'Giáo sư Bùi Xuân Bào đã về với Văn khoa, với học trò của ông'

Thế Sang
Thế Sang
23/06/2024 21:45 GMT+7

Sáng 23.6 tại Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG TP.HCM (Q.1), khoa Văn học tổ chức buổi trò chuyện học thuật, ra mắt quyển sách dịch 'Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925-1945 - Khai sinh & tiến trình' của Giáo sư (GS) Bùi Xuân Bào (NXB Tri thức ấn hành), đánh dấu sau nhiều năm ông lại về với trường cũ, và với nhiều học trò giờ tóc đã hoa râm.

Phải đằng đẵng đến mấy chục năm sau lần xuất bản đầu tiên ở Sài Gòn vào năm 1972 (tiếng Pháp), công trình nghiên cứu thuộc hàng kinh điển về 20 năm đầu của văn học Việt Nam hiện đại là Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925-1945 - Khai sinh & tiến trình (tựa gốc tiếng Pháp: Naissance et évolution du roman vietnamien moderne 1925-1945) của GS Bùi Xuân Bào mới được dịch sang tiếng Việt.

Tư liệu quý về văn học hiện đại Việt Nam

Buổi trò chuyện có nhiều thầy cô khoa Văn học là học trò trực tiếp của GS Bùi Xuân Bào trước và sau năm 1975 như PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân, PGS.TS Võ Văn Nhơn, còn lại là thế hệ hậu duệ như PGS.TS Đoàn Lê Giang, PGS.TS Nguyễn Công Lý, TS Hồ Khánh Vân, TS La Mai Thi Gia; đạo diễn Xuân Phượng, đạo diễn Lê Hoàng, nhiều nghiên cứu sinh, sinh viên và đặc biệt là dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Phạm Xuân Nguyên trong vai trò chủ trì.

'Giáo sư Bùi Xuân Bào đã về với Văn khoa, với học trò của ông'- Ảnh 1.

Dịch giả Phạm Xuân Nguyên (bút danh Ngân Xuyên) chủ trì buổi trò chuyện

THẾ SANG

Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925-1945 - Khai sinh & tiến trình vốn là luận án tiến sĩ phụ mà GS Bùi Xuân Bào đệ trình cùng luận án thứ nhất (chính) để lấy bằng tiến sĩ văn chương quốc gia tại Đại học Sorbonne (Pháp) năm 1961. Công trình đã được in lần đầu năm 1972 ở Sài Gòn trong tủ sách "Nhân văn Xã hội", đến năm 1985 được in ở Paris (Pháp) trong tủ sách "Đường Mới". Dịch giả Phạm Xuân Nguyên chuyển ngữ bản dịch năm 1985 sang tiếng Việt với nhiều công phu và sự chuẩn chỉnh trong văn phong.

Là học giả uyên thâm tiếng Pháp, văn phong và ngôn ngữ tiếng Pháp "phải liệt vào bậc nhất của giới học giả Việt" nhưng luận án tiến sĩ của ông được tổ chức bố cục giản dị, kỹ thuật hành văn không quá phức tạp, giúp cho việc đọc và nghiên cứu thể loại tiểu thuyết cũng như thể tài tự sự không quá "nhọc" với độc giả. GS Bùi Xuân Bào đã khảo và phân tích chân dung tiểu thuyết hiện đại Việt Nam một cách nghiêm cẩn với mốc phát xuất là năm 1925 qua 2 tác phẩm Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật và Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách. Ông lấy xuất phát điểm từ 2 tác phẩm này và phác nên một vệt dài của tiến trình tiểu thuyết qua sự khởi đầu trong giai đoạn 1925-1932, sự phát triển rực rỡ trong giai đoạn 1932-1940 và giai đoạn còn lại là 1940-1945 - bùng nổ kháng chiến chống Pháp. Trong đó, ông tiếp cận, phân chia tiểu thuyết trong tương quan với xã hội và thời cuộc nên thể loại mà tác giả phân tích thiên về phạm vi đề tài hơn là đặc điểm thể loại. 

'Giáo sư Bùi Xuân Bào đã về với Văn khoa, với học trò của ông'- Ảnh 2.

Sách Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925-1945 - Khai sinh & tiến trình vừa được ấn hành

NXB DÂN TRÍ

GS Bùi Xuân Bào đã vẽ nên bức tranh tiểu thuyết văn học Việt Nam hiện đại trong mấy mươi năm đó với sự cẩn trọng, ông khảo một số lượng tác phẩm, báo chí đồ sộ để viết nên công trình mang tính tiên phong, làm nền cho việc nghiên cứu về văn học giai đoạn này với tinh thần vượt qua mọi tôn giáo, biên giới.

Như dịch giả Phạm Xuân Nguyên nói, "giá trị này đã có giá trị khác vượt qua" với những bài nghiên cứu, công trình nghiên cứu sau này đã chỉnh lý, cập nhật thêm nhiều tư liệu nhưng quyển sách (tuy muộn về mặt tư liệu) vẫn cần thiết vì cung cấp thêm một cái nhìn hệ thống về giai đoạn văn học này.

Những gợi mở từ việc đọc

Buổi trò chuyện nhận được nhiều sự chia sẻ từ các thầy cô, có thể xem đây là những định hướng quý giá đối với những ai muốn nghiên cứu sâu về thể loại văn học, nhất là tiểu thuyết, hay thể tài tự sự, đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam. 

'Giáo sư Bùi Xuân Bào đã về với Văn khoa, với học trò của ông'- Ảnh 3.

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân, học trò của GS Bùi Xuân Bào, cho biết tác phẩm của ông là tư liệu quý đối với sinh viên, nghiên cứu sinh

THẾ SANG

'Giáo sư Bùi Xuân Bào đã về với Văn khoa, với học trò của ông'- Ảnh 4.

PGS.TS Võ Văn Nhơn cho rằng công trình nghiên cứu của GS Bùi Xuân Bào công phu, có hàm lượng khoa học cao, tuy nhiên, cần bổ sung thêm các tác giả miền Nam để có sức khái quát rộng hơn

THẾ SANG

Việc dịch Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925-1945 - Khai sinh & tiến trình không tránh khỏi những điều tạo ra thách thức. Bố cục của công trình gốc nhiều khi gây lúng túng cho dịch giả với cách cách đặt đề mục cũng như việc phân mục các chương khác nhau không theo một hệ thống nhất định. Chưa dừng lại ở đó, tác phẩm tiếng Pháp lần đầu được chuyển ngữ nên có nhiều khái niệm thật không quen thuộc như "thuyết siêu nhân" trong tiểu thuyết, "truyện kỵ sĩ" khi ông đề cập đến sự thịnh hành của truyện dịch Trung Hoa làm xung lực cho tiểu thuyết hiện đại ở phương Nam (bên cạnh truyện kiếm hiệp), "tiểu thuyết nhà quê" qua chân dung và bút pháp các nhà văn như Trần Tiêu, Tô Hoài, Bùi Hiển…

PGS.TS Võ Văn Nhơn, nghiên cứu văn học Nam bộ, nhận xét tác phẩm này có sức bao quát đáng kinh ngạc, mang hàm lượng khoa học cao, bao gồm các tác phẩm Nam bộ, tuy vậy lại vắng mặt tác phẩm Truyện thầy Lazaro Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản vì đáng lẽ ra, văn học Việt Nam hiện đại bắt đầu sớm nhất từ mốc này với nhiều nguyên nhân, trong đó, đây là tác phẩm đầu tiên được sáng tác bằng chữ quốc ngữ. Hay tác phẩm khác cũng không thấy ông đề cập là Hà Hương phong nguyệt của Lê Hoằng Mưu, cũng đặt ra nghi vấn phải chăng vì cơ duyên nào đó, ông chưa tham khảo qua tờ Nông cổ mín đàm? Bởi tác phẩm này được nhà nghiên cứu Bằng Giang "coi là tiểu thuyết chữ quốc ngữ đầu tiên ở Nam bộ, đáng kể là một tư liệu quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử tiểu thuyết Việt Nam hiện đại đầu thế kỷ XX" (trích Lời tựa trong lần xuất bản Hà Hương phong nguyệt năm 2018; Saigonbooks và NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành). GS Bùi Xuân Bào có đề cập đến chân dung của Hồ Biểu Chánh nhưng theo PGS.TS Võ Văn Nhơn, văn học Nam bộ đầu thế kỷ 20 trong công trình này vẫn khá trống trải, cần bổ khuyết để đầy đặn hơn.

'Giáo sư Bùi Xuân Bào đã về với Văn khoa, với học trò của ông'- Ảnh 5.

Buổi trò chuyện có nhiều trao đổi thú vị về tác phẩm của GS Bùi Xuân Bào

THẾ SANG

'Giáo sư Bùi Xuân Bào đã về với Văn khoa, với học trò của ông'- Ảnh 6.

Buổi trò chuyện ấm cúng, có sự tham dự của thầy cô, sinh viên khoa Văn học

THẾ SANG

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân xúc động chia sẻ khi đã mấy chục năm rồi, GS Bùi Xuân Bào mới có dịp trở về đúng nghĩa nơi ông từng gắn bó - Văn khoa và với các học trò của ông. Giáo sư tuy đã mất trên đất Pháp nhưng sự hiện diện tác phẩm của ông ở TP.HCM là cơ hội quý với nhiều thế hệ nghiên cứu sinh, sinh viên vì phương pháp khoa học của ông, phong cách viết của ông trong quyển này như "một trải nghiệm văn học", "một trải nghiệm văn hóa" của một người nghiên cứu đọc rất kỹ, nghĩ rất kỹ chứ không chỉ như một người làm nghề dạy học và nghiên cứu, vì thế đã gợi mở ra nhiều chiều kích xuyên văn hóa, vượt qua vấn đề văn bản đối với người làm khoa học.

Tuy đến hiện tại công trình của GS Bùi Xuân Bào mới được dịch sang tiếng Việt, nhưng cũng từ tác phẩm này gợi mở ra những ý tưởng khoa học mới mẻ, đầy thách thức tùy vào "tầm đón đợi" của người đọc. PGS.TS Đoàn Lê Giang nhận xét, so về mặt tư liệu đối với các nhà nghiên cứu cùng thời trong nước giai đoạn 1960-1970, tư liệu trong Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925-1945 - Khai sinh & tiến trình không còn mới nhưng gợi mở một hướng tiếp cận, hoặc một cách mô tả văn học sử Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ 20 so với các nước Trung Quốc, Nhật Bản… Dịch giả Phạm Xuân Nguyên cho rằng, từ quyển sách mang tính chất kinh điển này cũng đặt ra vấn đề đến khi nào ở ta "mới có người đủ bình tĩnh, đủ can đảm và chịu khó" để viết về bức tranh văn học Việt Nam đầu thế kỷ 21 như GS Bùi Xuân Bào đã làm.

'Giáo sư Bùi Xuân Bào đã về với Văn khoa, với học trò của ông'- Ảnh 7.

Chân dung GS Bùi Xuân Bào

T.L

GS Bùi Xuân Bào (1916-1991), xuất thân trong gia đình Nho giáo. Ông học cử nhân văn chương tại Đại học Sorbonne năm 1948, sau đó về Huế dạy học. Ông từng đảm nhận vai trò cố vấn văn hóa tại tòa đại sứ Việt Nam tại Paris năm 1956, thứ trưởng Bộ Giáo dục đặc trách văn hóa miền Nam Việt Nam và trưởng khoa Đại học Văn khoa. Cuộc đời ông gắn bó với tuổi trẻ, văn học Việt Nam, nhất là có công trong việc đào tạo nhiều thế hệ học trò trở thành những nhà nghiên cứu văn học đầu ngành sau này. 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.