Nhưng chỉ vài hôm sau, thấy ông trầm tư: “Hôm có sách mới về, nghe chúng khao nhau: vội đến đây nên vượt đèn đỏ làm một bà cụ đi xe đạp té ngã; có đứa thì vội lao xe qua vũng nước làm té ướt mấy đứa trẻ mặc đồng phục đến trường… tôi nản quá”.
Tôi thì vẫn tin sách còn có lời ngoài chữ. Chỉ khi sự đọc không vụ lợi, người đọc mới cảm được những điều tinh túy trong lời ấy. Bạn đừng nghĩ rằng tất thảy người đang cầm sách trên tay đều không còn tham, sân si; tất cả những ai đang đọc sách đều không chút mưu cầu…
Chúng ta đang tôn vinh, khích lệ việc đọc và văn hóa đọc. Nhưng, đọc như thế nào thì đâu phải chỉ cần mở quyển sách ra và đọc hết các ký tự là xong việc. Đọc có đường hướng, cách thức, đọc có hệ thống và hơn hết nó còn là một nhu cầu nhận thức của mỗi người. Nhận thức chính là lối đi, là chính kiến, là ước mơ và cũng là nền tảng để lập ngôn. Nếu bạn say mê kinh doanh, bạn hãy đọc: Khác biệt để bứt phá của Jason Fried và David Heinemeier Hansson; Dám thất bại (Dare to Fail) của Billi Lim; Kinh tế học hài hước của Steven D.Levitt, Stephen J.Dubner… và ứng dụng nó ngay vào việc kinh doanh của mình. Nhưng nếu để hiểu sâu về văn hóa trong kinh doanh, xây dựng một thương hiệu bền vững, có lẽ bạn cần phải nhẫn nại đọc sâu từ Nho giáo, khoa cử, lịch sử, dân tộc học… để hiểu tâm tính, thị hiếu người Việt như thế nào.
Những góc đọc nhỏ ở xóm, phố; thư viện cá nhân đang giành giật lại thời gian ít ỏi của những đứa trẻ trước mạng xã hội Facebook, YouTube và TikTok… Có điều, các bậc phụ huynh đừng vội coi mạng xã hội là kẻ thù; đừng vội thấy con quay đầu lại với sách đã là… bờ. Không có một phát minh mới mẻ nào ra đời chống lại sự phát triển của nhận thức nếu chúng ta biết dùng nó. Mạng xã hội sẽ là sách nếu biết bản thân mình cần gì ở đó. Còn nếu như, chỉ coi sách là tấm lá chắn, ỉ lại vào một mớ kiến thức rời rạc, những đứa trẻ lớn lên đâu thể kháng cự lại với cạm bẫy của cái ác và dục vọng.
Nhiều lần, ngồi đàn đúm với những người đeo kính cận dày cộp, tôi thấy họ tranh nhau nói về sách. Nghe họ nói, thấy choáng đến mức chỉ muốn chạy về nhà và vùi đầu vào sách để đọc như một sự hổ thẹn. Nhưng bình tĩnh ngẫm lại thấy suy cho cùng đọc là sự nhận thức tự thân. Tự thân bao giờ cũng khiêm nhường, điềm đạm chứ không thể “phàm ăn, tục uống” trước “bữa tiệc” sách.
Đã bao giờ bạn tự hỏi: Đọc nhiều, biết nhiều để làm gì? Nếu không sắp xếp sự hiểu biết đó thành hệ thống thì cái đầu của chúng ta chỉ còn hỗn độn, rối rắm như một sọt rác. Chắc hẳn, khi đặt dấu chấm cuối cùng khép lại trang viết, chẳng người viết sách nào muốn như thế...
Bình luận (0)