Hầu hết ý kiến đều phản đối hình tượng nhân vật John Dillermand. Nhiều phụ huynh sốc sau khi xem xong bộ phim hoạt hình này. Nhà văn Đan Mạch Anne Lise Marstrand-Jørgensen bày tỏ bức xúc vì tác phẩm đi ngược lại thông điệp của phong trào #MeToo (phong trào chống xâm hại và quấy rối tình dục). “Đây có thực sự là thông điệp chúng ta muốn gửi đến trẻ em giữa bối cảnh làn sóng #MeToo đang bùng nổ?”, nữ tác giả chia sẻ. Phó giáo sư kiêm nhà nghiên cứu về giới Christian Groes tại Đại học Roskilde (Đan Mạch) cũng chỉ trích bộ phim “tôn vinh sức mạnh” của cơ quan sinh dục nam, “tiếp tay” cho ý tưởng về xã hội nam quyền.
|
Trái ngược với quan điểm của nhiều người, nhà tâm lý học Erla Heinesen Højsted có kinh nghiệm làm việc với nhiều gia đình và trẻ em lại cho rằng phe phản đối đang phóng đại vấn đề. “John Dillermand trò chuyện với trẻ em, chia sẻ cách suy nghĩ của chúng và bọn trẻ chỉ thấy bộ phận sinh dục này thật buồn cười”, nữ chuyên gia nói. Cô cho rằng đây không phải là bộ phim về tình dục. Vượt ra ngoài sự hoài nghi về một người đàn ông có dương vật quá khổ, tác phẩm hướng người xem đến những suy nghĩ "khác biệt và đa dạng".
Bên cạnh đó, Erla Heinesen Højsted đặt ra câu hỏi cho bậc phụ huynh rằng liệu họ có muốn cho con cái mình lên mạng xã hội để ngắm nhìn những cơ thể hoàn hảo nhưng không thật, mà chỉ có được nhờ phẫu thuật thẩm mỹ hoặc phần mềm chỉnh ảnh. Cô bày tỏ: “Bộ phim khắc họa người đàn ông bốc đồng, không phải lúc nào cũng kiểm soát được bản thân và thường mắc sai lầm giống như những đứa trẻ ngoài đời. Nhưng điều quan trọng là Dillermand luôn chịu trách nhiệm về hành động của mình”.
Trước phản ứng trái chiều từ dư luận, đài truyền hình DR cho hay họ thực hiện tác phẩm chỉ để giải trí và điều quan trọng là trẻ em rất thích nhân vật hoạt hình John Dillermand, dù anh chàng có dương vật siêu dài. Đài truyền hình Đan Mạch này nhiều lần vướng vào tranh cãi liên quan đến việc xây dựng nhân vật cho thiếu nhi, nhưng lại không quan tâm đến những lời bàn tán.
Bình luận (0)