Nhật Bản hồi hộp chờ tin vui từ mặt trăng

Khánh Như
Khánh Như
18/01/2024 22:10 GMT+7

Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, tàu đổ bộ thông minh điều tra mặt trăng (SLIM) của Cơ quan thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) sẽ hạ cánh xuống mặt trăng trong vài giờ nữa.

Được mệnh danh là "xạ thủ mặt trăng", SLIM đang chuẩn bị cho bước hạ cánh lịch sử nhằm đưa Nhật Bản trở thành quốc gia thứ 5 thành công phóng tàu vũ trụ lên mặt trăng.

Con tàu đã thuận lợi đi vào quỹ đạo mặt trăng vào cuối tháng 12.2023. Theo kế hoạch, nó sẽ được hạ xuống độ cao 15 km so với bề mặt mặt trăng vào 15 giờ chiều 19.1, theo tờ The Japan Times.

Nhật Bản hồi hộp chờ tin vui từ mặt trăng- Ảnh 1.

Tên lửa H-IIA được phóng ở Trung tâm vũ trụ Tanegashima trên đảo Tanegashima (tây nam Nhật Bản) để đưa tàu đổ bộ của Nhật Bản lên mặt trăng hôm 7.9.2023

REUTERS

Sau đó, tàu vũ trụ sẽ bắt đầu hạ cánh lần cuối vào rạng sáng 20.1, thực hiện bước tiếp đất ổn định gồm 2 giai đoạn trên khu đất dốc gần miệng núi lửa Shioli, ở phía tây mặt trăng.

Nhật Bản đang nỗ lực để đóng một vai trò lớn hơn trong không gian, hợp tác với đồng minh thân cận là Mỹ để cạnh tranh với năng lực quân sự và công nghệ của Trung Quốc.

Nhật Bản đếm ngược tới ngày tàu vũ trụ Moon Sniper đổ bộ mặt trăng

Nếu thành công, Nhật Bản sẽ là nước tiếp theo sau Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ hoàn thành sứ mệnh mặt trăng. Hồi tháng 8.2023, Ấn Độ đã gây tiếng vang trên toàn thế giới sau khi sứ mệnh Chandrayaan-3 thành công đưa tàu vũ trụ đáp xuống cực nam mặt trăng, khu vực mà con người vốn chưa hiểu rõ.

Một cuộc hạ cánh thành công cũng sẽ là động lực rất cần thiết cho mục tiêu phát triển không gian của Nhật Bản. Nước này tự hào có một số công ty khởi nghiệp về không gian và đặt mục tiêu đưa phi hành gia lên mặt trăng trong tương lai.

Tuy nhiên, JAXA đã phải đối mặt với nhiều trở ngại. Mới đây nhất là thất bại trong nỗ lực phóng tên lửa H3 đưa tàu vũ trụ vào không gian vào tháng 3.2023, trong cuộc đua với các nhà cung cấp tên lửa thương mại như SpaceX (Mỹ).

Dù vậy, JAXA nhấn mạnh công nghệ có độ chính xác cao của họ sẽ trở thành một công cụ mạnh mẽ trong việc khám phá các cực trên mặt trăng trong tương lai. Nhật Bản cũng có kế hoạch thăm dò vùng cực mặt trăng chung với Ấn Độ vào năm 2025.

Giáo sư Kazuto Saiki thuộc Đại học Ritsumeikan (Nhật Bản), người đã phát triển camera cận hồng ngoại của SLIM, sẽ phân tích đá mặt trăng sau khi thu được các mẫu vật ở đây.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.