Nhận biết sốt xuất huyết ở trẻ

27/10/2015 09:18 GMT+7

Biểu hiện ban đầu là sốt cao, đau đầu, đau họng... có thể khiến cho sốt xuất huyết giai đoạn sớm bị nhầm với viêm họng, cảm sốt thông thường.

Biểu hiện ban đầu là sốt cao, đau đầu, đau họng... có thể khiến cho sốt xuất huyết giai đoạn sớm bị nhầm với viêm họng, cảm sốt thông thường.

Một ca theo dõi sốt xuất huyết tại bệnh viện - Ảnh: Thúy AnhMột ca theo dõi sốt xuất huyết tại bệnh viện - Ảnh: Thúy Anh
Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết đã ghi nhận các bệnh nhi mắc sốt xuất huyết (SXH) nhập viện trong các tuần gần đây. Một số biểu hiện của SXH bị nhầm với bệnh lý khác khiến trẻ không được điều trị đúng.
Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, công tác tại khoa nhi, thì ở trẻ nhỏ SXH thường ghi nhận từ khi 2 tuổi. Bệnh nhi có biểu hiện ban đầu sốt cao đột ngột và liên tục trong 3 - 4 ngày, sang ngày thứ 5 - 6 sẽ bị nổi ban nhỏ li ti (đốm xuất huyết). “Ở trẻ nhỏ, ban SXH chỉ là nốt nhỏ, giống như sốt phát ban thông thường nên người nhà dễ nhầm, từ đó chăm sóc không đúng cách”, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng lưu ý.
Việc nhầm lẫn cũng có thể xảy ra nếu nhân viên y tế thiếu kinh nghiệm hoặc không thận trọng khi chẩn đoán. Một bà mẹ có con trai 7 tuổi, nhà ở Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết cháu đi học về sốt cao, kêu đau đầu, gia đình đưa đến bệnh viện và được bác sĩ chẩn đoán viêm họng, sau đó kê đơn kháng sinh. Sau 3 ngày cháu vẫn sốt và mệt nhưng gia đình vẫn kiên nhẫn theo đơn của bác sĩ. Sau đó, cháu còn bị đau bụng, đi ngoài, chảy máu cam mệt lả và người nổi nốt xuất huyết đỏ. Gia đình đưa cháu khám lại ở một cơ sở y tế khác thì được xét nghiệm xác định cháu bị SXH.
Còn theo người nhà của một bệnh nhi 12 tuổi điều trị SXH tại Bệnh viện Bạch Mai kể lại, cháu đi học về thì sốt cao gần 400C, kèm đau đầu nên gia đình cho cháu uống thuốc hạ sốt. Nhưng nhiệt độ chỉ giảm rất ít và trong thời gian ngắn lại cao vọt lên. Sau đó, cháu kêu đau họng nên gia đình có mua thêm kháng sinh cho cháu uống. Tuy nhiên, cháu vẫn sốt cao liên tục, nhức mắt, đau mỏi toàn thân nên gia đình đưa cháu đi khám, được các bác sĩ cho nhập viện theo dõi SXH. Sau nhập viện, xét nghiệm tiểu cầu giảm, ban xuất huyết đỏ rực hai chân, được xác định mắc SXH.
Bác sĩ cho biết SXH ở trẻ nhỏ thường nhẹ, tuy nhiên vẫn có tỷ lệ biến chứng nặng. Các cảnh báo nguy hiểm cần lưu ý, sẽ xuất hiện vài ngày sau khi trẻ bị sốt cao: đau bụng, chảy máu cam, tiêu chảy, tiểu ra máu, đau hạ sườn phải (gợi ý tổn thương gan).
Ngoài ra bác sĩ cũng khuyến cáo, sau đợt sốt cao nếu trẻ bị mệt nhiều, dù không thấy biểu hiện bất thường bên ngoài thì cũng có thể đó là biến chứng nguy hiểm do SXH. Khi đó, ngoài việc mất điện giải do sốt cao liên tục, có thể là tình huống bị tràn dịch màng phổi, màng tim mà khi khám bên ngoài khó phát hiện, chỉ siêu âm mới thấy hình ảnh dịch tràn chèn tim - phổi gây khó thở. Đây là biểu hiện của tình trạng thoát dịch ra ngoài tế bào, nguy hiểm cho sức khỏe. Các biến chứng nguy hiểm nói trên do SXH thường xuất hiện vào ngày thứ 4 - 7 sau khi sốt cao liên tục.
Tại thời điểm có dịch SXH, người nhà cần đặc biệt lưu ý khi trẻ bị sốt cao đột ngột. Các bác sĩ khuyến cáo thêm, việc truyền dịch khi trẻ bị sốt cao do SXH cần được thực hiện ở cơ sở y tế đủ điều kiện, theo chỉ định của bác sĩ và cần được theo dõi sát sao để xử trí kịp thời trong tình huống có tai biến (sốc).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.