Xem 'Văn hóa soi đường cho quốc dân đi'

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
17/11/2021 06:30 GMT+7

Những bức thư Bác Hồ gửi cho văn nghệ sĩ và văn nghệ sĩ gửi cho Bác. Đèn phòng không với mái tôn che ánh sáng để học đêm trong chiến tranh chống Mỹ. Chiếc bàn tính vạn năng vừa học toán vừa học chữ… Văn hóa đã “soi đường cho quốc dân đi” như thế.

Văn hóa soi đường

Những cuốn sách tại triển lãm Văn hóa soi đường cho quốc dân đi đều đã ngả màu. Nhưng nhờ chúng, người xem hình dung lại được không khí của Hội nghị Văn hóa toàn quốc 1946 và Hội nghị Văn hóa toàn quốc 1948. Trong đó, có thể kể đến Tạp chí Tiên phong của Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam, số 1 ngày 10.11.1945, đăng Đề cương văn hóa Việt Nam của Đảng Cộng sản Đông Dương; sách Đề cương văn hóa, in tháng 12.1949, giới thiệu Đề cương văn hóa của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và lịch sử vận động văn hóa của Đảng. Sách thuộc loại tài liệu nghiên cứu, do Ban Huấn luyện T.Ư trong Bộ Tuyên huấn T.Ư ấn hành. Sách Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam (in tháng 6.1950) in báo cáo đọc tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 1948 của đồng chí Trường Chinh, nói về Chủ nghĩa Mác - Lênin và vấn đề văn hóa Việt Nam…

Bức ảnh Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn

Tư liệu

Những cuốn sách này là một phần của hơn 320 hình ảnh và 123 hiện vật khác được trưng bày trong triển lãm do Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ VH-TT-DL tổ chức, với chủ đề Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Triển lãm diễn ra từ ngày 16 - 27.11, tại Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Hà Nội. Triển lãm cũng sẽ được trưng bày ngày 24.11 tại Nhà Quốc hội. Ngoài ra, có triển lãm online tại địa chỉ trienlamvhnt.vn từ 16.11 - 31.12. Nhiều đơn vị đã góp hiện vật để thực hiện triển lãm này, trong đó có Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Trong triển lãm, ngoài các nội dung: Một số hình ảnh về văn hóa Việt Nam trước năm 1930; Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam; Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với sự nghiệp phát triển văn hóa, còn có những nội dung khác: Văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; Văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước; Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc.

Triển lãm có nhiều hiện vật với những câu chuyện lịch sử của thời đại. Chẳng hạn, cuốn sách Bắc Sơn, Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam xuất bản năm 1946, mang tới câu chuyện vở kịch Bắc Sơn của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Vở kịch tuyên truyền, biểu dương tinh thần chiến đấu bất diệt của nhân dân Bắc Sơn và là lời cảnh tỉnh cho những người đang còn thiếu lòng tin vào cách mạng. Lời hiệu triệu in trên giấy của Tổng giám đốc Nha Bình dân học vụ ngày 8.9.1949, kỷ niệm 4 năm ngày phát động phong trào bình dân học vụ. Văn bản kêu gọi toàn thể anh chị em các cấp bình dân học vụ ra sức học tập đẩy lùi giặc dốt, thanh toán nạn mù chữ trong toàn dân.

Thư Bác Hồ viết cho văn nghệ sĩ

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cung cấp

Có thể thấy không khí không ngừng học tập trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước qua hình ảnh chiếc đèn phòng không của H.Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Đây được coi là lá cờ đầu toàn miền Bắc trong phong trào thi đua Hai tốt. Đèn có 3 mái tôn hình tam giác làm nắp che ánh sáng, mỗi mái có các rãnh để thoát khói, có cánh cửa bằng tôn và một cạnh thoát ánh sáng để học sinh học bài. Đây là sáng kiến của giáo viên cấp một Đậu Tấn Tự khi Mỹ đánh phá miền Bắc năm 1965. Khi ấy, để việc học tập được liên tục, nhà trường đã chuyển hướng học ban đêm.

Dấu ấn Bác Hồ

Ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, phần thưởng Bác Hồ tặng chiến sĩ diệt dốt, năm 1958

Ban tổ chức cung cấp

Nhiều câu chuyện tại trưng bày Văn hóa soi đường cho quốc dân đi cho thấy dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kể từ khi Hội nghị Văn hóa toàn quốc 1946 được tổ chức. Chẳng hạn, trưng bày có hiện vật ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, phần thưởng Bác Hồ tặng chiến sĩ diệt dốt, năm 1958. Theo Bộ VH-TT-DL, sau khi miền Bắc được giải phóng, Đảng và Nhà nước phát huy truyền thống diệt dốt, phát động kế hoạch 3 năm thanh toán nạn mù chữ (1956 - 1958) cho miền Bắc. Ông Nguyễn Trọng Hoàng, cán bộ Nha Bình dân học vụ, đề xuất Bác tặng anh chị em ảnh có chữ ký của Bác để làm phần thưởng. Bác Hồ đã chọn ảnh kèm theo chữ ký và bút tích, bức ảnh được đưa cho Nhà in Tiến Bộ ở Hà Nội in thành nhiều bản để tặng các “chiến sĩ diệt dốt” năm 1958.

Triển lãm cũng có một đĩa hát mẫu do NXB Văn hóa tự chế hồi 1976. Đĩa gồm 2 mặt, mặt 1 ghi lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng năm 1960; lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước của Bác năm 1966 và lời Bác đọc bài thơ Xuân 1969. Mặt còn lại ghi lời của Tổng bí thư Lê Duẩn đọc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi lễ truy điệu Người năm 1969. Từ đĩa mẫu này, đã in ra 100 đĩa nhựa để tặng đại biểu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (1976).

Những bức thư của Bác Hồ gửi cho văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ gửi tới Bác cũng được trưng bày. Bên cạnh đó là các bài viết của Bác với các nhà trí thức, nhà khoa học Việt Nam. Nhờ đó, công chúng có thể hiểu được sức mạnh đoàn kết, những thể hiện của tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, tập hợp văn nghệ sĩ trí thức. Những hình ảnh Bác tới thăm các di sản, di tích lịch sử như đền Hùng, Văn Miếu Quốc Tử Giám… cũng cho thấy mối quan tâm của Bác đối với di sản văn hóa dân tộc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.