‘Nhập siêu văn hóa’ kéo dài

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
24/11/2021 10:09 GMT+7

“ Nhập siêu văn hóa ” kéo dài là nhận định của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước.

Nhập nhiều, nhập nhầm hàng độc hại

“Nhập siêu văn hóa” kéo dài là nhận định của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Đây cũng là một trong những biểu hiện của việc thể chế hóa đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người chưa theo kịp yêu cầu.

Nhận định này được đưa vào Báo cáo trung tâm của Hội nghị Văn hóa toàn quốc, tổ chức ngày 24.11 tại Hà Nội.

Theo báo cáo, cùng với “nhập siêu văn hóa” kéo dài, mức đầu tư cho văn hóa đối ngoại cũng còn thấp. Điều đó dẫn đến việc: “Nhìn chung, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật Việt Nam chất lượng chưa cao nên hiện khó vào được thị trường văn hóa ở nhiều nước. Việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài mới chỉ có ở một số địa bàn, khu vực. Việc quản lý khách du lịch và hoạt động văn hóa nghệ thuật của một số tổ chức, trung tâm văn hóa nước ngoài còn bị động”.

Liên quan đến "nhập siêu văn hóa", báo cáo cũng nhắc tới việc không ít cơ quan thông tin đại chúng giới thiệu, quảng bá phim ảnh, chương trình, sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật thiếu thận trọng chọn lọc, thẩm định dẫn tới sai sót, vi phạm.

Phim Everest người tuyết bé nhỏ là một sản phẩm độc hại bị "nhập nhầm" khi có thông điệp "đường lưỡi bò"

Ảnh chụp màn hình

Báo cáo đánh giá: “Công tác quản lý xuất nhập khẩu văn hóa phẩm chưa chặt chẽ dẫn đến để lọt sản phẩm văn hóa nước ngoài du nhập vào nước ta chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc, thậm chí có những sản phẩm độc hại”.

Cũng theo báo cáo này: “Một bộ phận cán bộ, nhân dân có tâm lý sính ngoại, tiêu dùng sản phẩm văn hóa cũng như tiếp nhận lối sống thiếu chọn lọc, ảnh hưởng đến việc giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc và xây dựng con người Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế”.

Nghệ sĩ ngày càng già, cán bộ thiếu am hiểu

Về việc thể chế hóa đường lối văn hóa chưa theo kịp yêu cầu của Đảng, báo cáo chỉ ra việc một số nơi còn xem nhẹ vai trò của trí thức, văn nghệ sĩ, chưa đánh giá đúng vị thế của văn học, nghệ thuật trong mối quan hệ với kinh tế, chính trị. Nhân sự ở các hội văn học nghệ thuật còn bất cập, chưa đổi mới, thiếu hụt nguồn cán bộ quản lý là văn nghệ sĩ có uy tín. “Tuổi bình quân hội viên ở nhiều hội ngày một cao. Chưa thu hút được nhiều văn nghệ sĩ trẻ, tài năng vào các hội”, báo cáo đánh giá

Báo cáo trung tâm của Hội nghị Văn hóa toàn quốc cũng không né tránh mà nói thẳng: “Không ít cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành thiếu am hiểu cần thiết về vị trí, vai trò, tính đặc thù, tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật”.

Nhìn lại những vấn đề này, báo cáo cũng đưa ra những bài học để định hướng văn hóa trong thời gian tới. Trong đó, có bài học đẩy nhanh việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa, con người thành các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách và nguồn lực cụ thể, thiết thực, nhất là các chính sách đặc thù liên quan đến quản lý và hoạt động văn hóa, tạo môi trường pháp lý khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực xã hội xây dựng và phát triển văn hóa, con người.

Bên cạnh đó, báo cáo cho rằng, cần chăm lo công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa ở các cấp có đức, có tài, có kinh nghiệm và uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Cũng cần xây dựng đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ khá, giỏi trong chuyên môn, có khả năng hội nhập quốc tế một cách chủ động, tích cực.

Báo cáo trung tâm của Hội nghị Văn hóa toàn quốc cũng đưa ra một bài học nữa để giải quyết các tồn tại như "nhập siêu văn hóa". Đó là cần chú ý đến việc phát hiện, đào tạo, sử dụng tài năng văn hóa, văn nghệ ở một số lĩnh vực, bộ môn...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.