Những chốt kiểm soát dịch bệnh mọc lên. Người quen, họ hàng thân thuộc, thông gia sui gia chỉ có thể liên lạc hỏi thăm nhau hoặc gửi rau củ quả, cá mực từ Hội An ra Đà Nẵng tiếp tế bằng những chuyến xe chở thực phẩm ưu tiên và tài xế đã chích ngừa, đã test âm tính. Thế nhưng xe cũng chỉ được dừng lại ở chốt đầu tiên vào cửa ngõ Đà Nẵng. Từ đó, các shipper chạy xe máy, cũng đã được phép nhờ chích ngừa, nhờ test âm tính mỗi lần vài trăm ngàn với giá trị chỉ trong 72 giờ, chở tiếp thùng hàng đó vào nội thành. Khó khăn vậy, nên ăn được con cá, bó rau từ Hội An gửi ra là cả một công khó, tốn kém và cả những giọt nước mắt rưng rưng vì cảm động.
Rồi Đà Nẵng kiểm soát được dịch. Hội An thì giảm dần các chốt nội thành để mở hẳn các chốt ra vào thành phố. Rồi lại phát hiện ca nhiễm cộng đồng, lại phải “tái khởi động” các chốt kiểm soát. Rau quả, nông sản cả cá mực có đó mà không tiêu thụ được, phải tìm mọi cách “giải cứu”…
Đến đầu tháng 10, khi dịch lắng xuống, Quảng Nam và Đà Nẵng đã thống nhất được các biện pháp kiểm tra, dân chúng vui mừng xôn xao trên mạng xã hội. Người ở Quảng Nam bắt đầu chạy ra Đà Nẵng bán các loại hàng hóa tươi sống hoặc đi làm ở các công trình xây dựng. Người Đà Nẵng nối đuôi nhau về thăm ông bà, cha mẹ, mồ mả tổ tiên sau mấy tháng không ra khỏi nhà…
Có những chuyện nhỏ nhặt hơn mà ít người chú ý, như trước khi dịch bùng phát, những tiếng rao “Bắp nấu đây, chả đây, bánh chưng đây” thường văng vẳng trên các phố đến 12 giờ đêm và bắt đầu từ 4 giờ sáng, thường là của những bà con Hội An ra mưu sinh hằng ngày bằng xe máy. Trong khó khăn dịch giã gây ra, dường như ai cũng quên bẵng những tiếng rao giọng Quảng quen thuộc đó!
Để rồi bỗng sáng sớm nay, trong đợt mưa lớn giữa tháng 10 khắp miền Trung, tôi bỗng giật mình khi nghe tiếng rao “Bắp nấu Hội An đây…” vang lên từ ngoài đường trước nhà. Tự nhiên mắt tôi thay cay xè vì cảm động! Cảm động vì cuộc sống đang hồi sinh chỉ qua những tiếng rao hàng của bà con cần lao đang mưu sinh ấy!
Trong niềm cảm xúc ấy, tôi chạnh nhớ đến cái bút ký nổi tiếng của Nguyễn Tuân viết về Cửa Đại hồi những năm 30 của thế kỷ trước: “… tiếng rao của những người bán quà rong có những thổ âm riêng, đã làm cho tôi cảm động hơn hết mọi cái gì của vùng đất ấy… Nhớ được cái mùi của một nơi, người ta rất còn nên nhớ tới một cái tiếng của một nơi nữa…”.
Thương sao tiếng rao giọng Quảng của người Hội An, mà ba tháng dịch giã tôi cơ hồ cũng quên đi!
Bình luận (0)