Cha mẹ mừng vui rơi nước mắt, nhắc nhở tôi luôn cố gắng học hành cho thành đạt. Mặc dù bốn năm không dài nhưng từ trong sâu thẳm, Đà Lạt như một phần ký ức chẳng thể phai mờ trong tâm trí của tôi.
Hồi đó chưa có con đường nối liền Khánh Hòa với Lâm Đồng. Những chuyến xe đò thô sơ cũ kỹ, lỉnh kỉnh hàng hóa và ken kín người, chạy vào ngã ba Phan Rang theo quốc lộ 27 rồi vượt đèo Sông Pha để lên Đà Lạt. Đây là một trong những đèo núi đẹp nhất Việt Nam. Con đường men theo những vách núi dựng đứng, nhiều khúc quanh cánh chỏ rất gấp, dài hơn 18 km, đỉnh đèo ở độ cao 980 m so với mực nước biển, nối liền hai huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) và Đơn Dương (Lâm Đồng). Không tránh khỏi những lo lắng sợ hãi nhưng cũng thật thú vị khi lên đèo. Hai kiểu khí hậu đối lập nhau rõ rệt. Bao nhiêu ngột ngạt nóng bức như rũ bỏ hết ở phía sườn đông thung lũng Ninh Sơn, thay vào đó là khí hậu ôn đới mát mẻ, trong lành giúp con người cảm thấy khoan khoái dễ chịu hẳn khi lên cao nguyên Lang Biang. Tiếng thở dài hổn hển, tiếng than vãn nắng nóng mùa hè, tiếng quạt nan phành phạch của hành khách, bởi xe xưa chưa có máy lạnh; đã nhường chỗ cho tiếng vi vút của ngàn thông bạt ngàn xanh mướt, tiếng gió thổi lá reo, tiếng xạc xào của mưa rơi trên đèo vắng, kể cả tiếng rùng mình kéo nhẹ chiếc áo khoác cao hơn cho kín cổ. Hùng vĩ hiểm trở nhưng thơ mộng trữ tình.
Đối với tôi, Trường đại học Đà Lạt vẫn còn biết bao nhiêu kỷ niệm. Ngôi trường tọa lạc trên ngọn đồi thông thoai thoải, khuôn viên rộng chừng 40 ha. Con đường từ cổng vào xanh rợp bóng cây, rừng thông trong vườn trường tỏa bóng đêm ngày nô nức vi vu, chỗ nào cũng có sắc hoa thay đổi theo từng mùa. Mùa xuân, hoa anh đào phớt hồng kiêu sa đài các. Mùa hè, phượng tím ngẩn ngơ nhung nhớ điều chi. Mùa thu, mimosa vàng tươi nhu mì, e thẹn. Mùa đông đã có dã quỳ bình dị điểm tô. Đâu đâu cũng rợp sắc hoa, suốt cả bốn mùa đều rực rỡ. Nhưng riêng tôi, nỗi nhớ về nơi này là những khu giảng đường vừa bề thế khang trang vừa trầm tư vẻ u hoài tĩnh lặng. Dù có đông người chăng nữa, chúng ta vẫn nghe được tiếng trái thông rơi, tiếng sột soạt của chiếc lá khô vừa lìa cành hay tiếng chim lảnh lót trong vòm lá. Ai cũng đều có chung ý thức giữ gìn sự thanh bình cho chốn này. Phải chăng khí hậu của vùng cao nguyên ôn hòa hun đúc hay là do con người đã tiếp nhận một vốn văn hóa đủ đầy để tạo nên sự lịch lãm, bặt thiệp? Tuổi già, quý thầy đã nghỉ ngơi nhưng những vần thơ, lời giảng vẫn luôn còn văng vẳng bên ngàn tán thông xanh, theo tôi suốt quãng đời đi dạy học. Tôi luôn tự hào mình là sinh viên Văn khoa của Đại học Đà Lạt.
Xa Đà Lạt đã hơn 20 năm, tôi vẫn lặng lẽ dõi theo từng bước đi và vui buồn cùng phố núi ngàn hoa.
Bình luận (0)