Nhàn đàm: Dành dụm cho những ngày sau

16/06/2024 08:30 GMT+7

Hôm bữa, mạng xã hội đăng một bộ phim truyền hình có cảnh diễn viên ăn bánh quy bơ Danisa. Bên dưới bài chia sẻ, nhiều khán giả bình luận câu bông đùa: Tại sao trong hộp Danisa lại có bánh quy, trong hộp đó phải có kim chỉ chứ!

Quả thật vậy, một trong những "cú lừa" đáng nhớ nhất tuổi ấu thơ của mấy đứa trẻ quê nghèo chính là, trong hộp bánh quy lại đựng kim chỉ, cúc áo chứ không hề có miếng bánh nào.

Dường như, những người thuộc thế hệ đi trước sinh ra trong nghèo khó nên ai cũng học cách "để dành". Nhất là dân miền Trung quê tôi, mỗi năm quằn lưng gánh hàng chục cơn bão gió tốc mái sập nhà trôi hoa màu. Cả đời họ tiết kiệm, tằn tiện, chưa ăn xong bữa nay đã lo bữa mai. Mùa nắng mua được mớ cá biển tươi rẻ sẽ đem phơi khô hoặc muối mắm để tới ngày lụt có cái cầm cự qua cơn đói. Khoai lang, ang lúa, đậu mè, đều chỉ ăn một nửa, còn một nửa trữ lại cho mùa sau. Tranh thủ tháng nắng chặt phơi củi, cắt lá dừa, gom góp lá dương liễu trữ sẵn đầy góc bếp đặng chụm lửa lúc trời chuyển mưa bão.

Hồi tôi còn ngồi trên ghế nhà trường, cứ cuối năm học sẽ có dăm ba quyển vở cũ còn trống vài trang chưa chép kín bài. Má tôi thường rọc những trang giấy trắng đó và đóng thành quyển vở mới để tôi làm tập nháp ghi chép. Ngay cả tờ lịch cũ xé khỏi quyển lịch, má dùng ghim bấm lại và lấp đầy bằng vô vàn con số tính tiền lời lỗ của buổi bán mua bên gánh hàng rong cực nhọc. Giảm bớt chi phí cho thứ này sẽ tăng thêm được chút tiền cho thứ khác. Má đong đếm, tích cóp từng đồng cốt yếu để đám con được thêm bữa ăn ngon và học hành tới nơi tới chốn.

Vì cái lẽ phải dành dụm, nên hộp bánh quy, thùng cạc tông, nồi nhôm bị thủng, vỏ lon sữa bò hay cái bao ni lông sạch đều được giữ lại để đựng đồ. Đối với người nhà quê, hầu như không có gì là vô tích sự cả. Chỉ cần biết cách tận dụng, cho dù là vật tưởng như bỏ đi thì vẫn có giá trị nào đó. Phải chăng con người cũng giống thế, không có ai là bất tài vô dụng, chỉ cần ta nhận ra sai lầm để sửa chữa, biết thế mạnh để phát huy.

Đi qua thời nghèo khó, má tôi vẫn giữ nguyên thói quen chắt chiu như ngày trước. Mấy bộ quần áo tôi mặc chật được má giặt sạch thơm tho gấp gọn cất tủ. Má biểu, cứ để dành sau cho mấy đứa cháu mặc. Nhưng cháu nào mặc lại đồ cũ khi thời trang mỗi ngày một thay đổi. Có lần, tôi tình cờ nhìn thấy chiếc áo đồng phục lớp cũ được má xếp cẩn thận, lòng chợt bồi hồi nhớ tới tuổi học trò khờ dại. Hóa ra, có những món đồ không chỉ để sử dụng, mà còn là nơi ghi dấu kỷ niệm về quãng đời đã qua.

Ngoài cất giữ mấy món đồ cũ, má cũng lưu lại bao câu chuyện xưa. Lần nào về nhà, tụi tôi cũng được nghe má kể về hồi xa lắc. Có chuyện cũ mèm cũ rích nhưng má cứ nói hoài chẳng chán. Nhiều khi đám con bận bịu quên bẵng, may nhờ má nhắc nhở mọi điều lớn nhỏ. Có lẽ, nếu thiếu đi những người lưu giữ ký ức như má tôi thì cuộc đời này sẽ vắng biết bao điều tốt đẹp.

Những điều giản đơn mà má chỉ dạy mỗi ngày, đã lớn dần thành tính cách của chị em tôi lúc trưởng thành. Cũng hiểu mưa dầm thấm lâu, cũng biết tiết kiệm, chắt chiu cho thế hệ sau này. Tình yêu thương má dành dụm cho chúng tôi, qua thời gian càng lớn thêm, hệt như một cái cây ủ từng chút nhựa sống nuôi trái tới ngày chín ngọt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.