Không chỉ là nhạc công đàn tranh có tên tuổi ở miền Tây, anh Linh còn được nhiều người biết đến vì niềm đam mê sưu tầm đĩa hát xưa |
DUY TÂN |
Sở hữu bộ sưu tập “độc nhất vô nhị”
Học ngành y rồi đi làm ở một bệnh viện tại TP.Cần Thơ nhưng vì đam mê nghệ thuật nên anh Trương Tài Linh quyết định nghỉ việc, đi học ngành biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại Trường cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ. Dần dần, anh trở thành người thầy truyền đam mê nhạc cụ dân tộc cho người trẻ. “Từ nhỏ, tôi đã đam mê nghệ thuật cải lương. Tôi biết mình không thể hát được nên sưu tầm hiện vật là đĩa hát xưa để giới thiệu đến mọi người”.
Anh Linh hiện sở hữu hơn 1.000 đĩa nhạc nhựa xưa hiếm có |
DUY TÂN |
Sau 4 năm dày công sưu tầm, đến nay anh Linh sở hữu hơn 1.000 đĩa nhựa gồm cải lương, cổ nhạc, tân nhạc. Đặc biệt, trong đó có khoảng 400 tuồng cải lương trước năm 1975. “Việc săn tìm những đĩa xưa cũng khá kỳ công và cần có chút may mắn. Lúc đầu, chưa có kinh nghiệm, tôi mua phải những đĩa có âm thanh không tốt hoặc khi bìa và ruột không trùng với nhau. Một thời gian sau có kinh nghiệm hơn nên mua đúng đĩa có chất lượng”, anh Linh cho biết.
Những đĩa nhạc anh Linh dày công “săn” tìm để sở hữu |
duy tân |
Để sưu tầm được những đĩa nhựa xưa hiếm, anh Linh đến các cửa hàng bán băng đĩa cũ và các anh em có chung đam mê sưu tầm. Cơ may đến khi anh làm quen được một người sưu tầm gần 700 đĩa nhựa. Người này thấy anh Linh đam mê quá nên chia sẻ lại. Nhờ đó, anh có được nguồn đĩa dồi giàu như bây giờ.
Số hóa tư liệu nhạc xưa
Trong số đĩa nhựa được anh sưu tầm, có nhiều giọng ca lừng lẫy một thời trong làng cổ nhạc như Cô Năm Cần Thơ, Bà Năm Sa Đéc…Nhận thấy các tư liệu nhạc xưa, hiếm không đăng tải trên các trang mạng xã hội, nền tảng nghe nhạc, YouTube… nên anh Linh tìm hiểu rồi mua thiết bị để kết nối từ máy hát với máy tính, sử dụng phần mềm thu âm đường truyền trực tiếp để xuất ra thành file mp3, mp4. Sau đó đăng tải chia sẻ với những người đam mê.
Những đĩa nhạc xưa hàng hiếm trong bộ sưu tập của anh Linh |
DUY TÂN |
Theo anh Linh, những tuồng hiếm điển hình như Lưu Bình Dương Lễ của Vũ Thanh Lâm, Kiều Mai Lý; Nhị Kiều tướng quân phiên bản Phượng Liên; Trinh nữ lầu xanh phiên bản Thanh Nga; Tiếng trống xen canh của Ngọc Hương phiên bản Sài Gòn audio… Hầu hết những đĩa nhựa này đều thất truyền và không còn được phát hành.
Những đĩa nhạc xưa hàng hiếm trong bộ sưu tập |
DUY TÂN |
Hiện anh Linh lập kênh YouTube để chia sẻ và đạt lượt xem rất cao. Điển hình như tuyển tập những bài tân cổ trước năm 1975. “Tôi vui vì lượt xem trên kênh mỗi tuần rất cao, khoảng 900.000 lượt. Đặc biệt, thống kê giới trẻ vào xem nhạc xưa, tuồng cổ rất cao. Một số người sưu tập đĩa nhạc ở các nơi cũng tìm đến để nhờ số hóa tư liệu chia sẻ với mọi người”, anh Linh nói.
Anh Linh số hóa nhạc xưa để chia sẻ với người đam mê |
DUY TÂN |
Những ai từng tiếp xúc với anh Linh đều công nhận niềm đam mê cổ nhạc rất lớn trong anh. Những nghệ sĩ lão thành, nghệ sĩ hát lúc chưa có hình ảnh ghi lại… anh đều biết và thuật lại lai lịch của họ vanh vách. “Mỗi lần cầm chiếc kim đặt trên đĩa hát, giọng ca mùi mẫn của những nghệ sĩ vang bóng một thời cất lên lắng đọng, thỉnh thoảng đan xen tiếng nổ loẹt xoẹt đặc trưng của đĩa nhựa…khiến tôi dường bị nghiện”, anh Linh, người sưu tầm cả ngàn đĩa hát xưa, chia sẻ.
Bình luận (0)