Nhật Bản, EU sắp ký thỏa thuận loại bỏ gần như toàn bộ thuế quan

Thu Thảo
Thu Thảo
17/07/2018 17:47 GMT+7

Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản sắp ký thỏa thuận thương mại rộng lớn trong hôm nay 17.7, vốn sẽ giúp loại bỏ gần như toàn bộ thuế quan.

Theo Bloomberg, hai bên có động thái cởi mở với giao thương ngay cả khi nhiều lo ngại thương mại nổi lên vì chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Việc ký kết thỏa thuận này, vốn đạt được phần lớn từ cuối năm ngoái, ở Tokyo chỉ là hình thức. Sự kiện bị trì hoãn từ đầu tháng vì Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hủy chuyến thăm Brussels (Bỉ) để lo cho thảm họa thiên nhiên phía tây nam đất nước. Hơn 200 người chết vì lũ lụt và sạt lở đất tại Nhật Bản.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng sẽ tham dự dạ tiệc tại dinh thự chính thức của thủ tướng. Cả hai bên đều ủng hộ thỏa thuận này. Thỏa thuận sẽ bao trùm 1/3 kinh tế thế giới và hơn 600 triệu người.
[VIDEO] Chẳng ngại Mỹ, EU ký thỏa thuận thương mại tự do với Nhật Bản
Giá rượu vang và thịt lợn châu Âu sẽ giảm cho người tiêu dùng Nhật Bản, còn các bộ phận máy móc, trà và cá Nhật thì rẻ hơn với người tiêu dùng châu Âu. Thỏa thuận này loại bỏ khoảng 99% thuế quan áp lên hàng hóa Nhật Bản xuất sang EU, song chỉ bỏ thuế quan lên 94% mặt hàng EU xuất sang Nhật. Những năm sau, con số 94% sẽ từ từ được nâng lên thành 99%. Sự khác biệt này xuất phát từ một số mặt hàng ngoại lệ như gạo, sản phẩm nhạy cảm về mặt văn hóa và chính trị, được bảo vệ nhiều thập niên qua tại Nhật Bản.
Bước đi quan trọng hướng đến tự do hóa thương mại được thảo luận trong các cuộc đàm phán kể từ năm 2013. Dù vậy, thời điểm chốt ký hiện tại khá nổi bật khi Trung Quốc và Mỹ đang chìm trong xung đột thương mại.
Mỹ đề xuất mức thuế quan 10% áp lên 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Trước đó, Washington đã áp thuế 25% lên 34 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Đại lục. Bắc Kinh đáp trả bằng thuế quan áp lên lượng hàng nhập khẩu tương đương từ Mỹ.
Bên cạnh thỏa thuận mới nhất với EU, Nhật Bản đang tiến hành phát triển nhiều hiệp định thương mại khác, trong đó có thỏa thuận thương mại xuyên Thái Bình Dương với các nước đối tác gồm Úc, Mexico, Việt Nam. Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận này.
Nhật Bản khen thỏa thuận với EU, cho biết nó đến từ chính sách kinh tế Abenomics của ông Abe, được thiết kế để chống nền kinh tế trì trệ, bất chấp thực trạng dân số và ngày càng giảm và chi tiêu thì thận trọng. Tăng trưởng Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.
Bằng cách tăng cường quan hệ với EU, Nhật Bản kỳ vọng sẽ tăng đầu tư trực tiếp giữa hai bên, chống các xu hướng như chủ nghĩa bảo hộ vốn đang ngày càng mạnh trên thế giới. EU thì cho hay tự do hóa thương mại sẽ giúp xuất khẩu hóa chất, quần áo, mỹ phẩm và bia sang Nhật Bản tăng, giúp người châu Âu bảo đảm được công ăn việc làm hơn. Người tiêu dùng Nhật Bản trước giờ vẫn thích dùng hàng Âu, và chuyện giá giảm có thể thúc đẩy chi tiêu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.