Tiếng sớm tiếng chiều lại vọng trong hẻm nhỏ
Một sớm, đã qua tháng gần hết năm, tôi tấp xe lại mua vài thứ lặt vặt ở tiệm tạp hóa nhỏ nằm trong con hẻm 159 Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), nơi vẫn thường ghé lại. Đôi vợ chồng tuổi tầm ngoài 50, vẻ tảo tần.
Chú Duyệt cà-rem luôn tin rằng mai mốt trời đất yên bình, hết dịch Covid-19 |
Ông chồng đứng bán, vợ ngồi nhặt rau bó lại cho vào những chiếc rổ lớn. Hình như họ phân công khá tỉ mỉ việc mỗi ngày. Đưa mấy thứ cho tôi, ông xởi lởi: “Xin hỏi anh nhà mình dịch giã vừa qua có việc gì không?”. Tôi từ tốn vui vẻ: “Dạ không anh à, cũng ổn. May nhờ cách ly tuyệt đối, lại tiêm vắc xin đủ 2 mũi cả nhà hồi tháng 8 nên cũng yên tâm”. Nhận câu trả lời, khi nghe tôi hỏi thăm lại, ông nở nụ cười: “Lạy trời, cũng yên”.
Ông Bảy mặt nạ ngày ngày đạp xe mưu sinh trên đường phố Sài Gòn |
Khu nhà tôi ở phía ngoại ô, rất quen với những tiếng rao mỗi sớm mỗi chiều. Nó là một con hẻm trong muôn ngàn con hẻm ở thành phố này. Đó là chú Duyệt, người Nam Định leng keng chiếc xe máy chở thùng cà-rem nghe vui tai tầm 10 giờ sáng. Kêu lại mua mấy que kem lạnh ngồi cắn ngon lành. Chú cũng nán lại chút để tôi thăm hỏi: “Hơn 4 tháng nằm nhà, tiền tích lũy cũng hết. Nay được đi bán lại, em mừng lắm. Nhà có mấy anh em chuyên nghề cà-rem đi khắp ngả. Dạo không đi lại được, chỉ sợ mấy chiếc xe và thùng lạnh để lâu gỉ sét. Cũng may…”.
Tựa bán chút hàng bên gốc cây trên đường Sương Nguyệt Anh, Q.1 |
Buổi chiều, quãng 5 giờ thì chị Sáu Đức Phổ (Quảng Ngãi) quành chiếc xe đạp rao “bánh bèo bánh bèo đây”. Nghe giọng chị, tôi mừng quá cầm đĩa chạy bổ ra. Chị vừa gắp bánh, tôi vừa hỏi han. Chị kể, có 3 người con trai, 1 ở Sài Gòn, 2 ở quê. Họ đều đã có vợ, tổng cộng cả thảy chị có 5 cháu nội. Ngôi nhà trọ của chị ở phía bên kia chợ Cầu, thuộc P.Đông Hưng Thuận, Q.12. Giữa tháng 6 cho đến hết tháng 9, ròng rã hơn 3 tháng chị và chồng, con cháu túm tụm “nấp” cách ly trong căn phòng nhỏ. Nghe ngoài kia xao xác mà sợ hãi vô cùng. Cũng còn may…
Nhịp sống trước dịch |
Nhờ vậy, bữa nay thỉnh thoảng chiều chiều tôi lại được ăn bánh bèo, bánh lọc hay bánh ít bột nếp tự tay chị làm, có rắc liu riu chút tôm chấy. Và cái thứ nước chấm mằn mặn vị biển. Tưởng chừng bờ bãi đẩy bao lượt sóng cồn ngoài Phổ Thuận quê nhà của chị thoảng vô.
“Nhịp bước gần cả năm”
Người mà mỗi ngày chạy xe 12 km đến tòa soạn tôi mong gặp nhất sau dịch, là ông Bảy mặt nạ. Người ta gọi ông như thế, nhưng ông tên thật là Nguyễn Đức Duy, quê hương bản quán ngoài Hoài Nhơn, Bình Định. Một xứ người ta ghiền tuồng cổ đến nỗi thấm trong máu ông từ nhỏ. Nên sau khi đi bộ đội làm nghĩa vụ quốc tế từ Campuchia trở về, ông cưới vợ rồi quyết định vô Sài Gòn, lấy nghề làm mặt nạ tuồng cổ sinh sống. Ngày ngày, ông guồng chân nhịp đều chiếc xe đạp từ khu cư xá Lam Sơn (cũ) ở P.17, Q.Gò Vấp vô mấy quận trung tâm rao bán kiếm sống.
Tôi biết ông trên đường từ cách đây gần cả chục năm. Và hằng ngày cũng chỉ gặp nhau trên đường, đôi khi mời nhau ly nước. Hỏi han dăm ba chuyện sức khỏe, con cái rồi ai đi đường nấy. Để ông còn “kiếm chút cơm chút cháo”, như lời ông nói. Vẫn rổn rảng giới thiệu món hàng độc nhất vô nhị dưới nắng, vẫn lì lợm với cái chất lính chiến trường K. Bền như chiếc xe cũ rích ông đạp ngày ngày, mà dịch Covid-19 như… khó đụng đến.
Gặp nhau hồi tháng 11.2021, ông Bảy nói: “Dịch… nhịp bước gần hết cả năm, đôi chân tôi được nghỉ. Nhưng mà đủ thứ cơm áo gạo tiền sau lưng, chen nhau với cái khung chứa đầy mặt nạ cứ kéo nỗi lo lần lên đầu tôi. Nhất là cái vụ học phí cho con sau dịch, nhiều khi thấy mỏi rã rời”.
Nhưng ông dẻo dai lắm, không bỏ cuộc. Vì bỏ làm sao được khi con gái đầu học mới năm thứ 2 đại học, con trai út mới lớp 8. “Giờ dịch giã qua rồi, ổn cả không việc gì, nên nhiều khi nghĩ vẫn may mắn hơn bao người”, ông cười nói vậy.
Chờ khúc vĩ thanh ấm áp!
Giữa tháng 10, khi thành phố mở cửa lại nửa tháng, trong cái dè chừng khoan nhặt nửa mừng nửa lo, tôi hoàn thành một cuốn sách về những ngày cách ly của người ở tâm dịch Sài Gòn.
Thảo đôi dòng gửi lên Facebook, để nhắn nhủ có bạn bè bắt tay cùng xuất bản lấy chút tiền giúp đỡ các cháu mồ côi do đại dịch Covid-19. Và nhận được ngay sự hưởng ứng. Có người hẹn cà phê trao đổi. Có công ty xuất bản của cô bạn đồng nghiệp nhiệt tình ủng hộ. Có người vốn rất ít gặp, từ xa điện thoại sẽ đồng hành trong âm thầm, không muốn công bố tên họ.
Mấy tuần cuối tháng 11, tôi vẫn có ý tìm trên đoạn vỉa hè trước cổng nhà thờ Hạnh Thông Tây một bóng dáng. Đó là cậu Sơn, chiều nào cũng ngồi trên chiếc xe lăn dán bóng giấy tờ cho người đi đường, miệt mài đã gần chục năm qua. Mỗi tấm thẻ cậu ấy lấy 15 ngàn, giấy to 20 ngàn. Từ 2 giờ chiều cho đến tối mịt, được khoảng hơn 10 tờ giấy cho khách, với cái bàn tay rất khỏe miết lại mấy góc quăn, để có thêm chút sữa cho đứa con đầu lòng. Nhưng mãi chưa thấy… Hay là cậu ấy về quê ở miệt Long Thành (Đồng Nai) tránh dịch chưa lên? Dạo dịch bệnh lan tràn như vậy, liệu đôi chân teo lại vì bệnh sốt bại liệt từ nhỏ có chống chọi được không?
Mưu sinh trên sông nước Sài Gòn. Ảnh chụp từ bờ sông Thanh Đa tháng 4.2021 |
T.T.B |
Hay một cô người Huế guồng chân đạp xe không mỏi với tiếng rao lanh lảnh xôi bắp xôi gà buổi sáng tầm 8 giờ, mà tôi thường kêu lại mua chút quà sáng, lại vắng bóng. Không biết cô ấy có kịp chuyến xe nào đó hay chất cả nhà lên chiếc xe máy của chồng, đã bế con về với xứ cố đô dạo trước?
Trong những dòng người ngược về quê, tôi hy vọng rồi họ sẽ hoàn nguyên trở lại.
Sài Gòn âm thầm tiễn họ trở về trong cảnh nghiệt ngã, xót xa nhưng Sài Gòn bây giờ lại dang tay đón nhận. Chợt một câu nói đã gần 400 năm trước trong vở kịch của William Shakespeare: “To be or not to be?” (Tồn tại hay không tồn tại?) bật ra, nghe như vận đúng vào thân phận của bao người trong 2 năm qua giữa thế kỷ 21 này, từ khắp nơi trên thế giới và ngay giữa Sài Gòn.
Tôi vẫn chờ một khúc vĩ thanh ấm áp, ấy là lúc trên mọi miền đất nước không còn bóng dáng con vi rút quái ác, để trên những con đường đi về sáng chiều của năm tới lại thấy nườm nượp xe. Giờ đây giữa ngày xuân cận, ngoài kia vẫn đang nhịp bước ngập ngừng. Còn tôi thoáng thấy bóng thời gian đi qua góc hẻm chiều, để ước mong và hy vọng…
Bình luận (0)