Đây là ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo “Phòng, chống đuối nước trẻ em” do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội và Bộ LĐ-TB-XH tổ chức ngày 7.12.
Lớp dạy bơi miễn phí do đoàn thanh niên tổ chức được nhân rộng ở nhiều địa phương |
Nam Long |
Tử vong do đuối nước cao gấp 10 lần các nước phát triển
Theo Bộ LĐ-TB-XH, mỗi năm trong giai đoạn 2016 - 2020 có hơn 2.000 trẻ em (TE) tử vong do đuối nước, tuy đã giảm dần qua các năm nhưng đuối nước luôn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn, thương tích ở TE và người chưa thành niên.
Tử vong do đuối nước ở TE Việt Nam cao hơn so với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu và cao gấp 10 lần so với các nước phát triển. Tử vong do đuối nước chiếm khoảng 50% các ca tử vong do tai nạn, thương tích; xảy ra chủ yếu tại cộng đồng (76,6%), tại gia đình (22,4%) và tại trường học (1%). Trong nhóm từ 0 - 4 tuổi có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất và TE trai cao gấp đôi TE gái.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, trong 6 tháng đầu năm, tình tình trạng đuối nước có xu hướng gia tăng, xảy ra nhiều vụ trên toàn quốc, trong đó tập trung nhiều vào các kỳ nghỉ hè, những tháng hè trẻ em nghỉ học.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết: “Sau dịch Covid-19, trẻ em trở lại trường học, bắt đầu tham gia các hoạt động vui chơi, theo gia đình đến các khu du lịch… là nguyên nhân dẫn đến gia tăng các ca đuối nước. Do vậy, việc cứu sinh mạng TE cần phải được ưu tiên hàng đầu”.
Theo ông Nam, TE thiếu các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, nhiều TE chưa biết bơi. Trong khi đó, việc dạy bơi cho TE tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn do không có bể bơi, thiếu giáo viên dạy bơi…
Hội thảo phòng chống đuối nước TE |
T.Hằng |
Nhân rộng mô hình “Dạy bơi 0 đồng”
Chia sẻ kinh nghiệm của đoàn thanh niên, góp phần giảm thiểu tình trạng đuối nước ở TE, anh Nguyễn Hải Long, Trưởng ban Công tác Thiếu nhi (T.Ư Đoàn), cho hay trong giai đoạn từ 2018 - 2022, T.Ư Đoàn đã triển khai đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia phòng, chống đuối nước và tai nạn thương tích ở TE”, trong đó nhân rộng mô hình “Đoàn thanh niên tham gia dạy bơi cho TE”, chương trình “Tuần dạy bơi, học bơi cho TE”…
"Sau 4 năm, chúng tôi đã tổ chức cho hơn 2,1 triệu thiếu nhi tham gia các lớp, chương trình tập huấn kỹ năng, phòng chống đuối nước; dạy bơi miễn phí cho hơn 1,4 triệu thiếu nhi; lập 83.190 cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực có nguy cơ cao… Các cấp bộ Đoàn đã tích cực tham gia triển khai và nhân rộng mô hình đoàn thanh niên dạy bơi cho thiếu nhi. Thông qua các lớp học bơi “0 đồng” đã giúp TE rèn luyện kỹ năng bơi lội cơ bản, đồng thời các em cũng sẽ trở thành các tuyên truyền viên về phòng, chống đuối nước tại trường, lớp mà các em đang theo học”, anh Long chia sẻ.
TS Dương Khánh Vân (Tổ chức Y tế thế giới) cho rằng đuối nước không diễn ra một cách ngẫu nhiên, mà là vấn đề y tế công cộng có thể dự báo và phòng tránh được. Bà Vân khuyến nghị: “Việt Nam cần tăng cường truyền thông về nguy cơ và các biện pháp phòng, chống đuối nước ở TE cho cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ, cộng đồng và TE thông qua các kênh khác nhau ở cấp quốc gia, địa phương, bao gồm cả mạng xã hội. Gia đình, địa phương cùng hành động để tạo môi trường an toàn cho TE như: lắp đặt rào chắn, kiểm soát việc tiếp cận nguồn nước, cắm biển cảnh báo ở khu vực nguy hiểm…”
Theo ông Đặng Hoa Nam, giải pháp để phòng, chống đuối nước vẫn là nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng an toàn cho TE, cha mẹ, người chăm sóc trẻ; ưu tiên truyền thông cộng đồng, từng lớp học, từng cộng đồng dân cư, từng thôn ấp.
Ngoài các giải pháp trên, ông Đặng Hoa Nam cũng đề nghị xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan trong vụ việc gây ra tai nạn thương tích TE, đặc biệt là các vụ việc TE tử vong do đuối nước.
Bình luận (0)