Ngày xuân, bầu trời trắng đục sương mờ, khi ông mặt trời lười biếng ngủ quên trong mây, mặc cho những hạt bụi mưa xuân bay lất phất trong tiết trời lành lạnh, thì chẳng gì thú vị cho bằng ngồi luồn chân trong chăn ấm, trên cái sập gụ, bên cạnh là một đĩa chè đỗ đãi đã xắt miếng nhỏ vừa miệng, bên một chén trà đặc, và một tờ báo tết trên tay đang mở rộng, hoặc một người bạn tri kỷ cùng thò chân vào chăn, trò chuyện miên man không dứt.
Tôi khoái nhất món chè đỗ đãi là bởi vị ngọt bùi tinh tế của nó, vị thơm nguyên chất của đỗ rang chín, kho kỹ, không pha tạp thêm mùi gì nữa cả. Khi bỏ một miếng chè đỗ đãi vào miệng, chưa kịp nhai, nước miếng đã tứa ra trước mùi thơm bùi của đỗ, sự hòa quyện bột đỗ tuyệt hảo với đường hoa mai nóng chảy. Ta sẽ nhai thật chậm rãi miếng chè đã xay nhuyễn, đã quấy kỹ, đã hòa quyện đầy đủ hương vị của đất trời mà cho phép mình thưởng thức miếng ngon đồng quê ấm áp ngọt bùi.
Thuở tôi còn bé tí, vào thập niên 1980, được ăn miếng chè đỗ đãi mềm thơm dẻo bùi là quý hóa lắm. Bởi thời đó nước ta còn nghèo khó, miếng ăn chưa đủ no, miếng ngon càng hiếm. Cả năm tôi nhớ chỉ được vài lần ăn đỗ, vào các dịp gia đình có giỗ, mà xôi đỗ cũng chỉ lèo tèo vài hạt đỗ. Nói chung có được bơ đỗ là rất quý. Thời đó dân ta không cân đỗ mà ở chợ thường đong đỗ bằng ống bơ (lon sữa bò đã dùng, được cắt bỏ phần nắp bên trên, tận dụng làm bơ đong đỗ, gạo).
Mẹ tôi là giáo viên, hằng tháng chỉ được đong gạo theo tem phiếu, không được đong đỗ. Mỗi tháng tiêu chuẩn tem phiếu của mẹ được hai lạng rưỡi đường đỏ hoa mai. Mẹ cất đường rất kỹ, không cho tụi trẻ con chúng tôi lục ra ăn, uống, với lý do để dành đường đến tết nấu chè đỗ đãi. Tết đến, mẹ mang mấy gói đường tiêu chuẩn tem phiếu về quê, chở hai đứa con trên cái xe đạp. Về tới làng Thanh, việc đầu tiên của tôi là đòi mẹ đưa mấy gói đường bọc trong giấy màu nâu, góc đã chảy nước đưa cho bà nội. Bà tôi ước chừng mấy gói đường, rồi ra quyết định sẽ đong bốn bơ đỗ vỡ về làm chè đỗ đãi. Đỗ xay vỡ, còn sót vỏ, được bà nội đổ vào chảo rang nhỏ lửa. Phải chính tay bà nội rang đỗ mới chuẩn, vì rang nhỏ lửa quá thì đỗ lâu chín, và khi chín cũng không đạt độ thơm, bùi. Đun to lửa quá thì cháy đỗ, chè sẽ đắng. Bà nội bảo phải đun lửa tòm tem thì đỗ rang mới thơm ngon.
Tôi yêu dáng bà nội ngồi bên bếp củi, đầu chít khăn mỏ quạ, một tay đảo đều đỗ trên bếp, tay kia đưa củi vào bếp, sao cho ngọn lửa chỉ tòm tem liu riu đáy chảo. Đỗ rang chín thơm khoang bếp, được đổ ra mẹt cho chóng nguội, sau đó bà tôi mới bảo mẹ đem xay đỗ bằng cái cối xay đá. Bột đỗ mịn vàng hường chảy quanh cối, tôi thò tay định bốc ăn thì mẹ đánh mạnh vào cánh tay tôi, không cho ăn quẩn.
Đỗ xay xong, khâu nấu chè lại là của bà nội. Bà trộn bột đỗ với đường thật đều trong cái nồi bảy, thêm chút nước âm ấm, cho đũa quấy đều lên rồi đặt nồi lên bếp lửa liu riu. Bà cứ thế quấy liên tục đều tay, cho đến khi thấy đỗ, đường quánh quện khó đưa đũa thì dụi củi tắt lửa. Từng cái đĩa rắc sẵn vừng rang vàng để quanh cái nong, bà nội đong chè ra đĩa, ấn nhẹ thìa cho phẳng chè, rồi úp ngược đĩa chè vào một đĩa trống khác, thế là được một đĩa chè đỗ đãi nâu vàng, mịn đẹp với lác đác vừng rang điểm trên thật ngon mắt.
Hai đĩa chè đỗ đãi đẹp nhất, đầy đặn nhất được đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên. Các đĩa chè còn lại trong cái nong được khênh lên nhà trên, đặt lên cao trên cót thóc, đậy lại bằng mấy cái tàu lá chuối để tránh ruồi nhặng. Nong chè đỗ đãi này được ăn rả rích cả mười ngày tết. Hai chị em tôi được bà giao cho cái nồi bảy, mỗi đứa một thìa vét nốt chỗ chè còn dính trong nồi, ngon không sao kể xiết!
Bình luận (0)