Nhà tuyển dụng 'đau đầu' với sinh viên vừa tốt nghiệp

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
06/01/2023 07:25 GMT+7

Gửi hồ sơ qua email thì không có đầu cuối, khi được hẹn phỏng vấn thì không đến hoặc... ngủ quên mà không báo lại, được nhận vào làm việc thì thường xuyên đi trễ, phật ý một chút là... nghỉ việc.

Những vấn đề này của sinh viên khiến các nhà tuyển dụng đau đầu.

Hẹn phỏng vấn 10 người chỉ tới 1

Bà Thu Thùy, Phó giám đốc nhân sự Công ty Emaar Land, cho biết: “Rất nhiều sinh viên mới tốt nghiệp, khi được nhận vào làm việc thì thường xuyên đi trễ, không tuân thủ giờ giấc, giao tiếp còn rất hạn chế, thái độ với công việc thiếu nghiêm túc. Có thể kiến thức chuyên môn các em đã tốt, nhưng tác phong công nghiệp và tính kỷ luật thì còn rất thiếu và yếu”.

Bà Thùy kể có những lần hẹn phỏng vấn, đợi mãi không thấy ứng viên tới. Khi liên lạc lại thì cũng không nghe máy mặc dù trước đó đã thống nhất giờ giấc. Có khi ứng viên... ngủ quên nên thấy quá giờ là bỏ luôn, cũng không báo lại cho doanh nghiệp biết.

Bà Ngô Thị Phương Hoa, quản lý hành chính nhân sự tại Công ty Ojitex Việt Nam, cho hay không ít sinh viên mới tốt nghiệp tự tin thái quá, cho là mình làm việc ở đâu cũng được nên hẹn mà bỏ ngang, đi làm thì hay trễ, hoặc không hài lòng một chút là nghỉ việc.

Cũng “than phiền” về vấn đề này, ông Cao Văn Phong, Tổng giám đốc Công ty ô tô Thanh Phong, kể: “Chúng tôi cho sinh viên năm cuối lựa chọn giờ thực tập, nhưng nhiều em thường xuyên nghỉ, không tuân thủ theo lịch do chính mình lập ra. Tôi đánh giá như vậy là thiếu kỷ luật, thiếu nghiêm túc và trách nhiệm”.

Là một người từng làm công việc tuyển dụng nhân sự cho Trung tâm ngoại ngữ Anh Mỹ Úc, ông Nguyễn Đông Huy (hiện là giảng viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng) cho hay: “Có hôm tôi hẹn 10 bạn tới phỏng vấn, giờ giấc hai bên đã thống nhất nhưng đợi nguyên ngày chỉ duy nhất 1 bạn tới. Gọi điện các bạn còn lại cũng không ai nghe máy”.

Nhiều nhà tuyển dụng lắc đầu ngao ngán khi nhận được email ứng tuyển chỉ vỏn vẹn một dòng: “Gửi anh chị hồ sơ nhé”, hoặc “Em nộp hồ sơ, khi nào phỏng vấn vậy”...

Ngày hội việc làm được tổ chức tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM

Lê Thanh

Mọi thứ quá dễ dàng với Gen Z ?

Lý giải về những “hiện tượng” trên, thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, nhìn nhận: “Thế hệ Z là thế hệ đầu tiên được sinh ra khi internet trở nên phổ biến. Hầu hết các thành viên thuộc thế hệ Z từ nhỏ đều được tiếp xúc, sử dụng công nghệ và các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Google, YouTube, Instagram… Chính vì vậy, các em có thể sử dụng và tìm kiếm thông tin nhanh chóng, không tốn nhiều công sức. Những điều này đã ảnh hưởng phần nào đến định hướng nghề nghiệp cũng như xác định việc làm của công dân thế hệ Z”.

Theo thạc sĩ Cường, so với các thế hệ trước, thế hệ Gen Z có nhiều cơ hội việc làm hơn hẳn do đất nước phát triển và hội nhập nên chuyện không làm chỗ này thì làm chỗ khác đã khiến sinh viên mới tốt nghiệp có thể xem nhẹ các cuộc hẹn phỏng vấn tuyển dụng nếu như cảm thấy không có hứng thú.

Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cũng cho rằng khi cơ hội việc làm quá dễ dàng, ứng viên Gen Z sẽ ít trân trọng hơn. “Thế hệ trước được mời phỏng vấn là mất ngủ mấy hôm, lo lắng hồi hộp. Tới ngày hẹn là dậy sớm chuẩn bị, chỉ sợ nếu đến trễ hay không thể hiện tốt với nhà tuyển dụng là sẽ vuột mất cơ hội việc làm. Ngày nay mọi thứ dễ dàng nên các em cũng rất thoải mái. Hơn nữa, các em sống trong môi trường mà đa số đều được ba mẹ chiều chuộng từ nhỏ, ít phải làm việc nhà, ít gặp khó khăn, từ đó hình thành thói quen chưa được tích cực về thái độ và trách nhiệm với người khác, với chuyện học hành, công việc”, thạc sĩ Vũ nhận định.

Theo thạc sĩ Vũ, nếu không thích công ty đó thì không nộp hồ sơ, nộp hồ sơ mà không hứng thú thì không hẹn phỏng vấn, còn một khi đã hẹn thì phải có trách nhiệm với cuộc hẹn đó, không thể bỏ ngang mà không có một lời hồi đáp.

Sự tự tin thái quá, nghĩ rằng mình tốt nghiệp ĐH đã là giỏi giang mà không có người định hướng, dẫn dắt cũng là một nguyên nhân khiến bạn trẻ Gen Z có thái độ thiếu trân trọng các cơ hội công việc có mức lương chưa như mong muốn, hoặc coi thường các doanh nghiệp nhỏ, theo bà Ngô Thị Phương Hoa. “Có nhiều em vừa tốt nghiệp, chưa có kinh nghiệm nhưng khi tuyển dụng thì yêu cầu lương 20 triệu đồng/tháng mới làm. Thái độ và cách ứng xử của nhiều bạn trẻ có vấn đề thường là do định vị bản thân quá cao”, bà Hoa đánh giá.

Thậm chí, giám đốc một công ty tư vấn du học kể, từng có trường hợp phỏng vấn một sinh viên mới tốt nghiệp, hẳn nhiên là trình độ và ngoại ngữ không chê vào đâu được, nhưng doanh nghiệp bị sốc khi bạn đề nghị lương khởi điểm cho vị trí nhân viên là 50 triệu đồng.

Thế hệ Gen Z có nhiều cơ hội việc làm hơn hẳn thế hệ trước do đất nước phát triển và hội nhập

đào ngọc thạch

Trường ĐH làm gì để cải thiện ?

Khi được hỏi liệu có lỗ hổng nào trong đào tạo ở trường ĐH với Gen Z hay không, ông Nguyễn Đông Huy khẳng định: “Là giảng viên, tôi biết các trường ĐH hiện nay có rất nhiều hoạt động, chương trình giúp sinh viên có thể rèn giũa kỹ năng, qua đó cũng gián tiếp đào tạo thái độ, tính kỷ luật, tính trách nhiệm. Thế nhưng có đến 70% sinh viên không quan tâm, hoặc có tham gia thì cũng không toàn tâm toàn ý. Các em bị chi phối quá nhiều bởi mạng xã hội, hoặc bận đi làm thêm. Thực ra lỗi của môi trường giáo dục từ các cấp học trước, từ gia đình là một phần, nhưng không thể không kể đến tác động của thời đại công nghệ”.

Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Anh, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng trường ĐH hoàn toàn có thể đào tạo ra những sinh viên vừa có kiến thức, kỹ năng, vừa có thái độ, trách nhiệm, tác phong kỷ luật. “Văn hóa, nền nếp của một trường ĐH có ảnh hưởng rất nhiều đến sinh viên. Chẳng hạn văn hóa xếp hàng, ứng xử văn minh, giảng viên, cán bộ luôn đúng giờ... Tất cả được đưa vào nội quy và phải thực hiện nghiêm túc từ trên xuống”, thạc sĩ Anh nói.

Theo thạc sĩ Ngọc Anh, tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, khi sinh viên đăng ký tham gia hoạt động gì, nếu tới ngày đó vắng mặt, trường sẽ gửi email nhắc nhở. Nếu lần thứ 2 vẫn lặp lại thì sẽ bị trừ vào điểm rèn luyện. “Chúng tôi làm vậy là để hình thành tinh thần trách nhiệm và tính kỷ luật cho các em. Khi mình đã quyết định làm một việc gì, mình phải có trách nhiệm với nó, tôn trọng người đã tổ chức ra hoạt động đó và tôn trọng những người khác. Các em chỉ có thể thành công nếu có đủ kiến thức, kỹ năng và thái độ tốt”, thạc sĩ Ngọc Anh cho hay.

Thạc sĩ Đặng Kiên Cường thông tin tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, ngay khi làm quen với môi trường mới, sinh viên đã được truyền đạt những điều cơ bản nhất trong tuần sinh hoạt công dân. “Các em được rèn luyện từ những điều cơ bản nhất trong việc tuân thủ giờ giấc học tập, tiếp thu kiến thức, nền nếp kỷ luật, văn hóa học đường... thông qua các bài kiểm tra vào cuối đợt sinh hoạt công dân. Ngoài ra, trong quá trình học, sinh viên được rèn luyện tính chịu trách nhiệm thông qua nhiều hình thức. Chẳng hạn khi làm các loại giấy tờ, đăng ký lấy theo lịch hẹn mà không đến hoặc lấy trễ thì sinh viên sẽ bị trừ điểm rèn luyện, có thể bị tạm đóng tài khoản đến khi trình bày lý do hợp lý. Nhiều hoạt động của trường, sinh viên sẽ được cộng điểm rèn luyện nếu làm tốt và bị trừ điểm rèn luyện nếu vi phạm. Điểm rèn luyện là một trong hai yếu tố (cùng với điểm học tập) để xét học bổng cho sinh viên, cũng như xếp hạng cuối khóa của sinh viên”, thạc sĩ Cường chia sẻ.

Doanh nghiệp tìm cách giải quyết vấn đề

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chọn cách riêng của mình để giải quyết vấn đề, chẳng hạn thông qua các chương trình thực tập sinh để chọn người từ sớm, huấn luyện và giúp sinh viên làm quen dần với môi trường làm việc ngay từ khi còn đi học và tuyển dụng luôn sau khi tốt nghiệp. Những doanh nghiệp nhỏ và vừa thì trông chờ vào lứa sinh viên đến thực tập, kiến tập… để chọn và tuyển dụng thường có tính ổn định hơn là rao tuyển và phỏng vấn sinh viên mới tốt nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.