Nhà văn Việt Nam: 'Đừng thấy đỏ mà tưởng đã chín'

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
25/11/2020 20:39 GMT+7

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, nói với các nhà văn Việt Nam : Kẻ thù trong hòa bình không dễ nhận diện. Vì thế đừng thấy đỏ mà tưởng đã chín.

Nhà văn dựng xây, phát triển và bảo vệ Tổ quốc

Ngày 25.11, Đại hội đại  biểu Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã bế mạc. Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư đã tới dự và phát biểu.

Trong bài phát biểu, ông Thưởng nhắc tới trách nhiệm quan trọng và đặc biệt của các nhà văn Việt Nam trước nhân dân, trước đất nước và trước Đảng. Theo đó, cho dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhà văn Việt Nam cũng phải mang lại những vẻ đẹp nhân văn cao cả, niềm tin cho con người vào cuộc sống, những giấc mơ đẹp đẽ cho từng thân phận; góp phần dựng xây, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Để thực hiện được trách nhiệm quan trọng và đặc biệt đó, việc nhận diện kẻ thù rất quan trọng. Theo ông Võ Văn Thưởng, kẻ thù lớn nhất của dân tộc trong chiến tranh là những kẻ xâm lược được xác định rõ ràng, nhưng kẻ thù nguy hiểm nhất của dân tộc trong hòa bình là kẻ thù không dễ nhận diện. Đó là sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác. Nó chính là sự thoái hoá, biến chất về đạo đức trong mỗi con người.

“Nó ẩn náu trong đời sống thường nhật, nó có thể mang gương mặt lương thiện và đầy phép biến hình như cách nói của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là "đừng thấy đỏ mà tưởng đã chín". Chính thế mà sứ mệnh, trách nhiệm của nhà văn Việt Nam lúc này lại càng lớn lao và càng phức tạp. Nhân dân, đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, của sự quả cảm từ các nhà văn trong cuộc đấu tranh này”, ông Thưởng nói.

Ít hiện tượng văn học

Ông Võ Văn Thưởng cũng đánh giá cao những đóng góp của các nhà văn Việt Nam trong nhiều năm qua. Mặc dù vậy, với tinh thần trách nhiệm với đất nước, với nhân dân, cũng phải thẳng thắn thừa nhận một số hạn chế.

Chẳng hạn, theo ông Võ Văn Thưởng: “Cho đến nay, hội viên hội nhà văn chúng ta vẫn chưa xây dựng được những tác phẩm lớn về các cuộc kháng chiến vĩ đại, về những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, về cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Về chất lượng tác phẩm, tính chuyên nghiệp chưa cao, có ít tác phẩm đủ sức tạo thành các hiện tượng văn học,…”.

Cũng theo ông Võ Văn Thưởng: “Việc tiếp thu các trào lưu nghệ thuật nước ngoài được mở rộng nhưng chưa có sự chọn lọc, nghiền ngẫm sâu sắc. Trong lý luận phê bình văn học, còn biểu hiện máy móc, rập khuôn khi vận dụng các quan điểm nghệ thuật nước ngoài vào thực tiễn đời sống văn học trong nước”.

Một vấn đề còn hạn chế nữa là các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Hội Nhà văn Việt Nam còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của hoạt động hội và đời sống văn học nước nhà…

Đại hội chuyển giao thế hệ lãnh đạo và kỳ vọng

Ông Võ Văn Thưởng đánh giá đại hội lần này là đại hội thực hiện chuyển giao thế hệ lãnh đạo của Hội Nhà văn Việt Nam với kỳ vọng vào những nhân tố mới, tạo ra cảm hứng và năng lượng mới trong công tác điều hành và sáng tạo, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. “Với tất cả những gì mà các nhà văn Việt Nam qua từng thế hệ đã làm được, nhân dân và Đảng tiếp tục đặt lòng tin vào các nhà văn hiện tại trong một giai đoạn mới của đất nước nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức”, ông Thưởng nói.

Nhiệm vụ của Hội Nhà văn Việt Nam trong nhiệm kỳ mới là tiếp tục góp phần đáng kể trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống sự suy thoái biến chất về tư tưởng, chính trị và đạo đức. Hội cũng có nhiệm vụ thúc đẩy hòa hợp dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua văn học, thúc đẩy một đời sống dân chủ lành mạnh, tiếp tục bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống và tạo dựng những giá trị nhân văn mới cho xã hội.

Cũng theo ông Thưởng, các nhà văn Việt Nam cần tiếp tục tạo dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên thế giới thông qua văn học. Hội phải tạo ra những bước đi có tính quyết định cho một dòng văn học thiếu nhi đa dạng, phong phú, hiện đại, đậm bản sắc văn hóa dân tộc để cùng xã hội tạo ra sản phẩm đặc biệt nhất, quan trọng nhất là con người Việt Nam. Đó là triển vọng, là tương lai của đất nước mà nhà văn cần hướng tới.

Ông Thưởng cho rằng, Đảng, Nhà nước và nhân dân đang mong đợi những tác phẩm hay của các nhà văn Việt Nam. "Tác phẩm hay cũng chính là tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, là niềm mong đợi rất lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đó là những tác phẩm phản ảnh sâu sắc thực tiễn sinh động của đất nước và tầm vóc của con người Việt Nam - những người lao động sáng tạo trên nhiều lĩnh vực, những chiến sĩ đang bảo vệ sự bình yên và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đó là những tác phẩm có sức chinh phục sâu sắc các thế hệ người đọc Việt Nam ở trong nước và ngoài nước. Tôi trộm nghĩ, để có những tác phẩm hay là khát vọng theo đuổi cả một đời cầm bút của các nhà văn. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn đồng hành với các nhà văn, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà văn sáng tạo và cống hiến”, ông Thưởng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.