Mẫu máy bay chiến đấu phản lực mới mang tên Tempest được công bố tại Triển lãm hàng không Farnborough, Anh ngày 16.7.2018 |
reuters |
Reuters ngày 2.12 dẫn lời hai nguồn tin cho biết Nhật Bản, Anh và Ý vào đầu tuần tới sẽ công bố một thỏa thuận đột phá về việc cùng phát triển một loại máy bay chiến đấu phản lực mới tiên tiến.
Đối với Tokyo và London, thỏa thuận này là đỉnh cao của mối quan hệ quốc phòng ngày càng chặt chẽ hơn. Mối quan hệ này sẽ mang lại cho Anh vai trò an ninh lớn hơn ở châu Á và giúp Nhật Bản có các đối tác an ninh mới. Những đối tác này có thể giúp Nhật Bản đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của nước láng giềng.
Thỏa thuận sẽ hợp nhất dự án phát triển máy bay chiến đấu phản lực Tempest do Anh dẫn đầu với chương trình máy bay chiến đấu F-X của Nhật Bản. Các nỗ lực hợp nhất 2 chương trình đã được Reuters đưa tin lần đầu vào tháng 7.
Đây cũng sẽ là lần đầu tiên Nhật Bản hợp tác với các quốc gia ngoài Mỹ trong một dự án thiết bị quốc phòng lớn.
Các nguồn tin cho biết thông báo về thỏa thuận trên sẽ được đưa ra trước khi Nhật Bản công bố chiến lược an ninh quốc gia và kế hoạch mua sắm quốc phòng mới vào khoảng giữa tháng 12.
Việc mua thêm vũ khí có thể tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng Nhật Bản lên khoảng 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 5 năm tới. Ngân sách này sẽ chi trả cho các loại vũ khí mới bao gồm tên lửa tầm xa được thiết kế để ngăn chặn nước láng giềng sử dụng hành động quân sự trong và xung quanh biển Hoa Đông.
Các cuộc đàm phán giữa Nhật Bản, Anh và Ý về việc cùng phát triển máy bay chiến đấu phản lực mới do BAE Systems Plc và Mitsubishi Heavy Industries dẫn đầu. Quá trình đàm phán sẽ tiếp tục vào năm tới để thảo luận các chi tiết về dự án, chẳng hạn như công việc chia sẻ và thiết kế của các phiên bản máy bay mà mỗi bên sẽ triển khai, các nguồn tin cho biết.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước rằng đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật Bản cũng đang xem xét những đề xuất nới lỏng các quy tắc xuất khẩu quân sự của mình để máy bay chiến đấu phản lực phát triển chung có thể được xuất khẩu.
Bình luận (0)