Buổi nói chuyện ra mắt sách Ba nghìn thế giới thơm có sự góp mặt của đông đảo thầy cô Khoa Văn học như PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Xuân, PGS-TS Lê Quang Trường, Th.S Ngô Trà Mi; nhà văn Trần Thùy Mai, dịch giả Quế Sơn, nhà văn Huỳnh Trọng Khang (biên tập viên của cuốn sách); sinh viên cùng nhiều độc giả yêu mến nhà văn - nhà giáo Nhật Chiêu.
Với nhiều thế hệ học trò cũng như bạn văn, hẳn ai cũng biết đến cuốn biên khảo Ba nghìn thế giới thơm - một trong những quyển sách về văn học Nhật Bản xuất sắc của Nhật Chiêu. Từ một tập sách được soạn ra trong bối cảnh thiếu thốn về tư liệu, Ba nghìn thế giới thơm đã đến với đông đảo bạn đọc yêu mến văn học Nhật.
Được tái bản sau 9 năm, Ba nghìn thế giới thơm được bổ sung 9 chương mới (cấu trúc tổng thể vẫn giữ nguyên) vào sau phần 2 - phần bình thơ, giúp cho tác phẩm vốn đã "nói những gì cần nói" giờ trở nên đầy đặn hơn. Phần đầu của sách hàn lâm khi viết về thơ ca Nhật với những cảm thức thẩm mỹ rất riêng - nhất là vẻ lấp lánh của thể thơ Haiku. Phần 2, tác giả lưu ý tuy là phần bình thơ nhưng 9 chương mới được thêm vào sẽ khó đọc hơn vì có những liên hệ thơ ca Đông - Tây rất rộng, vượt ra khỏi "tầm đón đợi" của độc giả.
PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Xuân chia sẻ, bà xem Nhật Chiêu là một trong những tác giả Việt Nam quan trọng sau năm 1975. Bà cũng là một trong những người thầy đào tạo cho nhiều thế hệ sinh viên khoa văn và giữ thái độ kính trọng đối với ông, nhất là ở những gì mà ông đã cống hiến cho việc viết nói chung và sáng tác nói riêng. Với nhiều thế hệ thầy cô khác, các tập sách của Nhật Chiêu như là những chỉ dấu quan trọng trong việc tìm hiểu, nghiên cứu văn học Nhật.
Ba nghìn thế giới thơm, hay một số cuốn "gối đầu giường" khác của Nhật Chiêu, tuy ra đời trong thời kỳ đầu khi còn thiếu thốn về tư liệu nhưng ông đã nắm bắt cái thần của đối tượng và "điểm nhãn" rất hay trong các tác phẩm của mình.
Những đường biên thơ Việt - thơ Haiku
Nhà văn Trần Thùy Mai (tác giả của bộ tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng Công chúa Đồng Xuân) chia sẻ, bà cũng rất mến mộ bạn văn Nhật Chiêu. Bà đọc kỹ tác phẩm của ông là Nhật Bản trong chiếc gương soi (một quyển sách rất hay khác về văn học Nhật Bản).
Trong buổi nói chuyện, bà hỏi nhà văn Nhật Chiêu rằng người Việt, với những thể thơ/trào lưu thơ Việt đã có (như ca dao hay thơ mới), có thể thành công khi sáng tác thể thơ Haiku không (vì bà quan sát tác giả qua các cuộc thi thơ Haiku đã được tổ chức). Nhà văn Nhật Chiêu đã dẫn trường hợp nhà thơ Nguyễn Trãi với 2 câu thơ xuất sắc:
Hé cửa đêm chờ hương quế lọt,
Quét hiên ngày lệ bóng hoa tan.
(Bảo kính cảnh giới bài 33)
Ông nói, từ thế kỷ thứ 15, thơ Việt, nhất là trường hợp của Nguyễn Trãi, đã ý thức rất rõ sự mỏng manh và chóng tàn trong đời sống của hoa. Ý thức này mạnh đến nỗi, Nguyễn Trãi không dám chạm đến bóng của hoa quế, loại hoa bình thường, thậm chí tầm thường nếu xét theo tiêu chuẩn thi pháp trung đại. Ở thơ Haiku Nhật, trường hợp nhà thơ Chiyo đã thể hiện rất rõ ý thức ấy qua đời sống mỏng manh của hoa asagao (triêu nhan):
Ôi hoa triêu nhan!
Dây gàu vương hoa bên giếng
Đành xin nước nhà bên.
Sự gặp gỡ trong ý thức sáng tạo này không phải là ngẫu nhiên, dù ở những bối cảnh văn hóa khác nhau và đối tượng thẩm mỹ cũng khác nhau. Ông khẳng định, tuy thật sự chưa có nhà thơ Haiku Việt Nam nào thành công nhưng nếu có "tinh thần phục hưng thơ cổ" (chữ dùng của Nhật Chiêu) thì có lẽ người làm thơ Việt sẽ thành công với thể Haiku thấm đẫm tinh thần Việt.
Buổi nói chuyện mở ra nhiều chiều kích tiếp nhận và diễn giải thơ ca độc đáo qua trường hợp Ba nghìn thế giới thơm. Có lẽ, một trong những yếu tố giúp cho cuốn sách được đông đảo bạn đọc tiếp nhận là vì, như nhà văn Trần Thùy Mai nói, có thể do tố chất của tác giả, và cũng có thể do cách thức của ông - diễn giải những điều phức tạp nhất một cách giản dị, dễ hiểu nhất.
Bình luận (0)