Nhàn đàm: Chuyện người thầy

21/11/2021 06:15 GMT+7

Tôi nhớ có lần đọc bài viết của nhà văn Thanh Ứng, ông kể: ngày mới đi dạy học, người hiệu trưởng dặn các thầy giáo trẻ rằng: để được học trò và phụ huynh kính trọng thì các thầy cũng phải gọi nhau là thầy.

Tôi cũng từng có một thời gian dạy trong môi trường đào tạo giáo viên sư phạm bậc THCS. Có lần, khi hướng dẫn sinh viên tập giảng, thấy tôi gọi cậu sinh viên đang lóng ngóng đứng trên bục giảng là “thầy”, sinh viên cười ồ lên, tôi bảo: Nếu các em không dành cho bạn mình sự trân trọng ấy thì đến lượt các em khi đứng trên đó cũng không thể tự tin giảng được. Sau này, khi đã chuyển nghề khá lâu, lúc gặp lại những người đồng nghiệp, họ vẫn gọi tôi là thầy. Chắc họ có cùng suy nghĩ như người hiệu trưởng mà nhà văn Thanh Ứng đã kể. Bản thân chúng ta phải học cách làm thầy, học cách tôn trọng những người thầy khác mới mong được học trò và xã hội tôn trọng.

Gần đây, tôi thấy nhiều báo cáo viên, giảng viên thường bắt đầu bài giảng của mình bằng hai từ “chia sẻ”. Chia sẻ thì khác với truyền đạt mà chỉ là đưa ra quan điểm của cá nhân trong vấn đề này, lĩnh vực kia. Bạn bè ngang vai, đồng tuế, đồng môn… thường mới chia sẻ.

Nhiều lần gặp lại các thầy, cô giáo ở một trung tâm ngoại ngữ nơi tôi đã từng học, thấy họ đều gọi tôi là “anh”, xưng “em”. Theo họ giải thích thì giờ chỉ còn là quan hệ xã hội, không như lúc trong lớp.

Tại sao lại tồn tại những câu chuyện nghịch lý như thế? Cách nhìn của xã hội hôm nay đã thoáng hơn hay trong một xã hội học tập, việc hôm nay bạn là thầy, mai bạn đã lại là trò, thậm chí sẽ học chính học trò cũ của mình… là việc hết sức bình thường chăng?

Cuối cùng, tôi đã tìm thấy câu trả lời. Cách đây ba năm, sau khi dự một buổi tập huấn do một người thầy cũ của tôi đứng lớp, lúc ra về, thầy bảo: Mình đã làm thầy cậu hai thập kỷ rồi, dạy cũng đã nhiều, học cũng đã đủ, lễ nghĩa cũng đã trọn vẹn. Có lẽ từ mai cậu chỉ cần gọi mình bằng anh. Mình thấy sống như thế thanh thản, thanh thản như lúc mình rời quyền hành, chức tước để về hưu. Cho người thầy này “nghỉ hưu” trong lòng cậu nhé…”. Lần này, tôi không thể vâng lời thầy bởi tôi lại nhận được một bài học thấm thía nhất, quý giá nhất từ thầy. Tôi biết thầy vẫn đăng ký học ngoại ngữ và chữ Hán - những đam mê mà bao năm thầy không có thời gian học được - ở gần nhà. Thầy càng khiêm nhường, thanh thản để học hỏi những điều chưa biết thì càng khiến học trò kính trọng và thầy được đề cao.

Cũng như pháp luật, giáo dục cần được thượng tôn, giáo dục (với nghĩa rộng) có ảnh hưởng đến tất cả mọi thành phần xã hội, mọi lĩnh vực trong đời sống chứ không chỉ bó hẹp trong trường học. Chúng ta có thể học dù không đến trường, bài học có thể vô ngôn nhưng thật sự giá trị.

Cuộc cách mạng 4.0 có lẽ còn tiến xa nữa. Đến lúc nào đó con người có thể chỉ cần học kiến thức qua trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence), liệu nghề dạy học có thể chỉ còn là dịch vụ hướng dẫn hoặc cung cấp thông tin chăng?

Tôi tin là không, vì chúng ta còn cần những người thầy truyền cảm hứng cho cuộc sống…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.