Nhàn đàm: Ghi chú nhỏ về sách

26/06/2022 08:30 GMT+7

Dù công việc không liên quan nhưng thỉnh thoảng tôi và Vinh vẫn ngồi cà phê với nhau, cùng nhau trò chuyện về những cuốn sách mà mình vừa đọc, hoặc những cuốn sách sắp sửa ra mắt.

Một lần, tôi bất ngờ khi Vinh bảo cậu đã đọc Rừng Na Uy - một trong những tiểu thuyết gây tiếng vang của nhà văn Haruki Murakami - tới 5 lần. Mỗi lần đọc, lại có những cảm nhận khác nhau, nhưng tựu trung là cảm giác hài lòng và thích thú. Vinh còn nói, một lúc nào đó sẽ lại đọc tác phẩm này.

Tôi không nhớ chính xác Rừng Na Uy được xuất bản ở Việt Nam vào năm 2007 hay 2008, chỉ nhớ lúc đó tôi đang là sinh viên. Vào thời điểm đó, tác phẩm đã gây ra cơn sốt không nhỏ, nhất là với giới trẻ. Dù dày đến hơn 500 trang nhưng ngày ấy, tôi say sưa đọc Rừng Na Uy mà tuyệt nhiên không có cảm giác chán nản hay mệt mỏi. Càng thích thú hơn là vào những đêm mùa đông, khi không còn phải lo lắng chuyện bài vở, trong căn phòng chật chội ở ký túc xá, tôi cuộn tròn trong chăn ấm rồi chậm rãi thưởng thức từng trang sách, mường tượng ra những cuộc đối thoại giữa Naoko, Toro và Midori…, thấy tuổi trẻ của mình bắt đầu có những vụn vỡ.

Thấm thoát cũng hơn 10 năm rồi. Thú thực là có đôi lần tôi tự nói với mình, sẽ thu xếp thời gian để đọc lại, không phải để hồi nhớ tuổi trẻ đã trôi dạt về khung trời nào đó, mà Rừng Na Uy xứng đáng là tác phẩm được đọc lại. Biết vậy nhưng cuối cùng ý định đó vẫn chưa thể thực hiện.

Thỉnh thoảng, tôi lại nhận được câu hỏi “Cuốn sách này hay không?”, hoặc “Thế nào là một cuốn sách hay?”. Thực ra, tôi cũng đã từng mang câu hỏi này đi hỏi bạn bè khi có nhu cầu tìm đọc một cuốn sách nào đó. Mỗi người sẽ có một quan niệm về chữ hay khác nhau, đôi khi với người này là hay nhưng với người khác thì không như vậy, và ngược lại. Trước, tôi từng tỏ thái độ khó chịu khi thấy ai đó khen một cuốn sách mà tôi cho rằng không hay: “Tại sao cuốn sách như vậy mà khen lấy cho được!”. Sau này, tôi ít nhiều bỏ được tật phán xét một người qua cuốn sách mà họ đọc. Mỗi người có một lý do riêng khi tìm đến một cuốn sách nào đó. Đôi khi, họ tìm thấy trong sách một sự đồng điệu, hay một giải pháp giúp mình tháo gỡ vướng mắc của hiện tại. Khi đó, sách không chỉ hay mà còn hữu ích nữa. Và sự hữu ích này, nhiều khi còn quan trọng hơn cả chữ hay kia.

Sau nhiều năm đọc sách, cũng như quan sát từ những người xung quanh, dần dần, tôi cũng tự tìm thấy câu trả lời cho mình. Theo đó, một cuốn sách khiến ta đọc đi đọc lại nhiều lần vẫn không chán - như trường hợp Rừng Na Uy của Haruki Murakami, hẳn nhiên là một cuốn sách hay. Hoặc, những cuốn sách hiện lên trong đầu trước tiên khi được hỏi. Với tôi, ngay lúc viết những dòng này, thì đó là Hãy chăm sóc mẹ, Người ăn chay, Nỗi buồn chiến tranh, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Xa ngoài kia nơi loài tôm hát, Chú bé mang pyjama sọc, Và khi tro bụi

Còn nữa, một cuốn sách hay theo tôi, nhất thiết phải mang đến cho người đọc sự chia sẻ, đồng cảm với nhân vật hoặc với câu chuyện; hướng người đọc đến những điều đẹp đẽ, nhân ái. Thức tỉnh một người nào đó đang chìm đắm trong sai lầm, tuyệt vọng hay đang manh nha trong đầu những ý nghĩ xấu xa, ác tính; thì cũng nên được xem là một cuốn sách hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.