Có lẽ điều mà Hoàng My không định trước nhưng nó đã tự hình thành và làm nên sức hút “lấy lòng” bạn đọc, chính là bởi những cuốn sách của chị tự thân mặc định: người viết văn là đàn bà. Điểm qua những tên tập sách của chị cũng có thể nhận diện được điều này: Vì em là đàn bà (2011), Chỉ tình yêu, là đủ (2013), Sau chủ nhật là thứ hai (2013), Đàn bà @ (2015), Sài Gòn thương còn hổng hết (2019), và tập tản văn vừa ra mắt - Đàn bà vui buồn bé mọn.
Dân gian có câu “Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”, để nói về sự nông nổi của phụ nữ trong đời thường, nhưng Hoàng My chẳng ngại bày lên chiếc “cơi đựng trầu” của mình những miếng trầu thắm nồng nhiều vị cần có của cuộc đời (như nữ sĩ Xuân Hương từng mời mọc). Với Đàn bà vui buồn bé mọn, tập tản văn gồm 38 bài viết, bạn đọc có thể thấy thú vị ngay khi lướt qua những cái tựa với chỉ một danh từ “Đàn bà” làm chủ ngữ: Đàn bà dại - khôn, Đàn bà khoe gì cho lành?, Đàn bà chỉ biết tiền?, Đàn bà đi bắt ghen, Đàn bà giữ chồng, Đàn bà bóc ngắn cắn dài, Đàn bà hết giá trị, Đàn bà chín… Ở đây, không chỉ là thế giới đàn bà với những hình ảnh, tâm tư, tính chất muôn đời muôn thuở của họ như vậy, mà còn là người đàn bà trong bối cảnh xã hội hiện đại: Đàn bà chân đi, Đàn bà và ô tô, Đàn bà sống ở Mỹ vẫn khổ, Đàn bà trên sàn, Đàn bà đi mát-xa, Đàn bà nhậu… Và chủ thể “tôi” - tác giả xuyên suốt tập sách, một cách chân thực từ chính tấm tình đàn bà của mình, đã quan sát, chứng kiến, lắng nghe, để viết những dòng như thủ thỉ sẻ chia, mà cũng là mổ xẻ cái hay cái dở, cái cần nhìn nhận thấu đáo, trước những câu chuyện, con người… mà chị cũng như bất kể ai trong chúng ta có thể bắt gặp trong cuộc sống.
“Tôi” của Hoàng My trong Đàn bà vui buồn bé mọn, như chị tự nhận, cũng “bé mọn” thôi, chẳng phải đứng trên cao hay trốn nấp đâu đó dạy đời, mà chính là người trong cuộc, trong đời sống này: người phụ nữ nhân viên văn phòng, thi thoảng đi công tác, rong ruổi du lịch khi có thể, cũng bước ra đời sống hiện đại với khiêu vũ tiêu khiển, sắm ô tô để tự mình làm tài xế chở con đi học, đi bơi…; người phụ nữ trong quan hệ cùng đồng nghiệp, nhóm bạn nhưng cũng có lúc ăn một mình ở căn-tin cơ quan; hay lúc nhỏ còn “được” má dắt đi “bắt ghen”… Chính những góc độ đời sống ấy khiến cho các trang viết thu hút, thú vị và thuyết phục. Như Hoàng My viết trong Lời dẫn đầu cuốn sách “Bạn có tìm thấy mình trong những trang viết của tôi không?”, bạn đọc dường như có được “người bạn gái” đặc biệt chia sẻ từ những bài viết nho nhỏ này.
Có lẽ chính bạn cũng không ít lần “trong vai” tôi - người phụ nữ ngồi giữa bàn tiệc vui nhộn với son phấn váy áo, nghĩ về “chị Trà” - người phụ nữ bình thường, một nhân viên văn phòng điển hình như bao người phụ nữ chọn sống an lành nhưng tẻ nhạt, muộn phiền “cố náu mình trong các văn phòng rù rì máy lạnh”, “sợ cảm giác thui thủi lạc lõng của mình nơi chốn đông người” (Đàn bà văn phòng), để rồi tự đặt câu hỏi: “Em đang sống có vui không? Điều gì đối với em là quan trọng nhất?”… Bạn cũng có lần tưởng như khó tính và kỹ tính như tác giả, khi cô đồng nghiệp trẻ “nghĩ là mình đang mặc quần dài, nên ngồi… “banh càng” hết cỡ" (Đàn bà nết ăn, nết ở), nhưng đó chính là cái nhìn tinh tế về những chuẩn mực cần có. Hoặc cũng như tác giả, bạn đọc thấy trên mạng những chuyện xôn xao: chuyện người mẫu, hoa hậu bán dâm bị phát giác; chuyện cô gái trẻ “vô tình lượm bí kíp” chinh phục được người đàn ông nước ngoài là triệu phú (Đàn bà coi đàn ông là “sự nghiệp”); chuyện người phụ nữ sẵn sàng cứu chồng bỏ con rồi kết cục chồng lại bỏ chị ta theo người khác… để rồi suy tư và cả hoang mang, nhưng cũng sẽ gật đầu đồng tình với những quan điểm tình yêu hiện đại mà tác giả đưa ra: khi người phụ nữ không giữ được giá trị của chính họ thì cũng rất dễ có thể mất đi tất cả. Với cách đi vào từng chi tiết mỏng nhỏ, phân tích bằng sự tự vấn, giọng điệu đôi khi “xắt xéo” một chút, Hoàng My viết nên những triết lý hay bài học cuộc sống dành cho phụ nữ bằng lời lẽ giản đơn, gần gũi, thẳng thắn, rõ ràng, khiến chị em có thể mỉm cười và tỉnh trí: “Khi yêu thì ai không có một chút dại dột, đâu nhất thiết phải là đàn bà mà cứ lên án, trách cứ? Bạn đang nghĩ vậy chứ gì? Đồng ý, phải có xíu cảm tính, thậm chí hết lòng, sống chết vì nhau thì mới gọi là tình yêu đích thực. Nhưng đàn bà yêu mà quên cả đường đi lối về, mà bất chấp cả lý trí, đánh đổi mọi thứ quan hệ để “đội lên đầu” tình yêu ấy mọi lúc mọi nơi, thì xin can” (Đàn bà yêu)...
Trong bài viết mở đầu giới thiệu cuốn sách, nhà văn Phan An (tác giả của Giường, Phong độ đàn ông, Đàn ông già đàn bà đẹp) nhận xét: “Đàn bà vui buồn bé mọn như thể một cuốn từ điển bách khoa sơ lược và dịu dàng về đàn bà. Theo tôi nghĩ, cuốn sách là món quà của đàn bà cho đàn bà và cả đàn ông nữa”. Có lẽ đó là nhận xét rất công tâm và thú vị từ phía một nhà văn nam, và như thế, những chuyện tưởng “bé mọn” lại chẳng hề bé mọn, nó như thêm "chất liệu" để bạn gia cố và cân bằng cuộc sống của chính mình.
Bình luận (0)