Điểm cao, trường tốt chưa chắc có việc
Theo anh Nguyễn Đức Hải, Giám đốc đào tạo Học viện VietFounder, tâm lý thông thường của các nhà tuyển dụng là muốn tuyển được ứng viên có thể vào làm việc được ngay. Nhưng tìm được người như vậy là rất khó, nhất là với sinh viên (SV) mới ra trường. Vì thế các nhà tuyển dụng thường nhìn vào tiềm năng của SV, xem mức độ yêu thích công việc, tố chất có phù hợp với công việc không…
“Bạn phải chuẩn bị kỹ từ hồi SV, phải tự tạo điều kiện cho mình đi thực tập hoặc đi làm thêm sớm hơn một chút, việc tích lũy kinh nghiệm thực tế thì không nên chờ đến khi nhà trường sắp xếp cho đi thực tập mới làm”, anh Hải khuyên.
Theo ông Nguyễn Minh Luân, Trưởng bộ phận tư vấn nhân sự Công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao Harvey Nas, một rào cản vô cùng lớn của lao động VN lâu nay là ngoại ngữ.
Anh Nguyễn Thạc Thắng, Giám đốc chi nhánh tại Hà Nội của Công ty tư vấn tuyển dụng nhân sự First Alliances Nhật Bản, cũng nhận xét: “Các SV thường điểm số cao, đầu tư nhiều bằng cấp chứng chỉ nhưng các nhà tuyển dụng mong đợi nhiều hơn cả là khả năng thực tế”.
Anh Trần Anh Tú, Giám đốc điều hành tổ hợp truyền thông Liên Tinh, nhận xét SV mới ra trường thường mắc sai lầm về thái độ khi ra mắt các nhà tuyển dụng và thiếu suy xét về mức độ sự phù hợp của mình với doanh nghiệp. Nhà tuyển dụng thường chờ đợi ở ứng viên sự cầu thị nhưng có những SV đến từ các trường "top" trên có thái độ không đẹp cho lắm. Họ cậy thế mình học trường ngon, bảng điểm đẹp, nên mới phỏng vấn xin việc thôi đã ra yêu sách nọ kia, trong khi đó ngay cả với người giỏi được tuyển đến từ công ty khác họ cũng cần thời gian để chứng minh năng lực ở nơi mới. Thực tế kết quả tuyển dụng của các công ty cho thấy không cứ người có năng lực nhất (theo nghĩa học giỏi, trường tốt) là người phù hợp nhất.
Anh Tú nói: “Lợi thế của các bạn hiện tại là sức trẻ, là nhiệt huyết, thì hãy thể hiện điều đó ra với nhà tuyển dụng”.
Còn theo chị Nguyễn Cẩm Chi, người sáng lập và là Giám đốc điều hành Công ty TNHH đào tạo và tư vấn Unity Academy, để đạt được sự phù hợp giữa ứng viên với công ty, SV phải tìm hiểu về công ty trước khi nộp hồ sơ xin việc. Có những bạn ứng tuyển vào vị trí kế toán nhưng lại hỏi những câu kiểu như: “Nghề kế toán thì phải làm những công việc gì?”.
Cần học giỏi hay kỹ năng mềm tốt?
Cùng vào một vị trí, trước 2 ứng viên, một người có bảng điểm đẹp, một người có trải nghiệm thực tế tốt (mà điểm kém hơn), các nhà tuyển dụng sẽ chọn ai? Anh Trần Anh Tú cho biết sẽ chọn người có nhiều hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, chị Cẩm Chi khẳng định sẽ ưu ái người có thành tích học tập tốt với các vị trí chuyên môn, ví dụ như trợ lý kiểm toán.
“Vì vị trí đó có nhiều trình độ nên rất cần người nền tảng học thuật vững vàng để công ty còn đào tạo, bồi dưỡng tiếp. Tất nhiên công ty rất hoan nghênh những SV có kỹ năng mềm tốt nhưng bảng điểm tối thiểu cũng phải được 7 - 8. Cái này còn tùy từng nghề. Nói chung nên cân bằng nhưng ít nhất là phải học tốt”, chị Chi cho biết.
Trong thị trường hội nhập hiện nay, để kiếm được việc làm tốt không khó nếu người trẻ có sự nỗ lực thật sự.
Bình luận (0)