Nhận điện thoại 'con cấp cứu ở bệnh viện', mất hàng trăm triệu đồng: Lỗi từ đâu?

Bích Thanh
Bích Thanh
17/03/2023 19:29 GMT+7

Tại buổi tọa đàm 'Lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh mạng trong trường học', các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về việc lộ thông tin học sinh để nhận điện thoại 'con cấp cứu ở bệnh viện' và mất hàng trăm triệu đồng.

Nhận điện thoại "con cấp cứu ở bệnh viện", mất hàng trăm triệu đồng: Lỗi từ đâu? - Ảnh 1.

Cán bộ công an đưa ra cảnh báo về những cuộc gọi điện thoại lừa đảo trong thời gian qua

BÍCH THANH

Ngày 17.3, báo Tiền Phong đã tổ chức tọa đàm "Lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh mạng trong trường học" sau hàng loạt phụ huynh học sinh tại TP.HCM nhận điện thoại "con cấp cứu ở bệnh viện" và mất hàng trăm triệu đồng.

Chiêu lừa đảo 'con nhập viện': 80% cá nhân tự để lộ thông tin

Phụ huynh bị "đánh" vào tâm lý

Tại buổi tọa đàm, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), đặt câu hỏi: "Tại sao có cú lừa ngoạn mục vậy?" và phân tích các đối tượng lừa đảo đã đánh vào tình mẫu tử, người mẹ thường mất bình tĩnh. Nguyên nhân kế tiếp, theo ông Phú, học sinh được gọi là con của các gia đình có điều kiện, chủ yếu là học sinh các trường tư thục, các trường quốc tế. Ngoài ra, các đối tượng cũng nắm được vấn đề thực tế hiện nay các bệnh viện đang thiếu thiết bị điều trị cho bệnh nhân. Cho nên, khi phụ huynh nghe điện thoại báo tin bị cấp cứu thiếu thuốc thang, thiết bị để phẫu thuật rất hoảng hốt.

Ngoài ra, vị hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du thẳng thắn nói, có tình trạng phụ huynh thiếu thông tin như các bệnh viện sẽ không bao giờ thu tiền qua điện thoại. Khi xảy ra sự việc phụ huynh không liên hệ với nhà trường mà chỉ nghe một cuộc điện thoại đã hốt hoảng chuyển tiền. Điều đó cho thấy phụ huynh không nắm thông tin để đến khi "để mất bò mới lo làm chuồng".

Đồng ý với quan điểm này, ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân (Q.Tân Bình), cho rằng nếu trường và gia đình phối hợp tốt thì sẽ không có chuyện lừa đảo mất hàng trăm triệu đồng. Khi nhận được tin nhắn, phụ huynh không hỏi nhà trường mà hấp tấp chuyển tiền. Ngay cả khi nhận những tin nhắn sai chính tả như "trấn thương", "trợ rẫy" mà phụ huynh cũng tin tưởng. Nếu là tin nhắn của thầy cô chắc chắn sẽ không bao giờ viết sai chính tả như vậy, nhưng phụ huynh vẫn tin tưởng, hấp tấp chuyển tiền ngay mà không liên hệ với giáo viên.

Nhận điện thoại "con cấp cứu ở bệnh viện", mất hàng trăm triệu đồng: Lỗi từ đâu? - Ảnh 2.

Quang cảnh buổi tọa đàm

BÍCH THANH

Thông tin học sinh bị lộ từ đâu? 

Cũng trong buổi tọa đàm, các đại biểu tham gia quan tâm việc tại sao thông tin học sinh bị lộ?

Theo ông Độ, để tránh lộ thông tin học sinh, phụ huynh cũng nên hạn chế "khoe" các thành tích của con trên mạng xã hội. Hiện nay nhiều phụ huynh con được thưởng gì, hay được giấy khen gì là chụp hình đăng lên mạng xã hội như vậy đã vô tình làm lộ thông tin của con. Đó là nguy cơ cực kỳ lớn vì tội phạm sẵn sàng bỏ thời gian dài để nghiên cứu kỹ đối tượng lừa đảo.

Còn ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, thông tin mỗi ngày trung tâm an ninh mạng này tiếp nhận khoảng 5.000 cuộc tấn công. Tội phạm công nghệ không giới hạn về địa lý, cuộc gọi giả mạo có thể không xuất phát tại TP.HCM mà có thể đến từ các nước khác. Tội phạm công nghệ kiếm tiền phi pháp lợi dụng sự hiểu biết của họ, sự phát triển của công nghệ để xâm nhập, tấn công cộng đồng. Theo ông Thắng, dữ liệu lộ lọt xuất phát từ việc phụ huynh, học sinh cung cấp cho các hoạt động học tập… Học sinh sử dụng thiết bị công nghệ ngày càng nhiều nhưng chưa lường trước được các cạm bẫy trên không gian mạng.

Còn đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh, Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM, cho hay mỗi ngày đơn vị này nhận từ 20 đến 30 đơn tố cáo của người dân về việc bị lừa đảo. Cách thức lừa đảo rất đa dạng như mượn danh người quen, dùng hình ảnh, thậm chí mượn danh cơ quan nhà nước. Sau khi phụ huynh nghe máy thì những người này sẽ đưa điện thoại cho một người (có vị trí-NV) cao hơn nhằm đánh vào lòng tin của người dân.

Cũng trong buổi tọa đàm, khi trả lời câu hỏi lỗ hổng thông tin từ đâu, đại úy Tấn Thịnh cho hay 20% là các doanh nghiệp và cơ quan làm lộ thông tin; 80% là cá nhân của người đó làm lộ thông tin. Đặc biệt thế hệ gen Z hiện nay đang làm lộ thông tin của mình bằng cách tham gia các mạng xã hội mà không lường trước hết tình huống...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.