập và hoạt động của chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Quảng Xương (Thanh Hóa). Nhân vật này cũng có ba trong bốn người con trai nối gót tham gia cách mạng và hiện ngôi nhà đã được Thanh Hóa công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.