Nhan nhản mời vay trả góp không cần thế chấp

Thanh Xuân
Thanh Xuân
19/01/2021 06:21 GMT+7

Nhu cầu cần tiền trang trải vào thời điểm cuối năm gia tăng nên các hình thức cho vay trả góp ngoài ngân hàng hoạt động mạnh hơn.

Bao vây từ đầu hẻm đến trên mạng

Các tờ rơi cho vay dán trên cột điện, tủ điện, tường nhà… bủa vây từ các con hẻm nhỏ trên địa bàn TP.HCM cũng như các ngã ba, ngã tư đường mỗi dịp cuối năm với nội dung “Cho vay trả góp, thủ tục nhanh chóng. Chứng minh nhân dân, cà vẹt xe. Giảm 25% lãi suất...” và đi kèm theo là số điện thoại liên lạc. Trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo..., những lời mời vay vốn không cần thế chấp, chỉ cần có chứng minh nhân dân cũng nhan nhản.

Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ

SCB khẳng định quy trình vay vốn luôn được ngân hàng thực hiện minh bạch, khách hàng cần gặp gỡ trực tiếp với ngân hàng để ký nộp hồ sơ vay vốn và trực tiếp ký hợp đồng vay vốn với ngân hàng để được giải ngân theo quy định. Không chỉ SCB mà một số ngân hàng khác cũng bị giả mạo thương hiệu với thủ đoạn này. Do đó, các ngân hàng khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân và sử dụng trái phép; cũng như không truy cập và thực hiện giao dịch tín dụng trên các link, website lạ nhận được qua điện thoại, tin nhắn, email.
Trong một diễn đàn Vay tiền trả góp, trang N.V.K chào mời cho vay với hạn mức từ 10 - 100 triệu đồng, lãi suất 0,8 - 1,8%/tháng, kỳ hạn trả từ 12 - 48 tháng, làm hồ sơ online và chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Cũng giống như những trang khác, trang có tên N.V.K quảng cáo không tài sản thế chấp, không tiền cọc, kể cả những khách hàng đang có nợ xấu tại các ngân hàng cũng cho vay; tuổi từ 18 trở lên có chứng minh nhân dân và thẻ ATM; cho vay từ 5 - 100 triệu đồng.
Liên hệ với một trang cá nhân trên Facebook có tên Khanh tự nhận cho vay ở địa bàn Hà Nội và TP.HCM, người này nói sẽ giải ngân 44 triệu đồng cho khoản vay 50 triệu đồng, trả góp 1 triệu đồng/ngày trong vòng 50 ngày. Còn nếu trả góp theo tuần thì số tiền nhận được là 41 triệu đồng, trả trong vòng 10 tuần, mỗi tuần 5 triệu đồng. Sau một hồi hỏi thăm thông tin nhà ở hiện nay chính chủ hay thuê, làm việc gì, người tên Khanh kỳ kèo: “Tụi em phải biết chị làm gì có thu nhập để trả mới cho vay chứ. Chị chuẩn bị chứng minh nhân dân, hộ khẩu, hay giấy tờ xe trước, tụi em sẽ đến tận nhà cho vay và lấy giấy tờ. Để không bị áp lực, chị chọn hình thức trả theo tuần sẽ dễ thanh toán hơn”. Người này chỉ báo lãi 6 triệu đồng cho khoản vay 44 triệu đồng chứ không đưa ra chi tiết mức lãi suất vay, nhưng tính ra mức lãi tương ứng hơn 13,6 - gần 30% trong khoảng thời gian từ 50 - 70 ngày.
Tương tự, đăng nhập trang Cash24 với nhu cầu vay 10 triệu đồng, thời gian vay 12 tháng thì tổng số tiền phải trả hơn 15,6 triệu đồng. Hướng dẫn của trang này không đề cập đến từ “lãi suất vay” mà là “phí”, với mức 5,6 triệu đồng phải trả cho khoản vay 10 triệu đồng, tương ứng mức phí 56% trong vòng 12 tháng.
Các tiệm cầm đồ cũng là một trong những hệ thống nhiều người dân cần tiền tiếp cận vào thời điểm cần tiền. Dù chỉ ghi lãi suất 1,5 - 2%/tháng nhưng lãi suất tính ra lên rất cao. Giữa tháng 1, Công an Q.Long Biên (Hà Nội) đã phát hiện bà P.T.L và ông N.K.T kinh doanh tiệm cầm đồ nhưng cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự trên địa bàn với lãi suất từ 146%/năm đến 182,5%/năm. Cuối năm 2020, bà P.T.L cho khách hàng vay 40 triệu đồng với lãi suất 4.000 - 5.000 đồng/ 1 triệu đồng/ngày, tương đương 146%/năm đến 182,5%/năm.

Lừa đảo nở rộ

Vừa qua, Công an Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã triệt phá nhóm lừa đảo gần 400 người chiếm đoạt tài sản trị giá 1,5 tỉ đồng trên không gian mạng. Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh cán bộ ngân hàng, đăng thông tin hỗ trợ vay vốn, giải ngân nhanh trên mạng xã hội Facebook. Khi bị hại có nhu cầu vay vốn, các đối tượng hướng dẫn kết bạn qua Zalo, chụp ảnh giấy tờ làm hồ sơ vay vốn gồm sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, rồi chuyển cho các đối tượng. Sau khi có thông tin, các đối tượng sẽ làm giả hợp đồng tín dụng của ngân hàng rồi gửi cho nạn nhân yêu cầu phải đóng tiền để mua bảo hiểm, trả góp trước 3 tháng mới được giải ngân khoản vay. Nhiều người đã sập bẫy với thủ đoạn này và chuyển tiền cho kẻ lừa đảo. Sau khi nhận được tiền, nạn nhân cũng không thể liên lạc với những người trên.
Theo Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), kẻ lừa đảo giả mạo cán bộ thẩm định khoản vay và chăm sóc khách hàng của SCB, để mời chào, cung cấp các khoản vay được quảng cáo trên các trang mạng xã hội hoặc Zalo về các loại hình cho vay từ ngân hàng với thủ tục dễ dàng, giải ngân nhanh chóng. Khi người dân có nhu cầu và liên lạc, các đối tượng này mạo danh nhân viên ngân hàng để hỗ trợ và tạo lòng tin bằng cách gửi thẻ tự chế, giả mạo nhân viên thẩm định hoặc chăm sóc khách hàng của ngân hàng. Sau đó, đối tượng hướng dẫn người dân chỉ cần chuyển thông tin chứng minh nhân dân, hoặc căn cước công dân và thông tin hộ khẩu qua Zalo để được phê duyệt khoản vay, chủ yếu là các hạn mức nhỏ. Đối tượng sử dụng hình ảnh giả mạo gửi cho khách hàng để chứng minh khách hàng đã được giải ngân khoản vay. Cuối cùng, đối tượng yêu cầu người dân, để nhận được khoản vay, cần nộp trước một khoản tiền cho kỳ thanh toán đầu tiên vào một số tài khoản mà kẻ gian cung cấp. Sau khi nhận được tiền, đối tượng chặn toàn bộ liên lạc với nạn nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.