Nhàn đàm: Làng 'cách biển nửa ngày sông'

19/12/2021 09:00 GMT+7

.

Lúc mới tiếp xúc với bài thơ Quê hương của Tế Hanh, tôi cứ thắc mắc mãi mà không lý giải được câu này: “Nước bao vây cách biển nửa ngày sông”. Vì hầu như làng chài nào cũng ở cạnh biển, thậm chí những ngư phủ chỉ cần bước ra khỏi con thuyền neo đậu ở bến quê là họ có thể đặt chân lên ngôi nhà của mình rồi. Nhưng cái làng Đông Yên của Tế Hanh lại “cách biển nửa ngày sông”. Lạ chưa?

Cho đến khi đặt chân lên làng chài này, ghé thăm nơi Tế Hanh bật tiếng khóc chào đời năm 1921 thì mới vỡ lẽ những điều lâu nay mình không tỏ. Đi một vòng quanh xã Bình Dương mới biết, khác với những con sông ở Quảng Ngãi, sông Trà Bồng đến quê Tế Hanh thì đột ngột khựng lại như để “thăm dò”. Cú phanh đột ngột này đã tách con sông Trà Bồng ra làm hai nhánh. Làng Đông Yên bị các nhánh sông này “ôm trọn vào lòng”. “Nước bao vây” là thế. Nhưng còn “cách biển nửa ngày sông”? Thì đây, một lão ngư ở làng giải thích: “Xưa ông bà chúng tôi đi đánh cá ngoài biển là cho ghe chạy dọc sông Trà Bồng đến cửa Sa Cần. Toàn bộ là chèo bằng tay hoặc giương buồm lợi dụng sức gió mà đi thôi. Từ Đông Yên ra đến cửa Sa Cần tầm 10 cây số đường sông nhưng ghe phải đi hết một buổi”. Một buổi là dân chài gọi, còn nhà thơ thì nói “nửa ngày sông”. Một cách ví von không như phép tính của toán học, chỉ có ở nhà thơ mà thôi.

Làng chài của Tế Hanh vừa “cách biển nửa ngày sông” nhưng cũng cách với những làng bên cạnh không chỉ “nửa ngày” mà có khi cách cả một mùa mưa lũ. Những nhánh sông được tạo ra ở cuối sông Trà Bồng đã biến nhiều làng quê vùng này thành những ốc đảo. Đông Yên là ốc đảo, rồi Đồng Min ở phía đối diện cũng thế. Một cây cầu bắc qua sông Trà Bồng để Đông Yên “nối mạng” với những người hàng xóm ngay trong những ngày mưa lũ này là nỗi khao khát ngàn đời. Nỗi khao khát ấy đã được lớp con cháu của làng biến thành hiện thực.

Cách nhau chỉ 150 m của đôi bờ sông thôi mà vời vợi nghìn trùng vào mỗi mùa mưa lũ. Bây giờ thì đôi bờ Đông Yên - Đồng Min đã không còn cách trở nữa sau khi cây cầu mới vừa bắc qua hôm cuối tháng 11 vừa rồi. Ngày khánh thành cầu, dân làng chài thấy một người phụ nữ đi qua đi lại cầu như một kẻ mộng du. Đó là chị Nguyễn Thị Đáng, người đã gắn với bến đò Đồng Min cả chục năm nay. Hết chèo bằng tay chuyển sang bằng ghe máy, chị Đáng cứ thót tim mỗi bận đưa lũ học trò qua sông vào mùa mưa lũ. “Cây cầu đã chính thức giải phóng cho tôi thoát khỏi nỗi ám ảnh về một bi kịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào”, chị Đáng thú nhận niềm vui với khách tham quan cây cầu. Đò thì có một chiếc mà nhu cầu qua sông rất lớn, lại toàn việc cấp thiết nên nhiều khi người chèo đò đã phải “xé rào”. Hơn ai hết, chị Đáng thấm thía với sự xuất hiện của cây cầu nối đôi bờ Đồng Min - Đông Yên.

Tế Hanh đã đi xa hơn chục năm rồi. Ông không còn chứng kiến niềm vui òa vỡ của người dân quê ông khi có những cây câu bắc qua đôi bờ cách trở. “Con sông quê hương” của nhà thơ vẫn róc rách chảy cùng năm tháng, như chưa bao giờ xưa cũ trong thơ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.