Nhạc sĩ Giao Tiên là "cha đẻ" của rất nhiều ca khúc nổi tiếng như: Mất nhau rồi, Cô Thắm về làng, Vó ngựa trên đồi cỏ non, 20 năm tình đẹp mùa chôm chôm, Phận gái thuyền quyên, Yêu lầm, Anh hãy về đi, Anh không muốn xa em, Lại nhớ người yêu, Nhớ người yêu… Nhiều năm qua, ông sinh sống tại Cam Ranh (Khánh Hòa) cùng gia đình. Mới đây, nhạc sĩ Giao Tiên có mặt tại TP.HCM để tham dự sự kiện liên quan đến một đêm nhạc thiện nguyện nhằm giúp đỡ các nhạc sĩ đang gặp khó khăn.
Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, nhạc sĩ Giao Tiên tâm sự ông phải nuôi cùng lúc hai người bệnh trong nhà là vợ và con gái. Nhạc sĩ cho biết con gái út của ông 43 tuổi, bị liệt toàn thân đã hơn 10 năm. Trong khi đó, vợ nhạc sĩ phải chạy thận suốt 6 năm qua. "Mỗi tuần, tôi phải chở vợ từ Cam Ranh đến Nha Trang để chữa trị. May mắn trời thương nên sức khỏe của tôi tốt, nhờ vậy mà có thể gồng gánh gia đình. Một ngày của tôi có rất nhiều việc, làm quần quật từ đi chợ, nấu ăn, tắm rửa cho con, chăm sóc vợ, giặt giũ... Dù cực nhưng tôi tự làm hết, không thuê giúp việc vì không ai chăm sóc vợ con tốt bằng mình. Công việc chiếm hết thời gian, chỉ có đêm tối tôi mới ngồi viết nhạc được. Thỉnh thoảng được lúc rảnh, tôi đi cà phê cùng bạn bè", ông kể.
Tác giả Cô Thắm về làng cho hay, ông có 5 người con thì 4 người đã lập gia đình. Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, các con không đủ khả năng giúp đỡ cha mẹ, chỉ có cô con gái làm việc trong ngành luật hỗ trợ gia đình mỗi tháng 10 triệu đồng.
Được biết, năm 2017, vì hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn, nhạc sĩ Giao Tiên phải bán 300 bài hát cho một công ty với giá 700 triệu đồng. Một số ca khúc ông viết sau này được gửi cho Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và lãnh tiền tác quyền định kỳ mỗi quý khoảng 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, công việc làm nhạc giúp ông kiếm khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng. Số tiền này nhạc sĩ dùng chi tiêu trong gia đình và thuốc thang cho vợ con.
Khi được hỏi về chuyện sáng tác, nhạc sĩ Giao Tiên chia sẻ khi trẻ, ông viết nhạc theo bản năng, có bao nhiêu cảm xúc đều bung hết ra. Theo thời gian, ông có kinh nghiệm, biết cần thêm cái gì, chỉnh sửa cái nào cho phù hợp hơn. Dù vậy, ông cho rằng cảm xúc dồi dào thì ca khúc sẽ hay. Nhạc sĩ gạo cội tiết lộ một kỷ niệm: "Khi tôi viết bài Nhớ người yêu, cảm xúc là tự phát. Tôi nhớ người yêu ra sao thì viết vậy. Tôi là gốc nông dân nên viết mộc mạc, bình dị, nhưng vẫn có tính lãng mạn. Khi viết xong, tôi nhờ nhạc sĩ Hàn Châu hát, tôi đàn và thu âm vào băng cassette. Tôi mang cho nhiều anh em nghe. Họ chê rất nhiều, đến mức tôi xấu hổ. Sau đó, tôi đưa bài hát này cho một nhà sản xuất tay ngang sản xuất. Ca khúc này in bản nào bán hết bản đó. Anh ấy mua nhà, sắm xe hơi, cưới vợ… từ bài hát này, còn tôi không có gì cả (cười)".
Ở tuổi ngoài 80, nhạc sĩ Giao Tiên vẫn sáng tác đều đặn tùy theo nhu cầu đặt bài của bạn bè, ca sĩ hoặc phổ nhạc cho các nhà thơ. Có ngày, ông viết 3 ca khúc nhưng cũng có hôm lại không sáng tác bài nào. Tác giả Vó ngựa trên đồi cỏ non bày tỏ mình may mắn khi còn sức khỏe, minh mẫn để làm việc. Nhạc sĩ gạo cội bộc bạch: "Thời trẻ, tôi sáng tác nhiều vì cảm xúc dồi dào, chỉ cần nghĩ ra là viết. Bây giờ tôi già rồi, cách viết chỉn chu hơn, viết gì cũng có suy nghĩ, đắn đo một chút. Các ca khúc phần lớn vẫn mang chất bolero như trước nay, nhưng nghe già dặn hơn chứ không còn bồng bột như thời thanh niên".
Khi được hỏi về ca khúc tâm đắc, nhạc sĩ Giao Tiên chia sẻ ông tự hào và thích tất cả những "đứa con tinh thần" của mình. Dù vậy, ông thừa nhận bài hát được nhiều người nhớ đến là Cô Thắm về làng, Lại nhớ người yêu và Vó ngựa trên đồi cỏ non. "Những ca khúc này đem lại cho tôi thu nhập, tiếng tăm. Thời đó, với bài Cô Thắm về làng, tôi bán được khoảng 30.000 đồng. Lương lúc đó hơn 1.000 đồng/tháng, còn vàng 11.000 đồng/chỉ, thì số tiền bán bài cũng khá lớn. Nhưng sau này, khi ca khúc nổi tiếng hơn thì người mua bài của tôi cũng hốt bạc", ông nói thêm.
Bình luận (0)