Nhận diện những thủ đoạn mới mua bán trẻ em qua mạng

24/06/2023 06:00 GMT+7

Thực trạng nhức nhối về nạn mua bán và bóc lột sức lao động trẻ em đang được cộng đồng rất quan tâm. Cộng đồng và xã hội cùng đi tìm giải pháp và mô hình, cách thức hiệu quả để bảo vệ trẻ khỏi hiểm họa này.

Sáng 23.6, trong chương trình họp quý của Nhóm hoạt động về quyền trẻ em TP.HCM chủ đề "Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị bóc lột sức lao động, bị buôn bán", nhiều cá nhân, tổ chức đã chia sẻ trăn trở, vướng mắc cũng như mô hình hiệu quả mà họ đã và đang thực hiện để bảo vệ trẻ.

Những phương thức, thủ đoạn rất tinh vi

Tại chương trình, trung tá - thạc sĩ Đặng Thị Kim Anh, giảng viên Khoa Cảnh sát hình sự, Trường CĐ Cảnh sát nhân dân 2, cho biết trước đây khi mạng xã hội chưa phát triển, muốn mua bán người thì các đối tượng phải về vùng sâu vùng xa để chiêu dụ nạn nhân, còn giờ thông qua mạng xã hội, đối tượng chỉ cần ngồi một chỗ là có thể tìm được rất nhiều người.

Nhận diện những thủ đoạn mới mua bán trẻ em qua mạng - Ảnh 1.

Trung tá Kim Anh cũng chỉ ra thông qua mạng xã hội, đối tượng có những phương thức, thủ đoạn rất tinh vi. Trong đó có thể kể như: sử dụng tên tuổi, địa chỉ, ảnh giả lừa gạt, hứa hẹn yêu đương, tuyển việc nhẹ lương cao, sau đó bán vào các cơ sở kinh doanh có điều kiện; lập hội nhóm kín trên mạng xã hội tìm kiếm dụ dỗ những người mang thai ngoài ý muốn để xin con nuôi, sau đó đem bán lấy tiền hưởng lợi; lập trang web, hội, nhóm ghép thận hoặc cho nhận con nuôi, tiếp cận làm quen người có nhu cầu mua bán để môi giới hưởng lợi; câu kết thành đường dây mua bán người dưới 16 tuổi, bán sang các tỉnh để bóc lột tình dục hoặc sức lao động…

Trong những vụ mua bán trẻ, trung tá Kim Anh nêu ra một vụ điển hình: một đối tượng cùng đồng bọn làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức để mua bán người dưới 14 tuổi. Đối tượng này khi thấy nhiều người có nhu cầu nhận con nuôi nên lập hội nhóm "Cho nhận con nuôi ba miền", sau đó các thành viên có nhu cầu sẽ gia nhập nhóm. Trong hội nhóm đó có những người mang thai ngoài ý muốn không thể nuôi con và cũng có người có nhu cầu nhận con, và họ sẽ kết nối với nhau. Đối tượng sẽ làm và bán giấy chứng sinh giả để nhận con nuôi. Với những ca mua bán trẻ thành công như vậy, đối tượng sẽ có tiền môi giới…

CÁC MÔ HÌNH, DỰ ÁN BẢO VỆ TRẺ EM

Cũng tại chương trình, thạc sĩ Phạm Thị Minh Nguyệt, điều phối viên dự án, Tổ chức phi chính phủ PE&D (Liên hiệp Các tổ chức quốc tế thực hiện các chương trình viện trợ phát triển), đã giới thiệu mô hình can thiệp, hỗ trợ trẻ em có nguy cơ cao hoặc nạn nhân bị bóc lột sức lao động, bị buôn bán thông qua dự án phòng chống buôn bán trẻ em (ACT).

Nhận diện những thủ đoạn mới mua bán trẻ em qua mạng - Ảnh 2.

Trẻ em ăn xin trên đường phố

P.T

Chị Nguyệt cho biết dự án ACT hỗ trợ phát hiện nạn nhân mua bán trẻ em, hỗ trợ hồi gia cho trẻ về gia đình hoặc cộng đồng và nâng cao nhận thức trong cộng đồng về phòng ngừa mua bán trẻ. Trong đó dự án đã tổ chức 3 hoạt động chính: củng cố năng lực cho các mái ấm để bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân mua bán trẻ em; cải thiện khả năng tái hòa nhập kinh tế xã hội của trẻ có nguy cơ hoặc nạn nhân của mua bán trẻ em; phòng ngừa và giảm kỳ thị đối với nạn nhân của mua bán trẻ em trong cộng đồng.

Theo chị Nguyệt, trong các hoạt động cải thiện khả năng tái hòa nhập kinh tế xã hội, dự án có các hoạt động tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, tư vấn hỗ trợ giấy tờ tùy thân, sự việc pháp lý cho nạn nhân; hỗ trợ các mái ấm trong việc trang bị kỹ năng và kiến thức cần thiết cho trẻ cũng như phối hợp tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí. Đồng thời kết nối dịch vụ, nguồn lực hỗ trợ trẻ về học nghề, việc làm phù hợp…

Chị Phạm Đỗ Nam, đến từ tổ chức cứu trợ trẻ em Save The Children, chia sẻ về dự án phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em nhằm hướng đến một môi trường không có lao động trẻ em. Khu vực trọng điểm của dự án ở đô thị là khu công nghiệp tại TP.HCM, vùng nông thôn là các địa bàn của Đồng Tháp với tỷ lệ cao trẻ di cư và bị bỏ lại.

Chia sẻ về các hoạt động của dự án, chị Đỗ Nam cho biết hoạt động đầu tiên là gia đình và cộng đồng được hỗ trợ để thúc đẩy quyền học tập của trẻ và tiếp cận việc làm phù hợp trong tương lai. Kế tiếp là hỗ trợ gia đình các trẻ có nguy cơ hoặc lao động trẻ em về nguồn lực để gia tăng thu nhập. Với hoạt động này, dự án phối hợp với hội phụ nữ địa phương thông qua các hoạt động như: hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ sinh kế cho gia đình các trẻ có nguy cơ hoặc lao động trẻ em…

Nhận diện những thủ đoạn mới mua bán trẻ em qua mạng - Ảnh 3.

Trung tá Kim Anh chia sẻ về thực trạng mua bán người dưới 16 tuổi tại chương trình

Nữ Vương

Nhận diện những thủ đoạn mới mua bán trẻ em qua mạng - Ảnh 4.

Các khách mời chia sẻ mối quan tâm về nạn mua bán và bóc lột sức lao động trẻ em

Nữ Vương

NHỮNG VẤN ĐỀ CÒN TRĂN TRỞ

Chị Nguyễn Thị Thùy Dương, Phó giám đốc Trung tâm công tác xã hội - giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM, cho biết hiện nay trung tâm đang nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em lang thang, cơ nhỡ trên địa bàn, nhưng có một khó khăn là theo quy định của nhà nước, đến 16 tuổi các em phải rời trung tâm.

"Thật ra nếu con mình 16 tuổi và mình cho tiền để con ra đường sinh sống thì con cũng không biết sẽ làm gì, nói gì những em ở trung tâm. Vì các em thiếu rất nhiều, đầu tiên là thiếu kiến thức vì trình độ khi các em vào trung tâm rất thấp. Rồi các em thiếu giấy tờ, không khai sinh, không căn cước công dân. Hiện nay, giám đốc trung tâm phải đứng ra làm cha để làm giấy khai sinh cho các em. 16 tuổi các em không có người thân, không có chỗ để về, mà một năm thì trung tâm có khoảng mười mấy em phải ra, nên đây cũng là trăn trở của trung tâm, mong rằng mọi người có nguồn lực sẽ cùng kết nối để chia sẻ và giúp đỡ các em", chị Dương bày tỏ.

Sau khi nghe nhiều đơn vị, trung tâm chia sẻ về các nghề hướng nghiệp và dạy cho trẻ, ông Bùi Công Hiệp, Giám đốc Cơ sở bảo trợ trẻ em Thiên Thần, TP.Thủ Đức, trăn trở: "Chúng ta định hướng nghề nghiệp các em nhưng những nghề chúng ta đang có để dạy cho các em liệu các em có thích không, vì điều quan trọng là các em muốn ra đời sẽ làm nghề gì?". Ông Hiệp cũng cho biết hiện cơ sở của ông nhận nuôi các bé từ sơ sinh đến trưởng thành, và đang định hướng cho các bé về nhiều môn thể chất như bóng đá, điền kinh, bơi lội và boxing.

"Tôi huấn luyện cho các bé từ 5 tuổi, và có những em từ 8 - 10 tuổi đã được nhận về các đơn vị để đào tạo trở thành những VĐV chuyên nghiệp. Theo tôi, chúng ta phải định hướng, sàng lọc các bé từ nhỏ, chứ nếu đợi đến khi các em 16 tuổi mới định hướng nghề nghiệp, tìm việc làm cho các em thì chúng ta đã đi trễ một bước", ông Hiệp chia sẻ.

Hiện tại, cơ sở bảo trợ của ông Hiệp có hồ bơi 500 m2, sân vận động 2.000 m2. Chính vì thế, ông Hiệp mong muốn: "Chúng ta nên phối hợp với nhau, phát hiện những tài năng và định hướng nghề nghiệp cho các bé. Nếu mọi người phát hiện các bé thích những bộ môn thể thao này thì giới thiệu qua tôi để đào tạo cho các em. Chúng ta phải đa dạng hóa hình thức đào tạo, chứ đừng sợ rằng cho các bé học boxing, học đánh đấm thì sẽ bạo lực, nhưng không, chính học càng nhiều thì các bé sẽ không còn khuynh hướng bạo lực". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.