Nhiều nơi chốt đơn thành công
Các tỉnh miền Trung nổi tiếng với giống cúc đại đóa khổng lồ cao bằng chiều cao của người trưởng thành.
Anh Trần Thế Vinh, một nhà vườn trồng cúc đại đóa ở Cam Đức (H.Cam Lâm, Khánh Hòa), cho biết: Những ngày gần đây, không khí dịu mát do ảnh hưởng không khí lạnh nên bà con nhà vườn cũng đỡ phần cực nhọc khi cả ngày phải ở ngoài vườn để chăm cây. Bên cạnh những công việc thông thường như bón phân, tưới nước thì giai đoạn này nhà vườn phải chọn nụ cho cây.
"Dù cực nhưng chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi vì hơn 5.000 chậu cúc đại đóa chuẩn bị cho dịp tết năm nay đã nhận đặt cọc gần hết. Đến hôm nay (ngày 30.12) chỉ còn hơn 300 chậu, nếu thuận lợi thì chỉ bán trong một hoặc 2 ngày nữa là xong. Ban đầu thị trường cũng chậm nhưng những ngày gần đây thương lái đã chịu xuống cọc. Bà con nhà vườn chúng tôi cũng yên tâm và ra sức chăm sóc cho cây ra hoa thật rực rỡ vào đúng dịp tết", anh Vinh hồ hởi kể.
Theo anh Vinh, do đặc thù của loại cúc này kích thước lớn nên nhà vườn chủ yếu bán cho thương lái chứ không bán lẻ vì các đơn vị vận chuyển không chịu nhận hàng. Đến cận tết, anh em thương lái sẽ phải thuê xe tải để đưa về các chợ hoa tết. Ở khu vực Khánh Hòa, khách hàng chủ yếu là thương lái ở các tỉnh miền Đông, nhất là TP.HCM, và một số ở Tây nguyên. "Năm nay, thời tiết khá bất lợi và chi phí đầu tư như phân thuốc, công lao động tăng khoảng 5.000 - 10.000 đồng/chậu. Tuy nhiên chúng tôi vẫn cố gắng giữ giá bán ở mức từ 1,6 - 1,9 triệu đồng/chậu", anh Vinh thông tin.
Cùng chung niềm vui chốt đơn sớm, bà Nguyễn Thị Kiều Xuân, một nhà vườn trồng cúc mâm xôi ở xã Long Thới (H.Chợ Lách, Bến Tre), nói: Năm nay vườn nhà tôi chỉ chuẩn bị khoảng 3.500 chậu cúc mâm xôi, ít hơn mọi năm khoảng 500 chậu. Trước mùa sản xuất, chúng tôi cũng thăm dò thương lái quen và làm theo đặt hàng của họ.
"Bên cạnh đó tôi cũng làm dư ra một ít để dự trù. Gần đây, chúng tôi cũng tranh thủ bán hàng trên các trang mạng xã hội. Nhờ vậy mà hiện nay toàn bộ sản phẩm của chúng tôi đã tiêu thụ hết, chỉ tập trung vào chăm sóc cho hoa thật đẹp vào đúng dịp tết", bà kể và nhớ lại năm trước, sức mua ở chợ yếu, đến cuối hoa tồn nhiều nên năm nay nhiều nhà vườn tranh thủ bán sớm với mức giá phải chăng, ưu tiên giải phóng sản phẩm. Năm nay địa phương lần đầu tiên tổ chức lễ hội hoa kiểng vào đầu tháng 1.2025, nên dự kiến sẽ thu hút được nhiều du khách nên bà con nhà vườn cũng hy vọng đây là cơ hội tốt để giới thiệu và bán được nhiều sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng.
Tương tự, nhiều nhà vườn khác ở Chợ Lách cũng như Sa Đéc (Đồng Tháp) cũng nhộn nhịp trong 1 - 2 tuần gần đây khi thương lái các nơi bắt đầu xuất hiện nhiều và tăng cường chốt đơn.
Nhà vườn TP.HCM vẫn lo
Trong khi nhà vườn nhiều nơi đang hớn hở chốt đơn, nhận cọc thì ngược lại ngay tại thị trường tiêu thụ lớn nhất nước là TP.HCM thì người trồng hoa vẫn còn đang đứng ngồi không yên.
Chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền, chủ vườn lan Huyền Thoại ở H.Củ Chi (TP.HCM), cho biết: So với đầu tháng thì hiện tại sức tiêu thụ lan vẫn chưa tăng, kể cả các sản phẩm lan cắt cành. Chị Huyền nhận xét sức tiêu thụ hiện nay chậm hơn rất nhiều so với những năm gần đây.
"Tôi hy vọng là khoảng thêm 1 tuần, 10 ngày nữa thị trường hoa tết sẽ khởi sắc khi bước vào giai đoạn cao điểm. Năm nay thời tiết thật sự rất bất lợi với nhà vườn trồng hoa. Tuy nhiên do chúng tôi có nhiều kinh nghiệm và chuẩn bị số lượng lớn khoảng 10.000 chậu và 50.000 sản phẩm lan cắt cành nên không lo thiếu nguồn cung", chị Huyền khẳng định.
Những trận mưa trái mùa như trút nước trong những ngày qua, kèm với không khí lạnh về làm cho làng mai vàng Bình Lợi (H.Bình Chánh, TP.HCM) kém phần nhộn nhịp. Ông Nguyễn Minh Tiến, chủ vườn mai Tiến Đạt ở làng mai Bình Lợi, chia sẻ: Theo thông thường mọi năm thì giai đoạn này đang vào cao điểm mùa tiêu thụ cuối năm, thương lái các tỉnh miền Trung, Bắc về ăn hàng rất nhiều. Năm nay thì, thị trường chậm hơn rất nhiều và mới bắt đầu tăng nhiệt khoảng một tuần gần đây. Dù vậy, lượng hàng giao dịch vẫn còn thấp hơn trung bình các năm khoảng 30%.
"Thời gian qua, khách hàng chủ yếu là thương lái các tỉnh phía bắc. Do khoảng cách địa lý nên họ phải chuẩn bị sớm. Còn thị trường TP.HCM và các tỉnh miền Nam sẽ bắt đầu sôi động hơn trong khoảng hơn 1 tuần nữa. Hy vọng là thị trường sẽ khởi sắc trong giai đoạn nước rút", ông Tiến kỳ vọng.
Ông Lê Hữu Thiện, Giám đốc HTX Mai Vàng Bình Lợi (H.Bình Chánh, TP.HCM), thẳng thắn: Đến thời điểm này tôi mới đạt doanh thu khoảng 800 triệu trong khi những năm trước đây thì con số này ít nhất cũng đạt 1 tỉ đồng. Trước đây kinh doanh thuận lợi hơn nhờ số người trồng hoa ít và sản lượng không bằng hiện nay. Những năm gần đây, khoa học và truyền thông phát triển nên nhiều người ở nhiều nơi cũng trồng được mai nên kinh doanh càng khó khăn. Bên cạnh đó, năm nay thời tiết bất lợi đến thời điểm này mà vẫn còn mưa nhiều, lạnh kéo dài nên anh em thương lái cũng ngại chốt đơn sớm.
"Thị trường hiện đang sôi động hơn rất nhiều và tiếp tục tăng nhiệt vào những ngày cận tết. Tuy nhiên như bản thân tôi năm nay chuẩn bị 5.000 cây, nếu bán được 3.000 cây thì cũng được xem là thành công", ông Thiện thừa nhận.
Kích thích thị trường bằng lễ hội hoa
Theo UBND H.Chợ Lách (Bến Tre), Chợ Lách được biết đến là vương quốc của các loại hoa, kiểng của ĐBSCL. Nhằm quảng bá thương hiệu làng hoa của địa phương, năm nay huyện sẽ tổ chức "Lễ hội Hoa - Kiểng Chợ Lách", diễn ra từ ngày 8 - 12.1.2025.
Tại sự kiện, địa phương sẽ xác lập kỷ lục tuyến đường hoa kiểng do cộng đồng tạo tác dài nhất Việt Nam với chiều dài 15 km. Bên cạnh đó còn có nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm, hội thi, văn hóa nghệ thuật, ẩm thực, vui chơi giải trí... phong phú, đậm đà phong vị miền Tây.
Bình luận (0)