Nhạc sĩ của nhiều bản giao hưởng nổi tiếng qua đời

Nguyên Vân
Nguyên Vân
18/05/2020 06:13 GMT+7

Sáng 17.5, GS-TS - nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam ( ảnh ), tác giả được biết đến với nhiều tác phẩm giao hưởng tại Việt Nam, đã qua đời ở nhà riêng do tuổi cao sức yếu.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam sinh năm 1932 tại Tiền Giang. Ông tham gia kháng chiến từ năm 1947. Năm 1966, ông tốt nghiệp loại giỏi tại Trường Âm nhạc Việt Nam (tiền thân của Nhạc viện Hà Nội và nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), được cử đi học tại Nhạc viện Leningrad (nay là Nhạc viện Sankt-Peterburg, Nga). Sau khi tốt nghiệp năm 1973, ông về Việt Nam; rồi trở lại trường cũ làm nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ và ở lại Nga làm việc, là hội viên chính thức của Hội Nhạc sĩ Liên Xô lúc bấy giờ.
Năm 1991, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam về nước, giảng dạy tại Nhạc viện TP.HCM và Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ông được phong hàm Giáo sư năm 2015 vì những đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam. Trong sự nghiệp sáng tác, ông được biết đến như nhạc sĩ viết nhiều tác phẩm giao hưởng: Tặng đồng bào miền Nam anh dũng, Uống nước nhớ nguồn, Mẹ Việt Nam, Sài Gòn 300 năm, Chuyện nàng Kiều, Đất nước quê hương tôi, Cửu Long dậy sóng... Bên cạnh đó, theo nhạc trưởng - NSƯT Hoàng Điệp, mảng hợp xướng cũng là một thế mạnh của ông, với những tác phẩm: Oratorio (thanh xướng kịch) đầu tiên của Việt Nam - Hát cho đồng bào tôi nghe, hợp xướng Mùa xuân… NSƯT Hoàng Điệp là một trong những nghệ sĩ thuộc thế hệ học trò đầu tiên của ông. Còn nhạc sĩ Đức Trí cho biết ông là “người thầy dành hết tâm huyết dạy bảo và yêu thương học trò, nhất là đạo đức và sự lễ độ, rồi tiếp đến mới là kỹ thuật, âm nhạc”.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam được trao tặng Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc, Huân chương Chiến thắng, giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho bản Giao hưởng số 8 - Đất nước quê hương tôi, được UBND TP.HCM trao tặng giải thưởng cho độc tấu sáo và dàn nhạc Miền đất thiêng, BCH T.Ư Đảng tặng giải thưởng cho bản giao hưởng Nhật ký trong tù… Ông được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, Huy chương Vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam.
Lễ viếng ông tại Nhà tang lễ Lê Quý Đôn, TP.HCM bắt đầu 11 giờ 30 ngày 18.5, sau đó linh cữu được đưa đi an táng tại Nghĩa trang Hoa Viên Bình Dương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.