Nhà văn Đặng Vương Hưng và hàng ngàn trang 'Nhật ký thời chiến Việt Nam' cảm động

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
08/07/2020 06:13 GMT+7

Nằm trong tủ sách Mãi mãi tuổi hai mươi , nhà văn Đặng Vương Hưng cùng cộng sự đã kịp ra mắt bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam với hàng ngàn trang viết cảm động, trong đó có tới 2/3 tác giả đã không còn nữa.

Là chủ biên của bộ sách Nhật ký chiến tranh Việt Nam đồ sộ, gồm 4 tập nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27.7 năm nay, cựu chiến binh - nhà văn Đặng Vương Hưng thay mặt nhóm sưu tầm, biên soạn và thực hiện đã có “Lời thưa” rất chi tiết, cụ thể dài tới gần 20 trang sách với bạn đọc.
"Nhật ký là những trang viết đáng tin cậy. Tất cả những gì ta đọc được ở đây là sự thật, dù nó có thể thô tháp, nhưng tươi ròng và sống động, bởi hoàn toàn là những con người thật, những địa chỉ thật, những sự việc thật và những tâm trạng rất thật! Không ai có thể buộc được người ta phải nói thật suy nghĩ của lòng mình, nhất là sự ấm ức, bất công và nỗi buồn nản trong cuộc đời; kể cả tâm trạng 'sống trong sợ hãi' tại chiến trường. Nhưng với nhật ký, thì người viết 'tự nguyện' nói ra tất cả điều ấy…, tác gải Đặng Vương Hưng viết.

Tác giả Lê Văn Cổn với những dòng dự báo linh cảm ngay đầu tập nhật ký lính sinh viên in trong bộ sách

Ảnh: Q.Trân

Những dòng bút tích của cựu chiến binh Vũ Hồng Nhật viết năm 1971

Ảnh: Q.Trân

Nhận xét về bộ sách do nhà văn Đặng Vương Hưng chủ biên, Nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng thư ký thứ Nhất Hội Nhà văn Á – Phi) khẳng định: “Không có gì mang tính chính xác về cuộc chiến tranh hơn những trang nhật ký của những người lính. Bởi họ viết những trang nhật ký này là viết ngay tại chiến trường, viết những gì mà họ muốn nói nhất khi biết rằng sau đó họ có thể mãi mãi không thể trở về với gia đình, với quê hương họ. Họ viết trong đói khát, trong bom đạn, trong chết chóc. Chỉ khi cái chết cận kề thì tiếng nói con người mới vang lên trung thực nhất. Và sự trung thực ấy đã minh chứng tình yêu đất nước, yêu độc lập tự do không hề khiếp sợ và sự dâng hiến trọn vẹn của họ cho đất nước”.

Buổi ra mắt sách và gặp gỡ các nhân chứng lịch sử tại Đường Sách TP.HCM mới đây với nhóm tác giả diễn ra rất cảm động và ấm áp tình đồng đội

Ảnh: Q.Trân

Thật vậy, tiếp nối mạch cảm xúc của hai tác phẩm Mãi mãi tuổi hai mươi Nhật ký Đặng Thùy Trâm từng trở thành một trong 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu của Việt Nam năm 2005, Nhật ký thời chiến Việt Nam do nhà văn Đăng Vương Hưng chủ biên lần này có sự góp mặt của nhiều nhân vật mới qua những câu chuyện cảm động: Gửi lại mai sau của Nguyễn Hải Trường (tức liệt sĩ CAND Vũ trang Nguyễn Minh Sơn); đặc biệt là nhiều trang viết của các văn nghệ sĩ nổi tiếng: Nhật ký chiến tranh của anh hùng, nhà văn, liệt sĩ Chu Cẩm Phong; Nhật ký chiến trường của liệt sĩ, nhà văn Dương Thị Xuân Quý; Những ngày trong vòng vây của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh; Nhật ký vượt Trường Sơn của TS. Phạm Quang Nghị; Nhật ký Bê trọc của nhà văn, TS. Phạm Việt Long và Nhật ký đi B của cố nhà văn Triệu Bôn. Bạn đọc còn được tiếp cận những trang viết hiếm hoi mang đầy chất văn hóa tâm linh trong nhật ký Trở về trong giấc mơ của liệt sĩ Trần Minh Tiến…

Nhà văn Đặng Vương Hưng

Ảnh: T.L

Nhà văn Đặng Vương Hưng: “Đôi khi chính những trang nhật ký, ghi chép sổ tay… tưởng chừng rất đỗi riêng tư xưa cũ, lại mang đến cho chúng ta những thông tin và tư liệu cực kỳ quý báu, chúng gợi mở biết bao điều về đời sống tinh thần, vật chất và cả văn hóa xã hội trong quá khứ, góp phần lý giải những bí mật của lịch sử".

Ảnh: Q.Trân

Hãy thử đọc một đoạn trong nhật ký lính sinh viên của Lê Văn Cổn viết lãng mạn như…thơ và cực kỳ lạc quan, không ai ngờ giữa thời khắc bom rơi đạn lạc:
Những ngày vượt Trường Sơn.
Hơn một tuần, đã vượt qua bao nhiêu vách đá cheo leo, lội qua bao nhiêu khe đá gập ghềnh, luồn lõi qua bao nhiêu rừng rậm của Trường Sơn làm sao mình nhớ nổi. hôm nay nghỉ lại ở binh trạm Mười bốn, giáp biên giới Việt Lào. Thảnh thơi trên chiếc võng đung đưa, nằm giữa đại ngàn của núi rừng, mình mới thấy hết cái hùng vĩ của Trường Sơn. Dưới võng là những thác nước ầm ào đổ nước. Những con suối nước trong vắt nhìn rõ những hòn đá cuội lấp lánh. Trên võng những tán lá rừng che kín cả một khoàng trời mênh mông. Hiếm hoi mới có chút ánh sáng mặt trời mỏng tang xuyên qua kẽ lá. Râm ran tiếng ve. Sáng sớm, tiếng vươn đua nhau hót vang cả núi rừng…Tiếng hót nghe thật trong trẻo, vô tư…”.
Rưng rưng với những trang nhật ký của đồng đội, nhà văn Đặng Vương Hưng giãi bày thêm về những gì mình đang làm: “Công việc viết văn đã giúp tôi ngộ ra một điều: Đôi khi chính những trang nhật ký, ghi chép sổ tay… tưởng chừng rất đỗi riêng tư xưa cũ, lại mang đến cho chúng ta những thông tin và tư liệu cực kỳ quý báu, chúng gợi mở biết bao điều về đời sống tinh thần, vật chất và cả văn hóa xã hội trong quá khứ góp phần lý giải những bí mật của lịch sử làm cho cuộc sống hiện đại và tương lai tốt đẹp hơn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.