Nhà văn 'đại sứ'

Ngọc An
Ngọc An
30/06/2019 08:00 GMT+7

Năm 2007, nhà văn Trần Thị Hảo ra mắt tiểu thuyết đầu tiên viết bằng tiếng Pháp - Cô gái và chiến tranh với góc nhìn về chiến tranh tại VN của một người trong cuộc.

Suốt hơn một thập niên qua, bà là một trong số ít nhà văn đưa những tác phẩm văn học về VN đến với công chúng Pháp và thế giới.

“Tôi không viết để cho thấy sự thù hận”

Với tôi, chỉ đơn giản là muốn viết bằng tiếng Pháp, để cho người Pháp và độc giả thế giới hiểu về VN
  
Bắt đầu cầm bút khi không còn trẻ, bà có từng chờ đợi những tác phẩm của mình sẽ đi được những quãng đường xa?
Khi viết, tôi không nghĩ đến điều gì ngoài việc để thỏa mãn những ý tưởng tràn trề trong đầu mình. Chẳng hạn như khi viết cuốn sách đầu tiên bằng tiếng Pháp Cô gái và chiến tranh, tôi biết xuất bản một cuốn sách tại Pháp không dễ. Bởi tại Pháp, nhà xuất bản luôn yêu cầu tác giả đưa ra bản thảo tốt nhất, còn chi phí phía nhà xuất bản lo hết. Biết là không dễ nhưng tôi vẫn viết, không phải mong để được giải thưởng này kia, hay để nhận thù lao mà viết để thỏa mãn mình trước đã.
Vì sao bà lại chọn đề tài là chiến tranh tại VN cho cuốn sách đầu tiên viết bằng tiếng Pháp của mình?
Tôi nhận thấy những cuốn sách viết về chiến tranh tại VN xuất bản ở Pháp thường có hai xu hướng: một là quá bôi đen, hai là quá tô hồng. Tôi muốn viết về cuộc chiến với góc nhìn của một người từng trải qua, chứng kiến. Hơn nữa, nhiều cuốn sách mới chỉ nói đến cuộc sống của những người lính nơi chiến trường, ít quan tâm đến hậu phương nơi có ông già bà cả, trẻ em và những người phụ nữ. Tôi lựa chọn mảng còn ít được quan tâm ấy. Tôi không viết để cho thấy sự thù hận mà cho thấy sự bi thương xảy ra với những con người ở hậu phương. Chiến tranh ác liệt là thế, con người VN đã phải chịu quá nhiều đau thương là thế, mà họ vẫn đứng vững, chiến thắng và đi lên.

Nhà văn Trần Thị Hảo (thứ 5 từ trái sang, hàng đầu) cùng các nhà văn nước ngoài có tác phẩm được sử dụng trong chương trình MOOC/FLOT đào tạo tiếng Pháp trên mạng

Ảnh: NVCC

Một cuốn sách khó có thể thay đổi cách nhìn này sang cách nhìn khác của bất kỳ ai. Nhưng ít nhất, tôi nghĩ cuốn sách đã mang đến cái nhìn khách quan về cuộc chiến tranh tại VN cho độc giả Pháp và nước ngoài. Tôi nhận được khá nhiều thư của độc giả Pháp gửi đến bày tỏ sự đồng cảm của họ với những câu chuyện tôi viết. Dễ hiểu thôi, người Pháp cũng từng trải qua những điều tồi tệ mà chiến tranh gây ra khi đất nước họ bị Đức quốc xã chiếm đóng.

Tìm lại dấu tích của Nam Phương Hoàng hậu trên đất Pháp


Cuốn tiểu thuyết lịch sử Bà hoàng cuối cùng của nước An Nam của bà là một trong 10 tác phẩm cuối cùng được chọn cho Giải Văn học châu Á năm 2015. Cơ duyên nào đưa đẩy bà viết tiểu thuyết lịch sử về Nam Phương Hoàng hậu?
Tôi thích tìm hiểu về cuộc đời của những người phụ nữ, những nữ nhân vật của lịch sử. Hồi nhỏ, tôi đã được nghe mẹ mình nói về Nam Phương Hoàng hậu nhưng với thông tin rất ít ỏi. Sau này khi lớn lên, tôi đọc nhiều sách về triều Nguyễn cũng không có được nhiều thông tin về bà. Ngay cả cuốn hồi ký của vua Bảo Đại (được viết bằng tiếng Pháp) cũng viết chưa đầy 2 trang về Nam Phương Hoàng hậu. Tôi luôn tự hỏi vì sao người phụ nữ trong suốt bao nhiêu năm giúp triều Nguyễn phát triển, từng khuyên vua Bảo Đại làm cố vấn cho Hồ Chủ tịch và nhất quyết không cùng vua Bảo Đại rời Pháp về VN khi ông muốn làm quốc trưởng, lại chưa được nhắc đến một cách trọn vẹn, đầy đủ. Đó là điều đã hối thúc tôi tìm hiểu và viết về bà.
Hành trình bà đi tìm lại những câu chuyện về Nam Phương Hoàng hậu như thế nào?
Trước cuốn Bà hoàng cuối cùng của nước An Nam (viết bằng tiếng Pháp), tôi cũng viết cuốn Tình sử Nam Phương Hoàng hậu (bằng tiếng Việt). Tuy nhiên, cuốn tiểu thuyết viết bằng tiếng Pháp tư liệu đầy đặn hơn. Bởi bên cạnh nguồn tư liệu thu thập được về Nam Phương Hoàng hậu ở nhiều thư viện, trung tâm lưu trữ lớn, tôi còn tìm được nhiều người thân trong gia đình của bà tại Pháp và có cơ hội được trò chuyện với họ.

Một số cuốn sách bằng tiếng Pháp của nhà văn Trần Thị Hảo

Ảnh: T.L

Khi tìm hiểu về bà, có câu chuyện khiến tôi rất cảm động. Đó là khi vua Bảo Đại quyết định rời Pháp về VN làm quốc trưởng, Nam Phương Hoàng hậu đã nói: “Nếu mà ngài thích về thì cứ về, còn em ở lại”. Tôi nghĩ không phải một bà hoàng hậu nào cũng làm được như thế. Bởi, bà biết nếu bà không về thì ông cũng có bao nhiêu người con gái khác. Nhưng bà làm thế là cũng vì ngầm trách vua Bảo Đại đã từng giúp cụ Hồ nhưng rồi lại bỏ sang Pháp, sau đó lại quay về VN làm quốc trưởng. Đó là lý do sâu xa mà nhiều người có thể không biết.
Ở lại Pháp, bằng tiền của mình, bà mua một trang trại ở miền trung nước Pháp. Đó là một vùng quê khá hẻo lánh. Sau khoảng 5 năm sống tại đây, năm 1965, lúc đó Nam Phương Hoàng hậu 49 tuổi, bà không may bị mắc căn bệnh như là hen suyễn khiến không thở được. Lúc bà trở bệnh nặng, rất không may chỉ có mình bà và hai người giúp việc ở trang trại, còn người bác sĩ quản gia đang đi săn. Khi thấy bà khó thở, người giúp việc gọi bác sĩ đến nhưng không kịp. Trong đám tang của Nam Phương Hoàng hậu chỉ có các con của bà có mặt, mà không có vua Bảo Đại. Có một chi tiết là đến khi đám tang diễn ra, mọi người mới biết trang trại của bà ở ngay bên cạnh trang trại của cô Như Lý - con gái vua Hàm Nghi. Hóa ra, họ là hàng xóm của nhau mà không hề hay biết trong suốt bao năm.

Để người Pháp và thế giới hiểu về VN

Bà có nghĩ mình là nhà văn nằm trong dòng văn học Pháp ngữ?
Rất khó để tự xếp mình ở vị trí nào. Tôi nghĩ để người khác xếp mình thì tốt hơn. Với tôi, chỉ đơn giản là muốn viết bằng tiếng Pháp, để cho người Pháp và độc giả thế giới hiểu về VN.
Trong suốt 2 năm qua, tôi cùng tham gia thực hiện cuốn sách 100 năm người VN tại Pháp (cuốn Một thế kỷ - một con đường), trong đó có những bài viết về người Pháp có công đóng góp cho VN trong những năm chiến tranh, hay người Pháp gốc Việt, người VN đang sống tại Pháp. Cộng đồng người Việt tại Pháp rất đặc biệt so với cộng đồng người Việt ở các nước trên thế giới bởi yếu tố lịch sử. Người Việt đã sang Pháp từ những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất, Chiến tranh thế giới thứ hai, trước và sau năm 1954. Từ những năm 1954 - 1975, nhiều sinh viên ở miền Nam sang Pháp du học. Năm 1971, lần đầu tiên, có những sinh viên miền Bắc sang Pháp học tập. Sau đấy, từ những năm 2000 đến nay, đã có rất nhiều thế hệ du học sinh VN sang Pháp.
Bà nhận thấy sự hiện diện của văn học VN tại Pháp hiện nay như thế nào?
Số lượng tác phẩm viết về VN bằng tiếng Pháp cũng như tác phẩm viết về VN được dịch sang tiếng Pháp vẫn còn như “muối bỏ bể” tại đất nước này. Hiện nay, có thể kể đến một số cây bút đương đại là nhà văn gốc Việt tại Pháp như Linda Lê, hay Trần Huy Minh. Linda Lê sinh ra ở Đà Lạt, hơn 10 tuổi sang Pháp định cư; còn Trần Huy Minh là thế hệ thứ hai được sinh ra tại Pháp. Bên cạnh đó, cũng đã có những nhà văn VN viết bằng tiếng Pháp nhưng rất hiếm hoi.
Một số tác phẩm tiểu thuyết, truyện ngắn của những nhà văn VN như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phan Thị Vàng Anh, Dương Hướng… được dịch sang tiếng Pháp dù có nhưng số lượng cũng rất ít. Nhìn chung, mảng văn học VN so với mảng văn học các nước khác tại Pháp còn rất khiêm tốn.
Bà nhận thấy độc giả Pháp có quan tâm đến văn học VN?
Người Pháp luôn quan tâm đến những nền văn học đa dạng, trong đó có văn học VN. Theo tôi, người Pháp quan tâm đến những tác phẩm văn học VN còn bởi lý do rất nhiều người trong số họ có mối liên hệ, liên quan đến VN. Có những người có bố mẹ trước đây từng sống, làm việc tại VN; hay được sinh ra và lớn lên ở VN; có quan hệ thông gia với người VN; nhận con nuôi người VN, có bạn bè là người Việt...
Xin cảm ơn bà!
Nhà văn Trần Thị Hảo từng là giảng viên dạy bộ môn tiếng Pháp và văn học Pháp tại Trường ĐH Hà Nội. Hiện bà là cán bộ nghiên cứu văn học Pháp tại Trường ĐH Sorbonne Paris IV (Pháp), đồng thời tham gia giảng dạy văn học VN cận hiện đại.
Tiểu thuyết đầu tiên bằng tiếng Pháp Cô gái và chiến tranh của bà được xuất bản năm 2007 tại NXB Harmattan, từ năm học 2016 - 2017 được dùng trong chương trình dạy ngữ pháp tiếng Pháp trên mạng cho học sinh, sinh viên từ lớp 12 đến hết đại học tại Pháp và nhiều nước Pháp ngữ.
Năm 2014, bà cho ra đời cuốn tiểu thuyết Bà hoàng cuối cùng của nước An Nam, là một trong 10 tác phẩm cuối cùng được chọn cho giải Văn học châu Á năm 2015.
Ngoài ra, bà còn thực hiện cuốn sách Những kiến thức sơ đẳng về VN tổng hợp, tóm tắt những kiến thức về lịch sử, địa lý, tôn giáo, văn hóa, hệ thống hành chính, giáo dục, ngôn ngữ… của VN bằng tiếng Pháp và cuốn sách giới thiệu những câu tục ngữ, thành ngữ thông dụng Pháp - Việt. Một số tác phẩm được viết bằng tiếng Việt của bà: Ảo vọng du học, Bông mai vàng trước gió, Tình sử Nam Phương Hoàng hậu...
Năm 2018, nhà văn Trần Thị Hảo được chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Hiệp sĩ văn học và nghệ thuật.
Đại sứ văn hóa
Nhà văn đại sứ

Ảnh: T.L

Nhà văn Trần Thị Hảo là cầu nối giữa VN và Pháp về mặt văn hóa và cả về văn học, ngôn ngữ. Bà là một trong những nhà văn có khả năng viết bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. Tôi đánh giá cao việc nhà văn Trần Thị Hảo đã viết nhiều cuốn sách bằng tiếng Pháp để giới thiệu đất nước VN và ngược lại, bà cũng viết những cuốn sách bằng tiếng Việt nói về nước Pháp để độc giả VN có thể tiếp cận được văn hóa Pháp. Trần Thị Hảo là nhà văn nhưng cũng là một đại sứ văn hóa. Ông Emmanuel Labrande
(Tùy viên văn hóa, Giám đốc Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội)
Thông điệp mang giá trị toàn cầu

Ảnh: T.L

Lúc tiến hành soạn thảo chương trình MOOC/FLOT đào tạo tiếng Pháp trên mạng, chúng tôi đã tìm hiểu nền văn học còn ít được nghiên cứu trong chương trình đại học. Trong quá trình tìm tòi ấy, chúng tôi đã bắt gặp văn học VN được diễn đạt bằng tiếng Pháp và phát hiện ra Trần Thị Hảo. Bà đã chọn nước Pháp và tiếng Pháp để thể hiện câu chuyện của mình, có lẽ bởi thông điệp mà nhà văn muốn gửi đến độc giả mang giá trị toàn cầu. Chúng tôi đưa cuốn sách Cô gái và chiến tranh vào chương trình để cố gắng đưa ra một cách nhìn tổng thể nền văn học của thế giới, đây cũng là nơi Trần Thị Hảo hoàn toàn có chỗ đứng của mình.
TS văn học Michele Tillard (Pháp)
Vai trò cầu nối văn hóa sống động
Nhà văn đại sứ

Ảnh: T.L

Tiểu thuyết J’aurai 20 ans dans 2 jours (Hai ngày nữa tôi sẽ tròn 20 tuổi) của Trần Thị Hảo kể về tình yêu của chàng trai người Pháp và cô gái người Việt, mang đến thông điệp tình yêu không biên giới, thế giới cần hòa bình để yêu thương, để sống hạnh phúc và phát triển. Cùng với cuốn tiểu thuyết này, nhiều tác phẩm khác được viết bằng tiếng Pháp của chị đã giúp bạn đọc hiểu được cuộc sống, tình cảm, phẩm hạnh thủy chung, đảm đang… của các nhân vật nữ đại diện cho phụ nữ VN.
Ngoài mảng sách văn học, Trần Thị Hảo còn viết cuốn Une Introduction à la connaissance du Vietnam giống như một “cẩm nang” về VN dành cho độc giả Pháp và nước ngoài. Cùng với đó, cuốn Proverbes, dictons, locutions usuels en français et en vietnamien của chị thông qua việc nghiên cứu và tìm tục ngữ, thành ngữ tương đương giữa hai ngôn ngữ Việt - Pháp còn cung cấp cho bạn đọc Pháp ngữ nhiều khái niệm, kiến thức thú vị về văn hóa VN… Với những cuốn sách cùng những đóng góp của nhà văn Trần Thị Hảo, có thể thấy vai trò cầu nối văn hóa của chị rất sống động và cũng rất cần thiết.
PGS-TS Đường Công Minh (Trường ĐH Hà Nội)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.