Nhân lực đã thiếu, càng thêm yếu

23/09/2021 06:07 GMT+7

Sẵn sàng mở cửa, đón cơ hội trở thành điểm du lịch của thế giới ngay trong tháng 10 tới, song nhân lực phục vụ ngành du lịch là một trong những bài toán đang chờ lời giải của Phú Quốc.

Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho biết thời gian qua, phần lớn DN vừa và nhỏ phải đóng cửa và cho nhân viên nghỉ việc, tỷ lệ này ở các DN lớn là 50 - 80%. Số còn lại thì tập trung vào duy tu, bảo dưỡng chăm sóc tài sản, sản phẩm như khách sạn, nhà hàng.
Với đặc thù hầu hết nhân sự đang làm việc trong ngành du lịch Phú Quốc là từ nơi khác đến nên đã về quê tránh dịch, số người bị kẹt do không về kịp thì gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống, thu nhập gần như bằng không. Còn lại, hầu hết đã chuyển đổi ngành nghề.
“Như thế, nguồn nhân lực đang yếu, thiếu giờ lại càng trầm trọng hơn. Trong số nhân sự đang bị ảnh hưởng, vẫn có người sẵn sàng, khao khát được đi làm việc lại khi du lịch được phục hồi. Tuy nhiên, không ít trường hợp sau khi ổn định và có công việc mới thì không có ý định quay trở lại ngành nữa. Do đó, bài toán huy động lại nhân sự cho ngành sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Huy đánh giá.
Lo ngại của ông Huy không phải không có cơ sở vì trong thời gian dài du lịch “ngủ đông”, có không ít những hướng dẫn viên, điều hành tour đã không còn đủ sức để chờ đợi.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing TST Tourist, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực mới là cản trở lớn nhất. Theo ông, tay nghề của lực lượng nhân lực ngành dịch vụ khách sạn, nhà hàng; kỹ năng và kiến thức của hướng dẫn viên đã bị mai một rất nhiều sau gần 2 năm nghỉ việc. Để sẵn sàng tái xuất trở lại, các DN du lịch hiện rất chú trọng việc đào tạo lại nguồn nhân lực, từ việc thống kê xem nguồn nhân lực còn lại là bao nhiêu, sẵn sàng hoạt động bao nhiêu, năng lực và trình độ đang ở đâu, tạo môi trường để họ làm quen, bắt đầu vào guồng. Guồng máy đi chậm thì việc mở cửa trở lại chắc chắn bị ảnh hưởng.
“Không có môi trường tương tác, chất lượng nguồn nhân lực của ngành du lịch đã không còn như cũ. Lãnh đạo ngành cần xây dựng quy trình, đánh giá tổng thể lực lượng lao động của các DN hiện nay còn bao nhiêu, nhu cầu đào tạo hiện tại của người lao động là gì. Trên cơ sở dữ liệu đó, xây dựng chương trình đào tạo theo 2 cấp: Cấp thứ 1 là DN tự đào tạo, có chi phí hỗ trợ mang tính chất khuyến khích từ hiệp hội hoặc Chính phủ; Cấp 2 là từ phía nhà nước, Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch trên 54 tỉnh, thành tổ chức chương trình đào tạo tập trung hoặc liên kết đào tạo, theo các chuyên đề và lộ trình, thời gian khoảng 3 tháng bằng hình thức trực tuyến. Sở du lịch mỗi tỉnh, thành sẽ xây dựng chính sách đào tạo đối với từng vị trí, từ kinh doanh, điều hành tour cho tới hướng dẫn viên… Thực tế đây không hẳn là đào tạo lại mà là tạo “lửa” trở lại, đẩy guồng quay nguồn lao động trở lại nhanh hơn, đáp ứng kịp nhu cầu mở cửa du lịch, mở cửa kinh tế”, ông Mẫn đề xuất.
Đồng tình, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy kiến nghị nhà nước nên triển khai các khóa học miễn phí cho lực lượng lao động trước khi chuẩn bị phục hồi, giúp nhân sự trong ngành mài dũa, ôn luyện và thực hành lại kỹ năng. Cuộc chuyển đổi số đã được triển khai ở nhiều DN trong ngành nên nhân sự cần phải cập nhật kiến thức mới để nắm bắt kịp công việc sắp tới. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phải sớm đưa gói hỗ trợ tới tận tay người lao động sớm nhất để họ có động lực, hy vọng quay lại phục vụ ngành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.