Nhân vật kiệt xuất nào được đặt tên cho Bệnh viện quân sự đầu tiên ở Sài Gòn?

Nguyễn Quang Diệu
Nguyễn Quang Diệu
25/08/2021 15:00 GMT+7

Với sự ra đời của Quân đoàn Y tế thuộc địa và các nước bảo hộ theo sắc lệnh ngày 7.1.1890, hơn 300 bác sĩ quân y được đào tạo bài bản của Pháp đã tỏa đi các thuộc địa, trong đó có Charles Grall đến Sài Gòn.

Vào thời các thống đốc quân sự, khoảng 25 năm đầu, bệnh viện do hải quân Pháp quản lý, sau khi Sài Gòn có Thống đốc dân sự đầu tiên là Charles Le Myre de Vilers (nhiệm kỳ 1879-1883) thì bắt đầu có những dịch chuyển.
Với sự ra đời của Quân đoàn Y tế thuộc địa và các nước bảo hộ (Corps de Santé des Colonies et des Protectorats) theo sắc lệnh ngày 7.1.1890, hơn 300 bác sĩ quân y được đào tạo bài bản ở các trường quân y danh tiếng ở Pháp tỏa đi các thuộc địa trong năm 1890 để thực hiện nhiệm vụ xây dựng hệ thống y tế quân sự ở thuộc địa.

Bác sĩ Charles Grall (1851-1924)

Ảnh: T.L

Tổng nha Sức khỏe Đông Dương (Direction générale de la Santé) - thành lập theo nghị định ngày 20.1.1904 của Toàn quyền Paul Beau, nắm quyền chỉ đạo các cơ sở y tế quân sự lẫn dân sự ở thuộc địa và Cơ quan Hỗ trợ y tế Đông Dương (Assistance Médicale Indochinoise) - thành lập theo sắc lệnh ngày 30.6.1905 (dẫn theo Paul Beau, Situation de l'Indo-Chine de 1902 à 1907, tome 1, Saigon, 1908, tr.83-84), nhằm hỗ trợ cho Tổng nha Sức khỏe Đông Dương trong công tác dịch tễ… phần nào lý giải đặc quyền của y tế quân đội.
Bấy giờ, một số bác sĩ hải quân chuyển qua phục vụ trong các bệnh viện dân sự. Thời Paul Beau làm Toàn quyền Đông Dương (nhiệm kỳ 1902-1907), y tế bảo vệ sức khỏe cộng đồng rất được chú trọng. Trong số những nhân vật gia nhập Quân đoàn Y tế thuộc địa và các nước bảo hộ năm 1890 có bác sĩ Charles Grall (1851-1924) - người bị chính những trang lịch sử thuộc địa lãng quên đã đến Sài Gòn.

Charles Grall - nhân vật kiệt xuất trong giới y khoa thuộc địa Pháp

Từ các nguồn tài liệu Pháp ngữ, chúng ta biết bác sĩ Charles Grall sinh ngày 29.12.1851, là con trai của một công chứng viên ở Bretagne (Pháp). Grall sinh sống cùng thời với Calmette và Yersin, dù tên tuổi của ông rất nổi tiếng trong giới y khoa thuộc địa Pháp nhưng ít được công chúng thuộc địa nhớ tới so với hai vị đồng nghiệp kia. Tên của ông gắn liền với Bệnh viện Grall (tiền thân là Bệnh viện quân sự đầu tiên tại Sài Gòn) - một trong những biểu tượng của ký ức và lịch sử khai thác thuộc địa của người Pháp ở Nam kỳ.
Năm 1871, trước khi đến Sài Gòn thì Grall gia nhập lực lượng y tế hải quân Pháp với vai trò phụ tá. Năm 1874, ông đăng ký làm tiến sĩ y khoa tại Paris. Vì không đủ kinh phí, Grall đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa miễn chi phí nghiên cứu và thi cử cho ông, đổi lại sau khi lấy được bằng tiến sĩ, Grall tiếp tục phục vụ lực lượng hải quân thêm 10 năm nữa.
Năm 1875, Grall được thăng chức bác sĩ hạng hai hải quân; từ tháng 12.1878 đến tháng 2.1881, Grall là bác sĩ hạng nhất tại Guyana, nhận được bằng khen vì ngăn chặn thành công dịch sốt vàng da. Sau đó, ông gia nhập chiến hạm Bayard của Đô đốc Courbet, có mặt trong cuộc chiếm đóng Cơ Long và phong tỏa Đài Loan. Courbet đã gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa đề nghị trao huân chương Bắc đẩu Bội tinh cho Grall. Ở Bắc kỳ (Đại Nam - quốc hiệu Việt Nam lúc bấy giờ), Grall đã tham chiến một thời gian và thể hiện tinh thần cứu chữa sốt sắng cho binh lính Pháp.

Bên trong khuôn viên bệnh viện quân sự đầu tiên của Sài Gòn

Ảnh: T.L

Năm 1887, Grall được thăng bác sĩ chính, năm 1893 thăng bác sĩ trưởng. Ông trở lại Đông Dương hai lần: lần thứ nhất trong tư cách giám đốc Sở Y tế Bắc kỳ, cấp bậc bác sĩ hạng nhất; lần thứ hai với tư cách Giám đốc Nha Y tế Thuộc địa [Đông Dương], cấp bậc thanh tra y tế. Năm 1908, ông được thăng chức Tổng thanh tra y tế, và giữ chức Chủ tịch Hội đồng Y tế cấp cao của các thuộc địa Pháp. Năm 1924, trong cuộc họp của tổ chức bệnh học ngoại lai mà Grall là thành viên sáng lập, chủ tịch Mesnil đã ca ngợi bác sĩ - Tổng thanh tra Grall là “một trong những nhân vật kiệt xuất nhất của nền y khoa thuộc địa Pháp”.
Grall rất muốn chứng tỏ khả năng của các bác sĩ trong Quân đoàn Y tế thông qua công trình quan trọng có nhan đề Traité de Pathologie Exotique (Chuyên luận về bệnh học ngoại lai, Paris, 1913) do chính ông và Thanh tra y tế Clarac chỉ đạo. Ngoài ra, bác sĩ Charles Grall còn xuất bản một số công trình nghiên cứu quan trọng khác về vấn đề vệ sinh, y tế Việt Nam như: Pathologie exotique: Indo-Chine, études statistiques et cliniques (Bệnh học ngoại lai: Đông Dương, nghiên cứu thống kê và lâm sàng, Saigon, 1900); Hygiène de l'Indo-Chine (Vệ sinh Đông Dương, Paris, 1908) đề cập về vấn đề vệ sinh dịch tễ, vệ sinh cá nhân và công cộng… ở Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung; La Malaria des armées en campagne (Bệnh sốt rét của quân đội trên chiến trường, Paris, 1918).
Trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau, bác sĩ Grall đã thu thập vô số quan sát về bệnh amip gan ở quân đội phương Đông, về điều trị sốt rét và chứng giun sán…

Bản đồ Sài Gòn 1864 cho thấy rõ vị trí Bệnh viện Quân sự nằm cuối con đường Hopital (nay là Thái Văn Lung, Q.1)

Ảnh: T.L

Từ sau năm 1905, Bệnh viện quân sự đầu tiên tại Sài Gòn nằm dưới quyền giám sát của Grall, bệnh viện cung cấp các dịch vụ điều trị mở rộng cho mọi thành phần bệnh nhân: quân sự, công chức, dân sự người Pháp, người bản xứ và người nước ngoài. Ngày 26.1.1925, Bộ Thuộc địa Pháp ra quyết định đổi tên Bệnh viện quân sự thành Bệnh viện Grall để vinh danh vị bác sĩ đa khoa danh tiếng qua đời ngày 12.6.1924 ở Nice (Pháp) và chuyển công năng thành bệnh viện đa khoa. (Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.