Theo bà, năm màu sắc của bánh chưng cũng tựa như năm màu của món xôi ngũ sắc vùng cao, là đại diện cho ngũ hành tương sinh, cầu một năm ấm áp, thuận lợi.
Ngay từ những ngày đầu dựng nên ngôi nhà của riêng mình, mẹ tôi đã trồng trong vườn một khóm cây dong để tết gói bánh chưng. Ngoài ra, bà còn trồng một số cây tạo màu tự nhiên nữa, như cây cẩm, gấc, riềng, lá nếp, để sắc màu của bánh chưng góp phần khiến mâm cỗ thêm hấp dẫn.
Không cầu kỳ như một thứ nghi lễ, nhưng “lễ gói bánh chưng” của mẹ tôi được thực hiện khá cẩn trọng. Dù những năm tháng khó khăn, phải đi cấy cả ngày để hoàn thành việc đồng áng trước tết, những ngón tay tê cứng vì ngâm bùn mấy tiếng đồng hồ, tối về mẹ vẫn dành thời gian để “tạo màu” cho nồi bánh chưng của mẹ.
Những quả gấc chín đỏ từ mùa thu được mẹ để dành trên gác bếp, nay bổ ra lấy ruột ngào với gạo nếp vo sạch, ngâm đủ nước căng mọng. Lá cẩm tím để tạo màu tím, lá riềng hoặc lá nếp giã nhỏ lọc lấy nước màu ngâm cùng gạo để tạo màu xanh (mẹ trộn cả bột lá riềng mịn nữa thì màu bánh mới xanh đẹp mắt), nghệ tạo màu vàng tươi được mẹ tôi ưng nhất, và gạo nếp trắng nguyên bản truyền thống.
Vậy là mẹ đã có năm màu: đỏ, tím, xanh, vàng, trắng. Sau khi chia năm phần gạo với năm màu riêng biệt, mẹ bắt đầu chuẩn bị nhân đỗ xanh đồ chín, tán nhuyễn, nắm thành từng nắm nhỏ cho mỗi chiếc bánh; thịt lợn cắt miếng to dài, đều nạc mỡ; lá dong xanh ngắt rửa sạch, lau khô, lạt giang tước mỏng…
Bánh chưng ngũ sắc mẹ tôi không gói cả năm màu trong một chiếc bánh, mà gói riêng biệt. Mỗi loại có một cặp nhỏ vuông, tròn, tượng trưng cho trời, đất theo quan niệm dân gian để dành thờ tổ tiên. Những chiếc bánh vuông chằn chặn hay hình ống dài, tròn trịa được xếp ngay ngắn trong nồi. Dưới đáy nồi mẹ xếp một lớp dày lá dong cắt thừa và cả lá hái ngoài vườn. Lá không chỉ giúp bánh không bị bén đáy nồi khi nấu, mà còn khiến bánh chưng có mùi thơm đặc biệt không lẫn vào đâu được. Trong một tản văn về Hà Nội những mùa tết xa xưa, nhà văn Đỗ Phấn viết: “Chẳng có mùi gì ấm áp no đủ cho bằng mùi bánh chưng mới vớt vào lúc sáng sớm. Ngầy ngậy mùi đậu xanh, mỡ lợn. Sực nức mùi nếp cái quyện lấy mùi lá dong lót đáy nồi chống bén lửa” là vậy.
Mùi của tết trước hết chính là mùi bánh chưng, sắc màu của tết trước hết là màu của những tấm bánh chưng xanh truyền thống. Dẫu ai có chê bai bánh chưng rườm rà, hay khoác “gánh nặng” tư tưởng tổ tiên, thì bánh chưng vẫn là hồn của tết. Không còn bánh chưng, tết chẳng có hồn.
Mẹ tôi chỉ nghĩ đơn giản như thế, nên cả chục năm gần đây, dù quanh xóm người ta không còn rủ nhau đến gói bánh và mượn nồi luộc bánh những ngày áp tết, mẹ vẫn gói những tấm bánh chưng màu sắc và nổi lửa nấu bánh trước giao thừa. Khi trời đất giao hòa, không gian tĩnh lặng, những chiếc bánh chưng sắc màu của mẹ được vớt ra từ bếp lửa rực hồng, từ chiếc nồi nghi ngút hơi nước thơm quyện mùi no ấm.
Bình luận (0)