Nhàn đàm: Dừa khô rụng gió trong vườn

21/01/2024 08:30 GMT+7

Mới đầu tháng mười một âm trời đã lạnh. Cái tiết trời miền Trung cũng giống như người, rõ ràng phân định.

Nắng hạn khô cằn tháng tư tháng năm, bước qua tháng chín bắt đầu mưa nhão đất, cận kề tháng chạp thì lạnh cắt da. Đêm, lẫn trong tiếng dơi vỗ cánh bay đi tìm quả chín, là tiếng dừa khô rụng gió trong vườn. Má kêu mai đứa nào ra lượm trái, gom lại, má làm dầu để dành ăn tết. Chẳng biết đêm má ngủ được bao nhiêu, mà má nói bao nhiêu thì y như rằng sáng ra tôi nhặt đúng chừng ấy quả.

Tuổi thơ của tôi đã từng quẩn quanh với những niềm vui bình dị như vậy.

Sau những đêm rụng gió, thì nơi góc nhà dừa khô ngày một nhiều hơn. Có trái rụng từ tháng hai, tháng ba, nằm phía trong cùng, đến khi má mang ra đã lặng lẽ lên xanh. Cha mang ra trồng, mảnh vườn cứ dày lên thêm, theo đúng kiểu vườn cây tạp, có cây gì trồng cây đó, trống chỗ nào trồng chỗ đó. Sáng mười một lạnh se, má kêu mấy anh em lấy dừa ra sân, cha chặt trái nào thì chia nhau cạy phần cơm dừa. Má dùng một tấm tôn đục nhiều lỗ li ti, mài từng miếng cơm dừa để vắt lấy phần nước cốt. Gặp những quả rụng lâu hơn, bên trong có phổi dừa trắng phau, ngọt thanh và mộng nước, mấy anh em háo hức ngập tràn.

Rồi má đổ hết nước cốt vào một nồi đồng lớn, dùng chính những chiếc muỗng dừa khô vừa lột, nhóm lửa nấu dầu. Khi phần vỏ dừa vừa cháy hết, phần sọ đã đượm than thì dầu cũng bắt đầu sôi réo rắt, mùi dầu dừa lên thơm quấn quít. Má liên tục khuấy đều cho khỏi cháy đáy nồi, để phần dầu nổi lên không trắng non cũng không già màu hổ phách. Má vớt lớp dầu đổ vào những chiếc chai to nhỏ khác nhau, dầu tới vừa độ ánh lên màu vàng nhạt. Sau khi đã chắt lọc hết dầu, má cho một ít mật đường vào phần dừa kết lại là thành món "kẹo dừa" ngon đến mức cho đến tận bây giờ, chỉ cần nhớ lại khung cảnh bình yên ấy, tôi tưởng chừng như dư vị tuổi thơ kia vẫn còn đọng lại nơi đầu lưỡi.

Mấy chai dầu má nút kỹ miệng bằng lá chuối khô, chỉ qua ngày hôm sau, dưới cái se sắt lạnh đã đông lại thành sáp trắng, má cất kỹ vào cũi bếp, như của để dành. Và bao giờ má cũng để riêng một chai mang sang cho bà lão cạnh nhà. Bà lão không dùng dầu để nấu ăn, mà để bôi lên mái tóc đã bạc như sương gió!

Mỗi lần nấu cơm, má lấy chai dầu bỏ gần bếp, khi nồi cơm vừa sôi tràn miệng, vần xuống tro than thì phần sáp trong chai hấp hơi nóng cũng đã loãng tan. Mùi dầu dừa khi đã tới lửa, có mùi thơm đặc trưng. Vậy nên cứ chiều chiều, khi khói bếp vừa kịp vờn qua mái tranh mang theo hương thơm quấn quít như tín hiệu gọi về ăn cơm, lũ trẻ chăn bò chúng tôi đã réo gọi nhau lùa bò về nhà.

Qua biết bao nhiêu mùa nắng mưa sương giá, cũng đến lúc chúng tôi đi xa nhà, nơi góc vườn đám dừa khô vẫn âm thầm rụng gió. Tháng năm như gió thoảng, rồi cũng đến lúc đôi vai cha và má gầy như vệt khói, để những quả dừa khô mặc nhiên lên xanh mà không còn ai gom nhặt. Ngày làm đường bê tông nông thôn mới, hiến bao nhiêu đất vườn cũng được nhưng phải chặt đi hàng dừa lão, chúng tôi rưng rưng nhớ. Dẫu biết không có gì mãi mãi nhưng có những thứ đã trở thành một phần ký ức ấu thơ thì không dễ quên. Để có những khi trở về nhà bên mái nhà xưa cùng cha và má, trong khuya hun hút, tưởng chừng như vẫn vẳng nghe tiếng dừa khô rụng gió hôm nào...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.