Nhạc sĩ Phan Bá Chức: Rớt xuống đời xanh một giọt trầm!

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
23/03/2022 17:37 GMT+7

Buổi chiều nhạt nắng. Anh hẹn tôi 5 giờ đến nhà uống rượu. Những chút men chiều kéo dài qua tối, khi ngọn đèn cao áp phía hẻm nhà rọi chéo xuống chiếc bàn đá tròn, ly rượu nâng lên ngang mũi, hít hà một chút, anh nói: 'Rớt xuống đời xanh một giọt trầm, là đây'.

Nhạc sĩ Phan Bá Chức, hoa và rượu

T.T.B

Là bởi, rượu anh mời bạn là loại rượu trầm chính hiệu. Có một người bạn cũ, quen từ hồi ở Đà Lạt những năm 1970, bào chế loại trầm lấy từ cây gió, thỉnh thoảng gửi cho anh để ngâm rượu. Tôi không biết loại cây gió ấy có phải cùng loại lấy từ mảnh vườn ở Bình Phước mà có dạo anh chở tôi cùng vợ anh, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hồng (hiện công tác tại Bệnh viện phụ sản Quốc tế, TP.HCM) cùng đứa con trai lên đó cuối tuần để thăm hay không. Cũng không biết là bao năm tháng kể từ lúc nghỉ hưu hơn 10 năm trước, anh đã đãi đằng bạn bè bao nhiêu rượu ngâm từ tinh chất của loài cây đặc biệt này. Chỉ biết, là rượu rất ngon và ngón đàn guitar của anh rất mượt.

Thường hằng đêm mỗi cuối tuần, anh lại í ới tôi qua điện thoại. Và biết bao lần, dù không dám giục giã anh kể chuyện đời mình, nhưng những mảnh thời gian chắp nhặt lúc trà dư tửu hậu, lại hình dung ra một cuộc đời khá lận đận nhưng cũng lắm say mê.

Nhạc sĩ Phan Bá Chức, những khoảnh khắc yêu thương

t.t.b

Ấy là sự say đời. Gặp nhạc sĩ Phan Bá Chức là gặp những câu chuyện tiếu lâm được kể với giọng tỉnh rụi, hóm hỉnh một cách thần tình. Gặp nhạc sĩ Phan Bá Chức là gặp một tinh thần sảng khoái yêu đời như một uyên nguyên thơ trẻ. Anh kể rằng mình “làm nhạc” từ thuở thiếu thời. Dòng chảy của lịch sử đi qua những dâu bể thăng trầm của từng số phận, có lẽ cũng khắc chạm trong đó ít nhiều. Vốn là người ít nói về quá trình sáng tác của mình trên báo chí, dù rằng anh cũng là một nhà báo kỳ cựu, với thâm niên công tác ở Báo Thanh Niên đến gần 25 năm, kể từ những ngày đầu tờ báo còn bao lận đận, và kinh qua nhiều vị trí của tờ báo này.

Gặp nhạc sĩ Phan Bá Chức cũng là gặp một “cây phương ngữ”. Có thể nói không ngoa, tôi chưa từng gặp một ai có giọng phát âm phân biệt ngữ điệu, chất giọng với trọng âm của mỗi tỉnh mỗi miền rõ ràng, mang chất đặc trưng được như anh. Dù chỉ cách nhau qua lằn ranh “biên địa” của một ngọn đèo, một con truông của 2 tỉnh như Bình Định và Phú Yên, như Quảng Trị và Quảng Bình, anh cũng phân biệt rất rõ khi phát âm và giảng giải đầy đủ ý tứ của chất giọng mỗi nơi. Rạch ròi địa phận và hết sức khoa học.

Chai rượu trầm ngâm lâu năm của nhạc sĩ tặng cho tác giả dịp tết Nhâm Dần

t.t.b

… Từ tác phẩm đầu tay Câu hát biên thùy viết lúc còn niên thiếu, mà như anh kể: “Thập niên 1960, thuở ấy chiến tranh tao loạn, nghe thông tin trên đài, nghe người lớn kể chuyện và hơi thở cuộc chiến phả vào mình, nên mới viết ra” cho đến những sáng tác sau này khi đi dạy học, rồi bước sang nghề báo, nhạc sĩ Phan Bá Chức đều chắt lọc rất tinh tế những âm ba đời sống. Cái âm thanh trong trẻo đều đặn của dòng nhạc bolero thịnh hành một thuở ấy, khi anh vận dụng vào ca từ của bản Câu hát biên thùy nghe đã rất đỗi yêu thương. Nhưng đến những bản như Tôi có em chiều thu, Vạt nắng trong chiều, Vẫn có nhau khi mưa về… thì dòng nhạc trữ tình của anh thấm đẫm màu thời gian và quay quắt niềm yêu của những sớm những chiều với thông xanh Đà Lạt, với những lao đao cơm áo chân tình của Sài Gòn, để mỗi khi nghe, lại ngân lên thanh âm trong trẻo của câu chuyện thế thái nhân tình với đoạn khúc yêu thương.

Tỉ như khi anh viết: “Thu sang hay chưa, trời như có mưa. Mưa hắt đưa qua bên thềm. Lan trong nơi nơi hồn ta đã rơi, vào trong tiếng mưa rơi âm thầm. Ta nghe lao xao hạt mưa rớt quen. Thì ta có mong khi mưa về…” (Vẫn có nhau khi mưa về). Hay với bản Tôi có em chiều thu, đặc biệt tôi thích đoạn anh bày tỏ sự trân quý tự tâm can: “Chiều thu tôi có em như một tình cờ vừa đến. Bàn chân em e ngại. Bàn tay em thơ dại. Vội vàng con chim bé vỗ cánh bay lên cao…”.

Nhưng với bản Vạt nắng trong chiều, thì lời ca đã thanh thoát đến vô cùng. Nhạc của anh, khi nghe bài này thì chỉ lim dim ngồi tưởng tượng, vì nắng chiều quá đẹp và quá đỗi dịu ngọt, xen lẫn đau đáu cách chia: “Xôn xao như rừng cây, như còn đây nắng mơn bên lưng trời. Cho gió lên reo cười. Chim hót bên lưng đồi. Giờ còn không em ơi”. Để rồi réo rắt những thanh âm tiếc nuối: “Em ơi trong chiều nay. Ta còn đây bước ngang qua sông đời. Ngùi trông nơi xa vời, mà hát khúc yêu người. Làm sao lòng này nguôi em ơi”.

Nghe tác giả hát bài này đã bao lần trong chiều muộn hay đêm thâu, tự dưng lúc nào cũng liên tưởng đến những vần thơ đọc được lúc tuổi đôi mươi của thi sĩ Hoài Khanh, đã từng xuất bản trong tập Thân phận năm 1972: “Rồi em lại ra đi như đã đến. Dòng sông kia vẫn cứ chảy xa mù. Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng. Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu” (Ngồi lại bên cầu).

Tuần tự như thế, những bản tình ca của người nhạc sĩ trải qua bao biến động thời cuộc đã được chuyển tải trong album Hát cho yêu thương (cũng là tựa đề một bản nhạc của anh) do ca sĩ Ánh Tuyết thể hiện. Nhưng, nhắc đến nhạc sĩ Phan Bá Chức mà không nói đến bản nhạc đậm chất nẫu của xứ Phú Yên với giọng hát đặc thù mênh mang biển sóng Tuy Hòa, cheo leo đèo Cả, thì quả là thiếu sót. Bản Trách phận sáng tác của một người bạn, mà anh chỉnh biên, ký âm và phổ biến từ các hãng băng đĩa, các sân khấu lớn có thể nói là đỉnh cao về lĩnh vực phương ngôn, được bao người yêu thích. Mỗi khi anh hát với chất giọng Phú Yên, lại đặc biệt cuốn hút người nghe vào câu chuyện đời của đôi vợ chồng trẻ lận đận giữa dòng đời với nghĩa tình đằm sâu tựa biển rộng núi cao. Bởi thế không phải ngẫu nhiên, với bản nhạc này, nhiều ca sĩ lấy đó làm bệ phóng thành công trên con đường ca hát của mình!

Và như thế, những thanh âm đời sống cứ reo trầm trong những sáng tác của người nhạc sĩ nay đã bước qua tuổi thất thập. Với tôi, mỗi khi ngồi cùng anh bên chung rượu, lại không quên đưa tay với lấy cây guitar, để được ngân lên một khúc ca của Phan Bá Chức phổ thơ Hàn Mặc Tử, đó là bản Tình quê mà mình luôn yêu thích: “Trước sân anh thơ thẩn. Đăm đăm trông nhạn về. Mây chiều còn phiêu bạt. Lang thang trên đồi quê…”.

Những buổi chiều muộn ấy, vẫn như thoảng nghe những nốt nhạc của nhạc sĩ Phan Bá Chức nối theo nhau rớt xuống đời xanh một giọt trầm…

Sài Gòn, những ngày cuối tháng 3.2022

Những năm tháng dạy học ở Đà Lạt vắt qua giai đoạn giao thời từ thập niên 1960 đến 1980, cũng đã để lại dấu ấn của Phan Bá Chức với khoảng vài chục bản nhạc khá nổi tiếng viết cho thiếu nhi, ví như bài Nói với em phổ từ một bài thơ: “Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió, sẽ được nghe nhiều tiếng chim hay. Tiếng lích rích chim sâu trong lá. Con chìa vôi vừa hót vừa bay. Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện. Sẽ được nhìn thấy các bà tiên. Thấy chú bé đi hài bảy dặm. Quả thị thơm cô Tấm rất hiền…” hoặc với một bản khác như Đàn kiến nó đi, mang ý nghĩa giáo dục rất lớn trong môi trường sư phạm. Ấy là sự đa dạng trong phong cách sáng tác của anh!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.