PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ: 'Tập hợp nhân sĩ trí thức, dễ cũng dễ mà khó cũng khó'

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
24/11/2021 06:30 GMT+7

Theo PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ (ảnh), Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT T.Ư, muốn tập hợp nhân sĩ trí thức, cần cho họ tin rằng nhà nước này luôn luôn vì đất nước, vì nhân dân của mình.

Khi tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc lần đầu tiên năm 1946, Đảng và Bác Hồ đã làm rất tốt việc tập hợp nhân sĩ trí thức. So với năm 1946, giờ đây việc tập hợp nhân sĩ trí thức có gì khác không, có khó hơn không, thưa ông?

Ảnh: T.L

PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ: Tập hợp nhân sĩ trí thức, dễ cũng dễ mà khó cũng khó. Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1946, trước đó chúng ta có

Đề cương văn hóa 1943 của Đảng. Khi chưa có chính quyền, chúng ta đã có một cương lĩnh về văn hóa; tức là nền văn hóa đó phát triển thế nào thì Đảng đã có định hướng rất căn cơ rồi. Nói đến Đề cương văn hóa 1943 thì chúng ta nói đến 3 nguyên tắc khoa học - dân tộc - đại chúng. Dân tộc thì đương nhiên rồi. Văn hóa đó là cho đại chúng, nhân dân chứ không phải là thứ văn hóa dành cho tầng lớp thiểu số.

Trong văn hóa, tạm thời chia làm hai phần: phần cho đại chúng - văn hóa cho mọi người, mọi người dân là chủ thể sáng tạo văn hóa; nhưng trong văn hóa còn có phần văn hóa đỉnh cao. Tinh hoa văn hóa này do đội ngũ văn nghệ sĩ trí thức tạo ra. Chính những tầng lớp tinh hoa đẩy cả nền và đỉnh văn hóa đi lên. Thực ra hai mảng này không khu biệt một cách rõ ràng. Đại chúng giúp tinh hoa; tinh hoa giúp đại chúng, kéo văn hóa đại chúng đi lên.

Trong thời đại mới, chúng ta vẫn có rất nhiều tiềm năng tập hợp nhân sĩ trí thức. Trong đó văn hóa là sức mạnh nội sinh, mục tiêu, động lực phát triển đất nước. Bên cạnh sức mạnh cứng thì chúng ta có sức mạnh mềm, trong đó chủ yếu là văn hóa. Chúng ta phải làm sao để gắn kết được khối đại đoàn kết dân tộc, làm sao gắn kết được đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài đều hướng về quê hương. Rõ ràng sức mạnh này còn lớn hơn, mạnh hơn. Lực lượng ở nước ngoài đã hiểu về đất nước, nhưng sức hút phải cao hơn nữa để kéo họ về.

Cần cho nhân sĩ trí thức niềm tin rằng nhà nước này, đất nước này luôn luôn vì nhân dân của mình. Cán bộ trong bộ máy không phải vào vì làm quan phát tài mà để làm công bộc của dân.

Chúng ta có thể gọi Hội nghị văn hóa toàn quốc lần này là Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ 3 được không, thưa ông?

Qua mỗi kỳ Đại hội Đảng, các vấn đề về văn hóa - con người, Đảng đều bổ sung đủ trong tư tưởng, quan điểm, đường lối của mình. Chúng ta đã có tư tưởng về văn hóa của Hội nghị văn hóa toàn quốc 1946 và 1948. Chúng ta còn có Hội nghị văn nghệ toàn quốc cũng được tổ chức vào 1948 để ra đời tổ chức tiền thân của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật sau này. Rồi sau đó do điều kiện kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, mô hình tổ chức toàn quốc không làm được. Nhưng mọi nghị quyết của Đảng trong các kỳ đại hội, chúng ta đã bổ sung phát triển các đường lối trong đó rất rõ. Vì thế, theo tôi Hội nghị văn hóa toàn quốc lần này không phải lần thứ 3.

Nhìn lại, chúng ta thấy những đường lối văn hóa rõ ràng. Nghị quyết T.Ư 5 khóa 8 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết Hội nghị T.Ư 9 khóa 11 là xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Rồi Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về văn hóa. Và bây giờ là Nghị quyết Đại hội 13 về văn hóa. Trong đó, ngoài những vấn đề về phát triển văn hóa nói chung, còn có nêu quan điểm mới. Đó là tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ bản hệ giá trị con người Việt Nam, hệ giá trị văn hóa Việt Nam gắn với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa gia đình Việt Nam. Như vậy là có hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa con người, hệ giá trị gia đình.

Bác Hồ với các nghệ sĩ sau buổi biểu diễn văn nghệ Tết Kỷ Dậu, 1969

Tư liệu

Nghị quyết, chiến lược văn hóa chúng ta luôn có đầy đủ, hoàn chỉnh. Còn việc thực hiện thì sao, thưa ông?

Nghị quyết khi xây dựng sửa từng câu từng chữ, từng dấu chấm phẩy kỹ lưỡng. Nhưng khi thực hiện, chúng ta lúc này lúc kia, vì chuyện này chuyện kia mà coi nhẹ việc thể chế hóa bằng cơ chế, pháp luật… Nghị quyết T.Ư 5 khóa 8 có những chương trình chưa thực hiện xong, thậm chí có một số chương trình rút đi. Đây là khâu ách tắc nhất mấy năm nay.

Chúng ta phải xây dựng đội ngũ làm chiến lược văn hóa từ cấp cơ sở đến cấp cao; phải có nhân lực có trình độ, am hiểu sâu về văn hóa, từ đó mới có say mê, đạo đức công vụ, khát vọng đẩy văn hóa dân tộc lên. Dư luận vẫn nói ở chỗ này chỗ kia, việc bố trí cán bộ văn hóa chưa ngang tầm, thậm chí ở một số nơi thiếu tính chiến lược, lâu dài, hệ thống; nhiều khi áp dụng giải pháp tình thế. Chúng ta nhớ thời kỳ thành lập nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong bộ máy của chúng ta có rất nhiều nhà văn hóa.

Rồi còn có những vấn đề khác. Chẳng hạn, hệ thống thiết chế văn hóa của chúng ta hiện nay đã được xây dựng nhưng vẫn có cái thừa, cái thiếu. Đi cơ quan, đơn vị nào, xã phường nào cũng có hội trường. Nhưng có hội trường lớn một năm chỉ sử dụng một, hai lần, trong khi lại thiếu nơi vui chơi cho người trẻ, nơi tập thể thao, thư viện, phát hành sách.

Những điều đó, chúng ta cần phải có sự chỉ đạo từ tầm vĩ mô mới điều tiết được. Chúng ta vừa tự hào về thành tựu đạt được, nhưng cũng cần phải nhận ra hạn chế, khuyết điểm. Đấy là cách nhìn rất cách mạng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.