Theo số liệu tổng hợp của Bloomberg từ báo cáo hàng ngày trên Sàn giao dịch Moscow, lần đầu tiên trong tháng 2, khối lượng giao dịch đồng nhân dân tệ trong nền kinh tế Nga đã vượt qua USD. Còn theo dữ liệu từ hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, trong tháng 2, Nga là nền kinh tế có khối lượng giao dịch nhân dân tệ lớn thứ 4 trên thế giới (không tính Hồng Kông). Con số này thậm chí tiếp tục tăng trong tháng 3.
Quy mô đồng nhân dân tệ trong nền kinh tế Nga
Trước xung đột Nga-Ukraine, hơn 60% xuất khẩu của Nga được thanh toán bằng USD và euro, trong khi nhân dân tệ chỉ chiếm chưa đầy 1%. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga (CBR), sau 1 năm chiến sự, hai đồng tiền mà Nga gọi là "độc hại" nói trên đã giảm tỷ trọng còn chưa đầy một nửa thanh toán cho hàng xuất khẩu của nước này, trong khi đồng nhân dân tệ đã tăng lên, chiếm tới 16%.
Tháng 3 vừa qua, trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có động thái mang tính chất "phê chuẩn" việc tăng cường sử dụng nhân dân tệ trong các giao dịch quốc tế của Nga khi phát biểu rằng ông ủng hộ "việc sử dụng nhân dân tệ trong thanh toán giữa Nga và các quốc gia châu Á, châu Phi và Mỹ Latin".
Hãng Reuters đưa tin Bộ Tài chính Nga cũng đã tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ nhân dân tệ mà quỹ tài sản có chủ quyền của nước này có thể nắm giữ lên 60%, sau khi một phần lớn dự trữ ngoại hối của Nga bị đóng băng do các lệnh trừng phạt quốc tế. Theo Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov, trong năm 2023, Nga sẽ chỉ mua nhân dân tệ để nạp đầy quỹ tài sản có chủ quyền của nước này.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, tỷ trọng nhân dân tệ trong dự trữ ngoại hối của Nga là lớn bất thường. Trong khi đó, chưa đầy 3% dự trữ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu là tài sản bằng nhân dân tệ, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Trung Quốc được lợi ra sao khi phương Tây cấm vận Nga?
Các ngân hàng Nga cũng tiến hành nhiều giao dịch bằng nhân dân tệ hơn và hiện có tới hơn 50 ngân hàng Nga đang cung cấp dịch vụ tiền gửi nhân dân tệ với mức lãi suất cao hơn tiền gửi bằng USD. Tuy nhiên, theo Financial Times, hiện nay nhân dân tệ mới chỉ chiếm 2% tiền gửi cá nhân và doanh nghiệp ở Nga. Điều này phần nào cho thấy nhiều người Nga vẫn chưa thực sự tin tưởng vào loại tiền này với tư cách một kênh dự trữ giá trị.
Nguyên nhân của sự dịch chuyển
Việc nhân dân tệ đang ngày càng được Nga sử dụng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, việc Mỹ "vũ khí hóa" USD đã giúp nhân dân tệ của Trung Quốc hưởng lợi khi dần trở thành giải pháp thay thế trong thanh toán và dự trữ ngoại hối của Nga; buộc Moscow và các doanh nghiệp nội địa phải chuyển từ việc giao dịch bằng USD và euro sang những loại tiền tệ khác, nhất là nhân dân tệ.
Đầu năm 2023, Bộ Tài chính Nga đã chuyển đổi các hoạt động thị trường từ USD sang nhân dân tệ với tỷ lệ tối đa. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho SWIFT. Lượng giao dịch bình quân hằng ngày qua Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc đã tăng gần 50% kể từ khi chiến sự nổ ra, lên tới 21.000 giao dịch/ngày trong tháng 1. Trong khi đó, người dân Nga cũng dần chuyển tài sản sang rúp hoặc những loại tiền "thân thiện" khác nhằm tránh rủi ro từ các lệnh trừng phạt.
Thứ hai, khối lượng giao dịch bằng USD ít đi do giá dầu và sản lượng xuất khẩu sụt giảm làm doanh thu giảm theo. Hơn nữa, các biện pháp trừng phạt của châu Âu đối với dầu mỏ Nga đã khiến lượng xuất khẩu mặt hàng này sang châu Á, đặc biệt là Trung Quốc tăng mạnh, theo đó thúc đẩy sự dịch chuyển sang sử dụng nhân dân tệ. Tập đoàn Gazprom của Nga cũng đã chuyển sang xuất khẩu khí đốt cho Trung Quốc bằng rúp và nhân dân tệ, thay vì USD.
Thứ ba, kinh tế Trung Quốc và Nga ngày càng xích gần lại với nhau và có nhiều bước phát triển mới trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và công nghệ khiến cho lượng giao dịch bằng nhân dân tệ ngày càng tăng. Đáng chú ý, trong chuyến thăm Nga vào tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực này với Nga.
Thứ tư, đã từ lâu Tổng thống Putin luôn muốn tìm cách độc lập khỏi USD và những biến động chính trị trong thời gian qua càng đẩy nhanh quá trình này.
Nga tin Trung Quốc không bị châu Âu lay chuyển quan điểm về xung đột Ukraine
Những rủi ro tiềm tàng
Trong bối cảnh Nga "xoay trục" về phía Trung Quốc khi bị Mỹ và phương Tây cô lập và áp các biện pháp trừng phạt kinh tế gắt gao, Nga đã đưa nhân dân tệ của Trung Quốc trở thành một trong những tiền tệ chính trong dự trữ ngoại hối, giao dịch thương mại và thậm chí một số dịch vụ ngân hàng cá nhân. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ra lo ngại về điều này.
Chuyên gia kinh tế trưởng Natalia Lavrova của tổ chức môi giới BCS Global Markets nói rằng những năm gần đây Trung Quốc đã khuyến khích các đối tác thương mại của họ tăng cường sử dụng nhân dân tệ nhưng thị trường tài chính của Trung Quốc vẫn chưa đủ minh bạch để làm cho tiền tệ này trở nên phổ biến. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhân dân tệ với Nga là lựa chọn bắt buộc và rõ ràng Nga đã phải thay thế nhiều đối tác thương mại bằng một đối tác.
Bà Alexandra Prokopenko, cựu cố vấn của Ngân hàng Trung ương Nga, cho rằng rủi ro chính đối với Nga là việc Trung Quốc có thể có những động thái tiền tệ khó lường mà Moscow sẽ không thể phòng vệ vì quá khó dự báo. Trung Quốc đã có tiền lệ phá giá tiền tệ chỉ sau một đêm và nếu "lịch sử lặp lại", dự trữ ngoại hối của Nga sẽ giảm sút, giao dịch thương mại bị gián đoạn mà Moscow sẽ chẳng thể trở tay.
Có thể thấy sự nổi lên của giao dịch nhân dân tệ ở Nga phản ánh sự xoay trục kinh tế của Nga về phía Trung Quốc, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp hai nước hưởng lợi. Đồng thời, việc này vừa giúp Nga giảm tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, vừa giúp Trung Quốc tiến thêm một bước trong việc hiện thực hóa tham vọng quốc tế hóa nhân dân tệ.
Tuy nhiên, sự trỗi dậy của nhân dân tệ ở Nga cũng làm dấy lên lo ngại về việc hệ thống tài chính toàn cầu sẽ ngày càng phân mảnh hơn nữa. Xét ở một góc độ rộng hơn, đây cũng có thể coi là một cuộc sát hạch sát sao xem liệu cuối cùng nhân dân tệ của Trung Quốc có đủ sức cạnh tranh với đồng bạc xanh của Mỹ để trở thành tiền tệ thống trị thế giới hay không?
Bình luận (0)