Thời khóa biểu 9 tiết/ngày là sai về mặt sư phạm
Trước thực tế nói trên, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, đã lưu ý việc tổ chức thời khóa biểu 9 tiết/ngày là sai về mặt sư phạm, không phù hợp với quy định của Bộ GD-ĐT.
Cụ thể, việc dạy 2 buổi/ngày ở bậc trung học chỉ tổ chức không quá 8 tiết/ngày, mỗi tuần không quá 6 ngày. Nhà trường chủ động xây dựng nội dung kế hoạch dạy học chi tiết cho các môn trên cơ sở đảm bảo nội dung chương trình, chuẩn kiến thức kỹ năng và thời lượng dạy học. Đồng thời, đảm bảo cơ sở vật chất, giáo viên cũng như không gây quá tải cho học sinh (HS).
Bên cạnh những chấn chỉnh, đề nghị các trường sắp thời khóa biểu theo đúng quy định, Sở GD-ĐT còn yêu cầu các trường thực hiện báo cáo về số tiết dạy tối đa trong ngày đang thực hiện ở từng khối lớp khi dạy học 2 buổi/ngày. Tổng số tiết/tuần được xếp trong thời khóa biểu gồm: tiết chính khóa, tiết thuộc kế hoạch 2 buổi/ngày, số tiết thực hiện kế hoạch chương trình nhà trường.
Sau những chấn chỉnh của Sở GD-ĐT, Trường THPT Gia Định đã có những điều chỉnh. Cụ thể, thời khóa biểu của trường này áp dụng từ ngày 8.10, mỗi ngày HS học không quá 8 tiết và thứ bảy học khoảng 4 tiết. Tương tự, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ cũng đã điều chỉnh lịch học sau những phản ánh của HS.
Tuy nhiên, trong buổi họp giao ban với hiệu trưởng các trường THPT vào sáng 10.10, một số lãnh đạo nhà trường đã bày tỏ ý kiến liên quan đến việc bố trí sắp xếp thời khóa biểu.
Các trường tâm tư: "Làm đúng quy định chưa chắc đã hợp lý"!
Ông Lương Văn Định, Hiệu trưởng Trường THPT Thạnh Lộc (Q.12), tâm tư: "Có những chuyện làm đúng quy định chưa chắc hợp lý. Một số trường có một số buổi xếp thời khóa biểu 9 tiết, nhưng khi Sở lưu ý phải thực hiện theo đúng quy định thì phải điều chỉnh. Tuy nhiên khi sửa, tôi lại thấy thương học trò vì phải đi thêm ngày, đi thêm buổi, cũng chưa chắc là hay".
Đồng quan điểm, ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, cho biết việc thực hiện chương trình ngoài giờ chính khóa, trong đó ưu tiên thực hiện đề án dạy tin học theo chuẩn quốc tế, dạy học ngoại ngữ, tăng cường thể dục thể thao cần sự đồng thuận của cha mẹ HS về các mức thu theo Nghị quyết 04. Tạo được sự đồng thuận đã khó, việc xếp thời khóa biểu còn gian nan hơn. Khi triển khai, phụ huynh đa phần muốn lồng ghép vào các ngày trong tuần để con em được nghỉ vào ngày thứ bảy, điều này đồng nghĩa sẽ phải học 9 tiết/ngày là không đúng quy định.
Từ khó khăn trên, vị hiệu trưởng này đề xuất Sở giao quyền tự chủ, cơ chế mở cho lãnh đạo các trường trong việc thực hiện đề án, lồng ghép các tiết, xếp thời khóa biểu. Dựa vào ý kiến phụ huynh HS, nếu trường nào, phụ huynh đồng thuận thì tổ chức và ngược lại.
Sở GD-ĐT: "Dạy quá tải cũng không mang lại hiệu quả"
Tuy nhiên, ông Lê Duy Tân cương quyết đề nghị: "Thầy cô nên nhớ rằng việc dạy học phải mang tính vừa sức. Nếu dạy quá tải việc học cũng không mang lại hiệu quả. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, việc thiết kế thời khóa biểu đã được nghiên cứu, do đó các trường không nên tăng tải khi đưa thêm các chương trình nhà trường để ghép vào".
Riêng với HS lớp 12, người phụ trách chuyên môn của Sở nói thêm, các trường đừng đặt nặng việc thực hiện chương trình nhà trường, bởi lộ trình các đề án không áp đặt đối với HS cuối cấp. "Tôi hoan nghênh các trường thiết kế buổi 2 vừa sức, không đưa thêm chương trình vào để vượt ngưỡng gây áp lực cho HS. Các chương trình đề án nên áp dụng cho HS khối 10, 11", ông Tân nhấn mạnh.
Bình luận (0)