Massage, khách sạn, thẩm mỹ, tour... niêm yết và thanh toán bằng USD
Sáng 25.10, tại nhiều cửa tiệm dịch vụ, các khu nhà cho thuê phòng ở khu vực mệnh danh là phố Tây (Đề Thám, Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện…, Q.1, TP.HCM) tràn lan các bảng giá niêm yết bằng USD (ký hiệu $) song song với tiền đồng. Vào một con hẻm thông từ Phạm Ngũ Lão qua Bùi Viện, các tiệm làm móng tay, móng chân, massage, cắt tóc... đặt các bảng giá niêm yết chỉ bằng USD xuống hẳn lòng đường để gây sự chú ý cho người qua lại.
|
Cuối đường Bùi Viện, dịch vụ nhà trọ Sakura trưng tấm bảng bên ngoài với dòng chữ tiếng Anh “Rooms start from: 20 $/nite” (giá phòng từ 20 USD/đêm). Ngay trên trang web vietnambyscooters.com (một đơn vị du lịch chuyên cung cấp các tour du lịch địa phương di chuyển bằng xe 2 bánh), giá các tour được rao toàn bộ bằng USD như tour Saigon City là 53 $, tour Street Food là 67 $,…
tin liên quan
Đổi 100 USD, bị phạt 90 triệu: Mua, bán ngoại tệ ở đâu để không bị phạt?Nếu khách hàng có ngoại tệ khác thì có thể đổi ngay tại khách sạn.
Điều này cũng diễn ra tại một điểm bán tour du lịch trong nước trên đường Đề Thám (Q.1, TP.HCM) và một thẩm mỹ viện ở Q.10, TP.HCM, nhân viên tư vấn cũng cho biết chấp nhận thanh toán bằng tiền đồng và tiền USD cho các dịch vụ…
Mở rộng thị trường chính thức
Ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico, kể đã từng chứng kiến trong thang máy của một khách sạn trên đường Đông Du, Q.1, TP.HCM niêm yết cả bảng giá dịch vụ vận chuyển ra sân bay theo USD. Theo ông Đức, không những mua bán ngoại tệ tràn lan mà việc niêm yết, thanh toán dịch vụ bằng ngoại tệ vẫn còn nhiều. Như vậy, người dân trong nước và cả khách du lịch nước ngoài làm sao phân biệt được điểm nào được cấp phép cho giao dịch ngoại tệ?
Chuyên gia tài chính Đinh Tuấn Minh phân tích, nền kinh tế VN có độ mở rất cao nên việc mua bán bằng ngoại tệ là có thật. Thế nhưng, số lượng doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh khá nhiều trong khi các đối tượng này lại không được giao dịch ngoại tệ trực tiếp với ngân hàng như các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu. Thị trường có cầu thì tất sẽ có cung. “Chúng ta không thể cấm nhu cầu về ngoại tệ của người dân. Cái gốc vấn đề để thu hẹp thị trường chợ đen, ngăn chặn các hoạt động mua bán hay thanh toán bằng ngoại tệ là phải mở rộng thị trường chính thức. Ví dụ có thể mở rộng đối tượng được phép giao dịch ngoại tệ với các ngân hàng. Đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân được mua bán ngoại tệ tại các ngân hàng. Khi một người dân chỉ cần 300 - 500 USD khi đi du lịch để mua quà về cho người nhà, nếu họ mua được ở ngân hàng thì sẽ không ra ngoài chợ đen để hồi hộp sợ bị bắt phạt. Có thể khi đó cũng kéo giảm được chênh lệch giá ngoại tệ giữa hệ thống ngân hàng và ở các điểm thu đổi bên ngoài, thu hẹp số người tham gia như hiện nay”, chuyên gia Đinh Tuấn Minh chia sẻ thêm.
Ông Trương Thanh Đức cho rằng cần phải xem lại các quy định về lĩnh vực ngoại hối. Tại điều 2, bộ luật Dân sự 2015 công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự thì “quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Thế nhưng lĩnh vực ngoại hối hiện nay chỉ mới được quy định tại Pháp lệnh ngoại hối mà chưa phải là luật. Theo Pháp lệnh ngoại hối, trên lãnh thổ VN, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, ủy thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Như vậy các hành vi bị cấm này liệu có ổn về mặt pháp luật?
Bình luận (0)