Sự kiện văn hóa nổi bật: Đan Trường biểu diễn chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
24/01/2021 06:00 GMT+7

NSND Tạ Minh Tâm, NSƯT Vân Khánh, cùng ca sĩ Đan Trường, Đức Tuấn, Hiền Thục... sẽ biểu diễn trong chương trình nghệ thuật chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII vào 19 giờ ngày 25.1.

Đêm nhạc trước Nhà hát TP.HCM

Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 – 3.2.2021) và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, dưới sự chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở VH-TT TP.HCM tổ chức, Trung tâm Ca nhạc nhẹ Thành phố thực hiện các hoạt động thông tin, triển lãm, văn hóa văn nghệ diễn ra từ ngày 25.1 đến ngày 3.2 ở trước Nhà hát TP.HCM.
Trong đó, chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng Đại hội XIII với chủ đề Tự hào Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra tối 25.1 (ngày đầu tiên của Đại hội) với sự tham gia của các nghệ sĩ, ca sĩ: NSND Tạ Minh Tâm, NSƯT Vân Khánh, Phạm Thế Vĩ, Đan Trường, Đức Tuấn, Hiền Thục, Võ Hạ Trâm, Duyên Huyền, Quốc Đại, Thanh Sử, Giang Hồng Ngọc, Lưu Hiền Trinh, Dương Quốc Hưng, Tùng Lâm, Thùy Trinh, Trung Quang; nhóm MTV, nhóm Lạc Việt, nhóm 135, nhóm ca Thế Hệ Trẻ; nhóm cascadeur Quốc Thịnh, nhóm múa GH, ABC, The Sun, Mai Trắng, nhóm 218, nhóm thiếu nhi ABC Kids…
Tiếp đến, chương trình nghệ thuật với chủ đề Mãi mãi mùa xuân có Đảng kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 – 3.2.2021) sẽ diễn ra vào 19 giờ ngày 3.2 có sự tham gia của: NSND Trọng Hữu, NSND Tạ Minh Tâm, NSND Thanh Ngân; ca sĩ Cẩm Ly, Noo Phước Thịnh, Hồ Trung Dũng, Quốc Đại, Võ Hạ Trâm, Anh Bằng, Phạm Thế Vĩ, Duyên Huyền, Đào Mác, Thanh Nguyên, Cao Công Nghĩa, K-ICM, Ryo, Hồ Tuấn Phúc, Đồng Diệu Ly, Thiệu Nhung, Trung Thành; Nhóm múa GH, ABC, The Sun, Mai Trắng; nhóm thiếu nhi Sido…
Song song đó, còn có các hoạt động thông tin, triển lãm, văn hóa văn nghệ khác như: Triển lãm ảnh Mừng xuân Tân Sửu - Mừng Đảng quang vinh và chào mừng Đại hội XIII, từ ngày 2.2 – 28.2 tại đường Đồng Khởi (phía trước Sở VH-TT TP.HCM và đối diện Công viên Chi Lăng); Nhạc hội đờn ca tài tử Nam bộ tổ chức vào lúc 19 giờ ngày 30 và 31. 1 tại khu vực sảnh trước Nhà hát Thành phố (sân khấu chính), công viên Lam Sơn và khu vực trục đường Lê Lợi (Q.1, TP.HCM). Theo Trung tâm Văn hóa TP.HCM - Sở VH-TT TP.HCM, Nhạc hội là không gian văn hóa để phát huy tinh thần sáng tạo và tài năng trình diễn cho thành viên các câu lạc bộ đờn ca tài tử thuộc Trung tâm Văn hóa các quận/huyện, các câu lạc bộ thuộc các Nhà Văn hóa, Trung tâm Văn hóa các ban ngành, đơn vị và tất cả các đối tượng yêu thích loại hình nghệ thuật này trên địa bàn thành phố (có gần 90 câu lạc bộ đờn ca tài tử tham gia). Đây là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ trong và ngoài TP.HCM giao lưu, trình diễn, giới thiệu những giá trị đặc sắc của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ đến với công chúng và du khách; tạo điều kiện nâng cao chất lượng phong trào sinh hoạt đờn ca tài tử ở TP.HCM.

Tác giả Văn Hiến nhận giải nhất

ẢNH: ĐỘC LẬP

Trao giải cuộc thi Thương nhớ miền Trung

Cuộc thi viết Thương nhớ miền Trung (diễn ra từ 21.6 - 31.10) thu hút đông đảo bạn đọc tham gia, với 1.102 bài dự thi từ các tác giả trong và ngoài nước. Tại lễ tổng kết - trao giải chiều 19.1 ở tòa soạn Báo Thanh Niên, TP.HCM, nhà báo Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, cho biết: Những bài viết có chất lượng đã được Ban giám khảo vòng sơ khảo chọn đăng trên báo in, cũng như chuyên mục Thương nhớ miền Trung trên Thanh Niên Online, với tổng cộng 261 bài (tất cả đều được trả nhuận bút theo quy định); bên cạnh đó, ban tổ chức (Báo Thanh Niên) cũng đã phát hành sách Thương nhớ miền Trung (Báo Thanh Niên - Vanlangbooks - NXB Hồng Đức) với 100 bài viết được chọn lọc từ 1.102 bài dự thi.
Về chất lượng bài thi vào vòng chung khảo, nhà văn Anh Khang - giám khảo thế hệ 8X, nhìn nhận: “Mỗi bài viết đều rất hàm súc, cô đọng về câu chữ, nhưng lại thấm đẫm tình yêu quê hương”. Anh cũng “Cảm ơn Báo Thanh Niên vì đã cho Khang một cơ hội quý giá để có thể được đi du lịch miền Trung qua văn chương, và được chính các “hướng dẫn viên địa phương” là những độc giả dự thi dẫn dắt mình đi khắp mọi nẻo đường ở dải đất nắng gió thương khó nhất của Tổ quốc. Những món ăn đặc trưng của xứ sở này, những thị trấn oằn vai chật vật với bão lũ, những tỉnh thành nghe tên đã đi vào huyền thoại..., tất cả đều hiện lên chân thật, rõ mồn một từng đường nét qua lời kể đầy cảm xúc của các bài dự thi Thương nhớ miền Trung”. Anh Khang cũng nói vui rằng, sau cuộc thi này, anh lại càng nhận ra một điều: bạn đọc của Báo Thanh Niên hầu như ai cũng văn hay chữ tốt, tâm tình sâu lắng và đều là những cây bút xuất sắc kiêm hướng dẫn viên du lịch tận tình khi nhắc về quê hương.
Kết quả: Giải nhất: Bóng râm giữa “sa mạc” - Văn Hiến (Ninh Thuận); Giải nhì: Một đời lá nén muối rang - Ny An (Quảng Nam); 3 giải ba: Nơi miền đất khát - Khánh Liên (Ninh Thuận), Ai về Phan Thiết - Hoàng Mai (London, Anh), Mẹ gánh con đi - Trần Thị Tú Ngọc (Hà Tĩnh).
10 giải khuyến khích: Những bến đò ngang qua sông Hương - Phi Tân (Thừa Thiên-Huế); Tiếng chim quê ngoại - An Sinh (Gia Lai); Chợ quê mùa lụt - Trần Như Hoàng (Thừa Thiên-Huế); Tiếng trống làng mùa lũ - Thanh Ling (Quảng Trị); Ngôn ngữ đất - Trần Quốc Toàn (Bình Định); Ngọn đèn dầu quê… - Lê Đức Đồng (Sóc Trăng); Những chuyến nguồn của mẹ - Phan Đình Dũng (TP.HCM); Ngóng biển - Lê Ngọc (Hà Nội); Thương mùa mưa thơ dại - Nguyễn Hữu Tấn (Nhật Bản); Mấy mùa củi ướt ai về mà hong - Nguyên Hậu (Phú Yên)
Giải bài viết được bạn đọc yêu thích (tổng lượt like và view trên Thanh Niên Online): Người miền Trung là thế - Nguyễn Xuân Phương (TP.HCM).

Ca sĩ Yokoi Kumiko hát cổ vũ bộ đội Việt Nam ở trận địa pháo Quảng Bình năm 1973

ẢNH: T.L

Vĩnh biệt danh ca Nhật từng hát ở chiến trường Bình Trị Thiên

Nữ ca sĩ Nhật Bản Yokoi Kumiko vừa qua đời ở tuổi 76 tại Tokyo. Bà được biết đến như cầu nối hữu nghị Việt - Nhật và từng có mặt tại chiến trường Bình Trị Thiên hát cổ vũ bộ đội Việt Nam ở trận địa pháo Quảng Bình năm 1973.
Năm 1972, tại vùng Sagami Harashi (tỉnh Kanagawa, Nhật Bản), rất nhiều người dân đã xuống đường ngăn quân đội Mỹ chuyển những chiếc xe tăng M48 và khí tài từ các căn cứ quân sự tại Nhật Bản mang đến phục vụ chiến tranh ở Việt Nam. Họ đã cùng nhau hát ca khúc Sensha wa ugokenai (Hãy chặn chiến xa lại) nhằm phản đối cuộc chiến Mỹ tiến hành ở Việt Nam. Một trong những người nhiệt huyết tham gia hoạt động ấy là nữ ca sĩ Yokoi Kumiko.
Năm 1973, nữ ca sĩ người Nhật này quyết định đến Việt Nam trong 2 tuần để cất cao tiếng hát phản chiến. Cô biểu diễn tại rạp Hồng Hà (Hà Nội) và đi vào khu vực chiến trường Bình Trị Thiên phục vụ bộ đội ta ngay tại trận địa pháo ở Quảng Bình. Trong số những ca khúc cô hát, không thể thiếu Hãy chặn chiến xa lại. Trở về sau chuyến lưu diễn và cảm nhận được sự khốc liệt từ cuộc chiến ở Việt Nam, nữ ca sĩ Yokoi Kumiko tiếp tục dùng tiếng hát phản chiến của mình biểu diễn nhiều nơi ở Nhật Bản và một số nước khác.
Năm 1994, Yokoi Kumiko quay lại Việt Nam biểu diễn tại Hà Nội. Nhiều năm sau đó, bà tiếp tục đến Việt Nam để thực hiện những chương trình thiện nguyện, vận động giúp đỡ các nạn nhân nhiễm chất độc da cam, nhất là trẻ em ở Hà Nội, Thừa Thiên-Huế… Năm 2005, Yokoi Kumiko được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị quốc tế.
Năm 2007, Yokoi Kumiko cùng đoàn thiện nguyện Nhật Bản đến thăm và giao lưu với các em có hoàn cảnh đặc biệt ở làng Hòa Bình, TP.Huế. Tại đây, Kumiko đã gặp vị “khán giả đặc biệt” Trần Phương Liên của mình. Thuở nhỏ, Trần Phương Liên theo bố mẹ ra Hà Nội tập kết. Năm 4 tuổi, cô bé Liên bị liệt sau một trận sốt. Từ hầm tránh đạn, cô bé thường xuyên được nghe rồi yêu thích những ca từ trong Hãy chặn chiến xa lại dẫu chẳng hiểu gì nhiều về nội dung. Sau giải phóng, Trần Phương Liên trở về Huế đi học, đỗ đại học nhưng ra trường không xin được việc do khuyết tật, đành mưu sinh với tủ thuốc lá ở vỉa hè trước nhà. Rồi Phương Liên tự học tiếng Nhật và được một số giáo viên Nhật Bản giúp đỡ, trở thành giáo viên dạy Nhật ngữ ở TP.Huế. Năm 2003, bà Liên là một trong những sáng lập viên của Hội Ái hữu Việt - Nhật. Từ mối quan hệ của mình, bà Liên quyết thực hiện điều hằng ấp ủ từ nhỏ: Kết nối với cô ca sĩ người Nhật từng hát Hãy chặn chiến xa lại. Sau một thời gian kiên trì, bà Liên được một giáo sư người Nhật giúp đỡ, cung cấp địa chỉ email của cô Yokoi Kumiko. Năm 2006, bức thư bằng tiếng Nhật của “khán giả đặc biệt” ái mộ danh ca Yokoi Kumiko được gửi đi từ TP.Huế và không lâu sau đã nhận được hồi đáp. Họ hẹn gặp nhau tại Huế.
Tháng 5.2008, nhân sự kiện kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, danh ca Yokoi Kumiko đến Huế biểu diễn, kể lại mối lương duyên của mình với Việt Nam, trong đó có mối duyên kỳ ngộ với cô giáo khuyết tật Trần Phương Liên. Cũng từ mối quan hệ với cô giáo Liên, sau này Yokoi Kumiko thường xuyên sang Việt Nam và đến Huế để hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, dạy nhạc, giao lưu văn hóa với học sinh…
Tháng 7.2019, cô giáo Liên được Yokoi Kumiko mời sang Nhật Bản cùng tham gia chương trình hòa nhạc nhân kỷ niệm 50 năm sự nghiệp ca hát của danh ca này. Lần ấy, Yokoi Kumiko hẹn năm 2020 sang Việt Nam tiếp tục các chương trình thiện nguyện, nhưng rồi đại dịch Covid-19 đã gây trở ngại và bệnh tình của nữ danh ca Nhật ngày một nặng hơn.

Bìa sách Tết Việt Nam xưa

ẢNH: T.L

Tết Việt xưa qua góc nhìn của học giả phương Tây

Những góc nhìn khác nhau về tết Việt xưa, chủ yếu là vùng đồng bằng Bắc bộ và cung đình Huế, qua trang viết của những học giả trong và ngoài nước đăng trên Tạp chí Đông Dương (Indochine) trước năm 1945 được dịch và giới thiệu tới độc giả trong cuốn sách Tết Việt Nam xưa (MaiHaBooks và Nhà xuất bản Thế giới ấn hành) vừa mới ra mắt.
Với 3 phần Nghi lễ tết, Phong tục tết và Thú chơi tết, cuốn sách giúp người đọc hiểu hơn về phong tục, tập quán, hoạt động, tâm lý ngày tết của người An Nam, trong đó có những hình ảnh đã trở nên xa lạ với ngày tết bây giờ.
Chẳng hạn, trong khi thú chơi tranh tết có phần bị mai một trong cuộc sống hiện đại thì trước đây, “người An Nam dù giàu hay nghèo đều trang hoàng nhà cửa với vô số những tranh ảnh đầy màu sắc vào dịp tết”. “Những hình ảnh này vô cùng đa dạng, được mô phỏng từ nhiều nguồn cảm hứng khác nhau”, tác giả Mạnh Quỳnh viết trong bài có nhan đề Nguồn gốc và ý nghĩa của tranh dân gian ngày tết. Bài viết cũng đưa ra ý nghĩa của tranh dân gian tết trong quan niệm của người xưa, như hình ảnh con gà trống thể hiện mong ước may mắn; hình ảnh con gà mái với đàn gà con có ý nghĩa chúc đông con; hình ảnh con cá có nghĩa chúc dư thừa mọi thứ; hay hình ảnh con lợn nái với đàn lợn con thể hiện mong ước thịnh vượng...
“Mỗi khi xuân về, những bức tranh này có ý nghĩa mang lại hy vọng cho người lớn, có ý nghĩa giáo dục và làm trẻ con say mê, đồng thời lan tỏa sự thi vị trong không khí sống động vui tươi của ngày tết”, tác giả Mạnh Quỳnh kết luận.
Điều thú vị của cuốn sách này là người đọc có thể hiểu thêm về tết Việt xưa qua góc nhìn của “người ngoài” là những học giả phương Tây. Bài viết của tác giả Jean Francois (Pháp) ghi lại những quan sát và cảm nhận về sinh hoạt văn hóa truyền thống của người An Nam - hội Lim. “Người ta vui đùa ở khắp mọi nơi trên đất An Nam, từ Cà Mau đến Lào Cai. Nhưng chưa bao giờ thấy vui như ở Lim, nơi mà từ rất xa xưa, hằng năm vào ngày 13 của tháng thứ nhất của lịch An Nam, người dân quê anh dũng của vùng Bắc Ninh và Bắc Giang hội ngộ”, trích bài viết được đặt nhan đề Vài nét về hội Lim của Jean Francois. Trong bài viết này, tác giả còn cho thấy những điều đã làm “hỏng” hội Lim, nhưng khẳng định quan họ không mất. “Ẩn sau lũy tre làng hoặc tụ tập ở những địa điểm vắng vẻ, tránh xa sự náo nhiệt của thành phố, những cô gái ở Lim tiếp tục tạo dựng danh tiếng của mình”, tác giả viết.
Cuốn sách tập hợp những bài viết của các học giả như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Văn Giáp, Paul Boudet, Jean Marquet, Georges Pisier, Nguyễn Tiến Lãng, Mạnh Quỳnh... do PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu VN học) sưu tầm và lưu giữ trong nhiều năm qua, Du Uyên dịch.
“Người Pháp nhìn xứ An Nam cảm thấy kỳ lạ với những điều không giống như phương Tây. Với những sự kỳ lạ đó, họ lại càng muốn tìm hiểu để có thêm thông tin cho ngành du lịch đưa du khách, những người có sở thích về những điều độc đáo và lạ lùng, đến xứ xở này”, PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng nói. Ông ví dụ, người phương Tây thấy rất lạ lùng và thích thú khi thấy người An Nam có thói quen ngồi chồm hổm và có thể ngồi hàng giờ như vậy mà không thấy mệt, trong khi họ khó có thể làm theo. Theo PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng, không phủ nhận có những góc nhìn của học giả phương Tây bị lệch lạc, nhưng có khi là sự khách quan của “người ngoài”. “Những góc nhìn từ bên ngoài, không mang cảm tính của bên trong, rất quan trọng trong việc nghiên cứu dân tộc học”, PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ. Ông nhìn nhận ở thời kỳ con người quan tâm nhiều đến tiện nghi, đời sống vật chất thì tư liệu trong cuốn sách sẽ giúp người đọc nhìn lại những nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt.

Ảnh chụp Công chúa Phương Mai (cầm quạt) tại Ý năm 1955

ẢNH: P.M

Công chúa Phương Mai - con gái lớn cựu hoàng Bảo Đại - qua đời ở Pháp

Tờ Paris Match tối ngày 22.1 (giờ Pháp) đưa tin: Công chúa Phương Mai, con gái lớn vị Hoàng đế cuối cùng của Việt Nam Bảo Đại, đã qua đời tại Louveciennes, ngoại ô phía Tây Paris (Pháp).

Công chúa Phương Mai là con gái lớn của cựu hoàng Bảo Đại với người vợ đầu tiên là Nam Phương Hoàng hậu. Bà qua đời vào ngày 16.1, hưởng thọ 84 tuổi. Tang lễ của Công chúa Phương Mai được gia đình tổ chức vào ngày 21.1, cáo phó được đăng trên tờ Le Figaro của Pháp. Trong cáo phó, ngoài tên hai người con và hai cháu của bà, còn có tên của hai em gái bà là Công chúa Phương Liên (sinh năm 1938) và Phương Dung (sinh năm 1942) cùng người anh là Hoàng tử Bảo Long và em là Hoàng tử Bảo Thắng (đều đã mất).

Sinh tại Đà Lạt, năm 1947 khi được 10 tuổi, Công chúa Phương Mai theo mẹ sang sống tại sống tại Château Thorenc, ngoại ô của thành phố Cannes, Pháp sau khi vua Bảo Đại thoái vị. Bà gặp trắc trở trong hôn nhân. Năm 1971, bà kết hôn lần cuối với doanh nhân Ý Pietro Badoglio - Công tước xứ Addis Ababa thứ nhì (qua đời năm 1992 ở tuổi 53). Ông là cháu nội của Thống chế Ý Pietro Badoglio - Công tước xứ Addis Ababa thứ nhất, sau là Thủ tướng Ý. Họ có hai con là Flavio Badoglio - Công tước xứ Addis Ababa thứ ba và Donna Manuela Badoglio.

Nhạc sĩ Trần Tiến

ẢNH: T.L

Nhạc sĩ Trần Tiến tức giận khi bị đồn qua đời

Tuần qua, thông tin nhạc sĩ Trần Tiến qua đời vì bệnh ung thư vòm họng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Điều đó khiến người hâm mộ của nam nhạc sĩ không khỏi hoang mang.
Liên hệ với nhạc sĩ Trần Hiếu, ông phủ nhận thông tin này. Đồng thời nói thêm: “Đây chỉ là thông tin vớ vẩn chứ chưa có tin tức gì cả, gia đình cũng chưa báo gì”. Ông bức xúc trước thông tin này và tức giận khi bản thân bị đồn qua đời.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn cũng bức xúc cho biết “tin vịt bậy bạ” khiến Hà Nội “loạn hết”. Trong khi đó nhà sản xuất âm nhạc Nguyễn Thùy Dương cho hay vẫn đang cùng nhạc sĩ Trần Tiến chuẩn bị cho liveconcert tại Hà Nội vào tháng 3.2021.
“Cả tuần nay anh em chúng tôi liên tục trao đổi thông tin để biên tập chương trình và mới sáng nay 19.1 tôi và nhạc sĩ đã thống nhất về lịch nhạc sĩ sẽ bay ra Hà Nội trong tuần này để tham dự buổi họp báo cho show diễn, vậy mọi người cần tiếp nhận thông tin một cách chính xác nhé”, nhạc sĩ Nguyễn Thùy Dương cho hay.
Ca sĩ Trần Thu Hà nói thêm: “Bố Tiến vẫn khỏe mạnh. Sáng nay, cả gia đình Hà rất bất ngờ với rất nhiều điện thoại tin nhắn về tình hình sức khỏe của nhạc sĩ Trần Tiến. Tin đồn không căn cứ và kiểm chứng khiến vợ chồng nhạc sĩ, các con, cháu trong gia đình ngạc nhiên, sốc và phiền lòng. Hà mới về thăm bố Tiến ở Vũng Tàu. Bố khỏe và tinh thần phấn chấn kiên cường. Điều mà bố luôn mong muốn mọi người đừng quan tâm quá nhiều và đó là lý do bố không tiếp xúc với truyền thông”.

Nữ diễn viên Trung Quốc Trịnh Sảng

ẢNH: WEIBO

Nữ diễn viên Trịnh Sảng bị cấm xuất hiện trên truyền hình và internet

Sáng ngày 21.1, Tổng cục Quảng bá Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc (NRTA) đã phát đi thông báo gây chấn động: cấm nữ diễn viên Trịnh Sảng xuất hiện trên truyền hình và internet.
Trước đó, Trịnh Sảng bị lộ chuyện cùng tình cũ Trương Hằng sang Mỹ thuê người mang thai hộ. Nữ diễn viên đòi phá bỏ dù thai nhi đã được 7 tháng vì chia tay Trương Hằng. Khi con sinh ra ở Mỹ, cô cũng không hoàn thành nhiệm vụ của một người mẹ. Thậm chí, Trịnh Sảng còn muốn đem con của mình cho người khác.
Tại đất nước tỉ dân, việc thuê người mang thai hộ là bất hợp pháp. Vì vậy, hành vi lách luật của Trịnh Sảng khi nhờ người mang thai hộ tại Mỹ bị cơ quan chức năng lên án dữ dội. Trịnh Sảng là nghệ sĩ đầu tiên trong showbiz Hoa ngữ bị NRTA chỉ đích danh và ban lệnh cấm xuất hiện trên truyền hình và internet công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Trên mạng xã hội Weibo, đa số khán giả đều đồng tình với quyết định của NRTA, cần phải loại bỏ nghệ sĩ có đời tư không tốt, thách thức luật pháp gây ảnh hưởng tiêu cực đến cả giới nghệ thuật. Không ít khán giả bày tỏ sự tiếc nuối cho sự nghiệp của cô.
Thương hiệu thời trang cao cấp của Ý Prada cho biết đã chấm dứt hợp đồng với nữ diễn viên Trịnh Sảng, người được bổ nhiệm làm đại sứ Trung Quốc của thương hiệu ngay khi cô vướng vào vụ lùm xùm mang thai hộ.
Trịnh Sảng tốt nghiệp Học viện Điện ảnh Bắc Kinh năm 2011. Năm 2009, với vai diễn trong phim Cùng ngắm mưa sao băng, cô bắt đầu nổi tiếng. Các bộ phim Trịnh Sảng tham gia được nhiều khán giả ưa thích như Họa bích, Võ Tắc Thiên bí sử, Đẳng cấp quý cô 2, Yêu em từ cái nhìn đầu tiên..
Với lệnh câm trên, nhiều phim Trịnh Sảng đóng đang trong giai đoạn chờ ra mắt như Tân thiện nữ u hồn, Người tình phỉ thúy, Tuyệt mật giả… đều rơi vào tình trạng “đắp chiếu”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.