Nhân rộng mô hình ‘hiệp sĩ’ Bình Dương

Đỗ Trường
Đỗ Trường
23/05/2018 05:28 GMT+7

Đó là phát biểu của thiếu tướng Đặng Hoàng Đa, Cục phó Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (V28) Bộ Công an, tại Hội nghị tổng kết phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2017 do UBND tỉnh Bình Dương tổ chức vào sáng 22.5.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, mô hình “hiệp sĩ” ở Bình Dương có từ năm 1997, khi nhóm của Nguyễn Thanh Hải (ngụ P.Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một) tự tổ chức đi “săn bắt cướp”. Sau một thời gian hoạt động tự phát, đến năm 2013 UBND tỉnh ban hành cơ sở pháp lý cho mô hình “hiệp sĩ” hoạt động bằng Quyết định số 34/QĐ-UB về quy chế tổ chức, hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh. Căn cứ quyết định này, Công an tỉnh đã phối hợp với Sở Tài chính ban hành hướng dẫn thực hiện kinh phí cho các CLB.

Báo cáo của Công an tỉnh Bình Dương tại hội nghị hôm qua cho hay, hiện trên địa bàn có 91/91 xã phường, thị trấn thành lập CLB phòng chống tội phạm với 3.248 thành viên, ban chủ nhiệm và hội viên. Trong đó có 84/91 địa phương thành lập Đội xung kích phòng chống tội phạm (hay còn gọi là “hiệp sĩ”) với 1.508 đội viên. Các “hiệp sĩ” tham gia truy bắt tội phạm thường xuyên được công an các cấp trang bị, tập huấn về kiến thức pháp luật, kỹ năng truy bắt tội phạm; đồng thời được pháp luật bảo vệ khi xảy ra tai nạn, thương vong về người khi truy bắt tội phạm theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9.4.2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Các “hiệp sĩ” Phú Hòa bắt 4 nghi can cướp tài sản đưa về bàn giao cho công an Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Về kinh phí hoạt động, hiện Bình Dương chi trên 9,1 tỉ đồng/năm để duy trì hoạt động của các CLB, trong đó có tiền xăng xe đi tuần tra, văn phòng phẩm... sử dụng cho công tác tuyên truyền pháp luật và truy bắt tội phạm. Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Dương còn trang bị 11 xe mô tô hiệu Yamaha Exciter 150cc cho một số CLB ở địa bàn trọng điểm. Các thành viên CLB còn được trang bị gậy cao su, găng tay bắt dao... khi tham gia bắt tội phạm. Trong năm 2017, các “hiệp sĩ” đã phối hợp với công an ở địa phương tham gia tuần tra, hỗ trợ giúp sức phát hiện 232 vụ, bắt giữ 576 đối tượng phạm pháp các loại.
Công an trực tiếp quản lý và chỉ đạo
Trao đổi với PV Thanh Niên, anh Nguyễn Thanh Hải, Đội trưởng CLB Phòng chống tội phạm Phú Hòa (P.Thủ Dầu Một), cho biết tính đến nay, nhóm của anh đã phát hiện, bắt giữ trên 2.000 vụ phạm pháp giao công an xử lý, trong đó có rất nhiều vụ cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản... Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, nhóm của anh đã phát hiện 56 vụ phạm pháp, bắt giữ gần 100 đối tượng giao cơ quan chức năng xử lý, trong đó cơ quan công an đã khởi tố 40 nghi can. “Hoạt động của CLB hiện nay được sự quản lý và chỉ đạo nghiệp vụ từ Công an P.Phú Hòa. Trước khi tiến hành theo dõi, truy bắt đối tượng đều phải báo cáo (ít nhất là gọi điện thoại) cho công an biết. Trong các trường hợp bắt giữ các đối tượng phạm pháp ở ngoài địa bàn P.Phú Hòa cũng phải báo cáo, phối hợp với công an các địa phương để truy bắt. Sau khi bắt giữ thì bàn giao đối tượng cho công an địa phương đó để điều tra, làm rõ”, anh Hải chia sẻ về phương thức hoạt động của nhóm.
Cũng theo anh Hải, thực tế hiện nay các đối tượng phạm pháp ngày càng manh động, liều lĩnh và sẵn sàng chống trả khi bị truy bắt. Các đối tượng thường dùng bình xịt hơi cay, súng bắn bi, ớt bột, dao, mã tấu, kim tiêm và kể cả công cụ hỗ trợ (súng điện, roi điện) để chống trả khi bị truy bắt, trong khi “hiệp sĩ” hiện chỉ được trang bị găng tay bắt dao, gậy cao su...
Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương trao bằng khen cho các cá nhân Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

“Để chống lại sự tấn công của các đối tượng phạm pháp, anh em chúng tôi khi truy đuổi trộm cướp đều phải đeo khẩu trang, mang kiếng hoặc mũ bảo hiểm có kiếng chắn... nhằm bảo vệ khuôn mặt, đề phòng bị tấn công bằng bình xịt hơi cay, ớt bột, súng bắn bi; mặc áo khoác bằng vải dai, dày để đề phòng bị đâm, chém”, anh Hải chia sẻ. Tuy nhiên, một vấn đề mà anh cùng các thành viên trong CLB luôn trăn trở là mỗi ngày nếu đi tuần tra, theo dõi, truy bắt các đối tượng phạm pháp, 16 thành viên trong CLB ít nhất cũng phải tiêu tốn 300.000 - 400.000 đồng tiền xăng, cơm, nước uống. “Kinh phí hỗ trợ của chính quyền còn hạn hẹp nên chúng tôi phải chi tiêu dè xẻn từ tiền thưởng qua các vụ bắt được trộm cướp để lo cho anh em trong đội đi làm”, anh Hải nói.
Nhìn nhận thực tế này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Đặng Minh Hưng cho biết tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu để có những cơ chế, chính sách hỗ trợ các “hiệp sĩ” hoạt động hiệu quả hơn.
Cần chính sách cụ thể hơn
Phát biểu tại hội nghị, thiếu tướng Đặng Hoàng Đa cho biết cả nước hiện có khoảng 2.000 đội, nhóm hoạt động tương tự như mô hình “hiệp sĩ” ở Bình Dương. “Tuy nhiên, hầu hết đều mang tính tự phát, ngoại trừ 91 CLB phòng chống tội phạm ở Bình Dương được chính quyền công nhận, có quy chế hoạt động và được lực lượng công an huấn luyện nghiệp vụ và theo dõi, giám sát, chỉ đạo mọi hoạt động”, thiếu tướng Đa phát biểu.
Về những đối tượng phạm pháp mà các “hiệp sĩ” bắt giữ, theo thiếu tướng Đa, điều 111 của bộ luật Tố tụng hình sự cho phép thực hiện. “Theo điều luật này thì mọi công dân đều có quyền bắt giữ các đối tượng phạm pháp quả tang. Còn lại các trường hợp khác đều phải báo cáo các đơn vị chức năng, chủ quản. Khi bắt được người phạm pháp thì phải dẫn giải về cơ quan công an nơi gần nhất để tiến hành các thủ tục trình tự theo quy định của pháp luật. Chúng ta cần phải trang bị kỹ năng, trang bị công cụ và phương tiện cho “hiệp sĩ” khi bắt giữ tội phạm”, thiếu tướng Đa lưu ý.
Cũng theo thiếu tướng Đa, hiện nay Bình Dương đang làm rất tốt việc trang bị kiến thức pháp luật, công cụ hỗ trợ... cho các thành viên CLB phòng chống tội phạm. Trong thời gian tới, V28 sẽ tham mưu cho Bộ Công an tổ chức hội nghị nhân rộng mô hình “hiệp sĩ” ở Bình Dương để cả nước nghiên cứu, vận dụng học tập. Đồng thời, đề xuất có những cơ chế chính sách cụ thể để mô hình này hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
Dịp này, Bộ Công an, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ VN tỉnh Bình Dương đã tặng cờ thi đua, bằng khen, kèm tiền thưởng theo quy định cho 160 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Quy định về bắt người phạm tội quả tang (điều 111 bộ luật Tố tụng hình sự): Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan công an, Viện kiểm sát hoặc UBND nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Khi bắt người phạm tội quả tang thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt. Trường hợp công an xã, phường, thị trấn, đồn công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.