Bạn hỏi tôi sao lại thích nghe tiếng chuông nhà thờ đúng mùa này, mà không là mùa khác? Sài Gòn những ngày mùa đến, mùa đi, chẳng phải mùa nào cũng có nét đẹp riêng đó sao? Có những thứ chỉ cảm nhận mà chẳng lý giải bằng ngôn từ được, như cách mà người ta đem lòng thương một ai đó, đâu cần có lý do? Hẳn trong cõi lòng mình cũng có những niềm hân hoan không cần lý do như thế, để chỉ cần nghe tiếng chuông ngân lên mỗi độ cuối năm, từng ký ức tươi đẹp lần lượt được gọi tên.
Còn nhớ những buổi sáng ở quê trời rét căm căm. Khi ấy, nhà tôi chưa có đồng hồ nên ngày mới bao giờ cũng bắt đầu bằng tiếng chuông kinh coong ở ngôi thánh đường cách nhà khoảng 700 m. Chỉ cần nghe tiếng chuông nhất ngân lên lúc 4 giờ, các anh chị tôi bật dậy và công việc đầu tiên là đến nhà thờ trước khi chuông hai ngân lên báo tin thánh lễ lúc 4 giờ 30.
Sau tiếng chuông gõ đều đặn đúng 4 giờ mỗi sáng ấy là nhạc Thánh ca ngân lên. Từ tháp chuông, 4 chiếc loa xoay bốn hướng, đủ để cho cả xóm đạo thưởng thức những ca khúc Thánh ca bất hủ. Tôi cũng bắt đầu yêu giọng hát nhẹ nhàng, truyền cảm của ca sĩ Ngọc Lan từ khi ấy. Chất giọng du dương của Ngọc Lan dường như sinh ra để hát những ca khúc Thánh ca. Suốt những năm tuổi thơ, tôi chỉ nghe đúng giọng hát của cô ca sĩ ấy.
Cho đến một ngày, trong thánh lễ buổi sáng, vào giờ giảng, cha xứ thông báo với giáo dân một tin buồn: ca sĩ Ngọc Lan đã vĩnh viễn ra đi (năm 2001). Sau thánh lễ hôm ấy, tôi nhìn mãi lên tháp chuông mà lòng bùi ngùi không thể tả. Lần đầu tiên cảm nhận được rõ rằng mình đang ở cõi tạm. Con người rồi sẽ trở về với cát bụi…
Ký ức về tiếng chuông còn là những ngày chân ướt chân ráo bước vào tòa soạn báo đầu tiên làm việc, được giao đi viết bài đúng sở thích: viết về nhà thờ cổ ở thành phố. Ôi chao là háo hức.
Tôi chọn nhà thờ Chợ Quán ở Q.5. Việc tìm tư liệu viết bài không dễ dàng gì, nhưng đó là cơ hội để tôi lang thang từng ngóc ngách trong khuôn viên nhà thờ trong những ngày trời thật đẹp, và cả để hỏi thăm thông tin, chụp ảnh… Trong tiết đông lãng đãng có vài hạt mưa bay, tôi đứng bên hông thánh đường hình dung ra cô gái trong Tuổi đá buồn của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Đi về giáo đường/Ngày chúa nhật buồn/Còn ai còn ai…". Cả nỗi buồn cũng là những hình ảnh đẹp đến nao lòng.
Trong sân giáo đường ngày nắng nhạt, tôi nghe được cha xứ thong thả kể từng câu chuyện về tháp chuông đã hiện diện nơi này hơn 100 năm, đi qua bao thế hệ, và chính cha xứ cũng chỉ được nghe kể lại: Sau khi đón 5 quả chuông được đúc từ Pháp về VN, để vận chuyển 5 quả chuông lên tháp chuông nhà thờ, người ta không chỉ sử dụng sức người hay sức máy mà sử dụng sức của… 5 con voi.
Cũng trên tháp chuông chót vót ấy, ta có thể phóng tầm nhìn bao quát khu vực Q.5 của thành phố. Tôi nghe cha xứ giải thích rằng, trong số 5 quả chuông, 2 chuông để kéo trước thánh lễ mỗi ngày, 2 chuông dùng khi có thánh lễ lớn và một chuông báo tử (khi trong giáo xứ có người qua đời). Duy chỉ những ngày lễ lớn như Noel, Phục sinh, lễ đầu năm… thì mới dùng cả 5 quả chuông cùng một lúc.
Mỗi quả chuông ở từng nhà thờ đều có câu chuyện của riêng mình, và tiếng ngân vang thiêng liêng ấy đã đi vào tiềm thức của tôi từ khi nào, để cho dù đi đến bất cứ đâu, chỉ cần nghe tiếng chuông là thấy lòng tươi vui.
Một mùa Noel nữa sắp tới, tiếng chuông khắp mọi miền sẽ rộn rã vang lên, như lời nguyện cầu cho thế giới bình an!
Bình luận (0)