Vụ đổi 100 USD, bị phạt 90 triệu đồng: Có hình phạt khác cho người đổi tiền?
24/10/2018 17:44 GMT+7
Theo luật sư Trần Thanh Phong (Đoàn LS TP.Cần Thơ) việc UBND TP.Cần Thơ phạt ông Nguyễn Cà Rê 90 triệu đồng về hành vi 'mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ' là khó có thể làm khác.
Tự động phát
LS Phong cho rằng việc ra quyết định xử phạt trước hết là đúng về hành vi, tức mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ, mức xử phạt (theo khoản 3 Điều 24 Nghị định 96/2014) và đúng thẩm quyền xử phạt (Điểm a khoản 6 Điều 51 Nghị định 96/2014).
[VIDEO] Quan điểm của các luật sư xung quanh vụ bị phạt do đổi 100 USD
|
Trao đổi thêm về trường hợp ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, ngụ đường Nguyễn Văn Cừ, P.An Hòa, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) bị xử phạt 90 triệu đồng khi bán 100 USD, LS Phong cho rằng UBND TP.Cần Thơ muốn xử phạt bằng hình thức khác, ví dụ cảnh cáo, thì luật cũng không cho phép. Bởi vì theo quy định tại Điều 22 của Luật xử phạt vi phạm hành chính, phải có quy định hình thức xử phạt cụ thể là cảnh cáo tại điều luật được áp dụng thì mới xử phạt cảnh cáo được. Khoản 3 Điều 24 Nghị định 96/2014 lại không quy định hình thức xử phạt cảnh cáo. Luật xử lý vi phạm hành chánh lại không quy định tình tiết giảm nhẹ là vi phạm lần đầu hay thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. "Đây là trường hợp người bạn ngẫu hứng cho tiền, chứ không phải tiền người thân từ ngoại quốc thường xuyên mang về nên anh cũng không có điều kiện để tái phạm", LS Phong nói thêm.
"Đúng là việc kinh doanh ngoại tệ hay tỷ giá ngoại tệ liên quan đến kinh tế vĩ mô, cần được quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên để người dân rơi vào cảnh này thì cũng thật xót xa. Chỉ mong sau vụ việc như thế này, các nhà làm luật thấy được và lưu ý để dự liệu khi sửa đổi, bổ sung để các văn bản pháp luật thực sự sát thực tiễn, đi vào đời sống", LS Phong chia sẻ.
|
Mua bán ngoại tệ phải đúng nơi, đúng chỗ
Trao đổi với PV Thanh Niên vào chiều 24.10, ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.Cần Thơ, cho biết: “Ở Cần Thơ, quận huyện nào cũng có điểm thu đổi ngoại tệ hợp pháp. Nhiều nhất là Q.Ninh Kiều, có tới 151 điểm, ít nhất là H.Thới Lai có 7 điểm”. Tính toàn địa bàn Cần Thơ có 257 phòng giao dịch có thu đổi ngoại tệ, 9 bàn thu thu đổi của doanh nghiệp, khách sạn và 50 đại lý chi trả ngoại tệ cho các ngân hàng.
Cũng theo ông Hà, tất cả những điểm thu đổi ngoại tệ đều có bảng chỉ dẫn có thu đổi ngoại tệ và phải niêm yết tỉ giá do ngân hàng thông báo. Trả lời câu hỏi tại sao người dân vẫn vào các tiệm vàng đổi thay vì tìm các điểm giao dịch kể trên, ông Hà cho biết: “Trước hết là thói quen của người dân đã hình thành từ lâu. Thực tế, việc đổi ngoại tệ tại ngân hàng hay các điểm giao dịch có chức năng thu đổi ngoại tệ cũng rất đơn giản, chỉ cần làm thủ tục, chứng từ lưu lại. Hơn nữa giao dịch ở các điểm này còn an toàn hơn khi người đổi tiền số lượng nhiều bởi được kiểm đếm cẩn thận, có bảo vệ”.
tin liên quan
Đổi 100 USD, 1 người bị phạt 90 triệu, 1 công ty bị phạt 295 triệuPhân tích rộng hơn về việc sử dụng, lưu hành ngoại tệ, ông Hà cho biết theo đề án nâng cao vị thế đồng tiền Việt Nam, hướng tới người Việt Nam chỉ sử dụng VNĐ trên lãnh thổ Việt Nam, việc sử dụng ngoại tệ được hạn chế.
“Luật pháp chấp nhận cho sở hữu ngoại tệ nhưng không khuyến khích sử dụng ngoại tệ. Việc mua bán vì thế được quy định phải đúng nơi, đúng chỗ. Đặc biệt là khi mua ngoại tệ phải chứng minh được lý do mua, mua để làm gì”, ông Hà nói.
Quay lại trường hợp ông Nguyễn Cà Rê đổi 100 USD ở tổ chức không được phép thu, đổi ngoại tệ và bị phạt 90 triệu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.Cần Thơ cho rằng việc xử phạt là đúng nhưng cần thấu tình, đạt lý. Xử phạt như thế nào để người dân có thể chấp nhận được. Trường hợp này, nên hướng dẫn người bị phạt về các quy định xin miễn giảm tiền phạt.
Bình luận (0)